Dân chủ Hồng Kông: Mỹ bảo vệ – Trung Quốc lùng bắt

https://youtu.be/SIETGvFqK4M
Link Video: https://youtu.be/SIETGvFqK4M

Sau khi chính quyền Hồng Kông thân Bắc Kinh ban bố một loạt lệnh truy nã quốc tế để bắt giữ những nhà hoạt động dân chủ tị nạn hoặc cư trú ở nước ngoài, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết Hoa Kỳ sẽ bảo vệ những người tranh đấu lưu vong và lên án chế độ độc tài Bắc Kinh.

Trong một tuyên bố đăng trên Twitter ngày 04/08/2020, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác định lập trường của Hoa Kỳ là lên án “mưu toan của Đảng Cộng sản Trung Quốc” truy bắt các nhà hoạt động vì dân chủ cư trú ngoài lãnh thổ của Trung Quốc, kể cả ở Hoa Kỳ.

Ông cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không có khả năng chấp nhận để người dân tự do suy nghĩ và còn tìm đủ mọi cách để tung bàn tay trấn áp ra bên ngoài biên giới.

Trong tình thế này, Ngoại trưởng Pompeo cam kết Mỹ và các quốc gia tự do sẽ bảo vệ những người vì tranh đấu cho tự do mà bị đe dọa.

Ngoại trưởng Mỹ phản ứng như trên sau khi truyền thông chính thức Trung Quốc đưa tin cảnh sát Hồng Kông đã ra lệnh bắt giữ sáu nhà hoạt động dân chủ hiện đang sống lưu vong vì bị tình nghi vi phạm luật an ninh quốc gia.

CCTV mạng lưới truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết sáu người bị truy nã vì nghi ngờ kích động ly khai hoặc thông đồng với các lực lượng nước ngoài – cả hai tội này có thể bị trừng phạt lên đến tù chung thân theo luật an ninh mới.

Ảnh chụp màn hình một tweet của Ngoại trưởng Mỹ hôm 04/08/2020 cam kết bảo vệ các nhà dân chủ bị truy nã

Vậy sáu nhà hoạt động dân chủ này là những ai?

Sáu người này, theo CCTV và truyền thông Hồng Kông, bao gồm:

Người thứ nhất là Simon Cheng (Trịnh Văn Kiệt), một cựu nhân viên Lãnh sự quán Hồng Kông của Vương quốc Anh, người gần đây đã được cấp tị nạn chính trị ở Anh. Ông đã bị giam giữ vào tháng 8/2019 khi đang đi công tác ở Trung Quốc đại lục và bị buộc tội kích động tình trạng bất ổn chính trị ở Hồng Kông.

Simon Cheng phủ nhận điều này và nói rằng đã bị đánh đập và buộc phải ký vào những lời thú tội giả trong khi bị giam giữ tại Trung Quốc.

Phản ứng trước các tin tức về lệnh bắt giữ, ông Cheng nói với BBC rằng ông sẽ không ngừng nói về các vấn đề ở Hồng Kông. Ông nói: “Chế độ toàn trị hiện đang kết tội hình sự đối với tôi tôi, và tôi sẽ coi đó không phải là một sự xấu hổ mà là một vinh dự.”

Người thứ hai là Nathan Law (La Quán Thông), 27 tuổi, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng đã trốn sang Anh. Anh viết trên Twitter rằng: “Tôi không biết ‘tội ác’ của mình là gì và tôi không nghĩ điều đó quan trọng. Có lẽ tôi yêu Hồng Kông quá nhiều“,.

Nathan Law lần đầu tiên nổi tiếng với tư cách là một nhà lãnh đạo biểu tình sinh viên vào năm 2014. Anh nói rằng anh thất vọng và sợ hãi khi phải sống lưu vong và anh sẽ phải “cắt đứt” mối quan hệ của mình với gia đình ở Hồng Kông.

Người thứ ba là Samuel Chu, một công dân Hoa Kỳ. Anh là con trai của Mục sư Chu Yiu Ming, một mục sư Baptist, một trong những người sáng lập “Phong trào Dù vàng” năm 2014.

Ông Chu điều hành Hội đồng Dân chủ Hồng Kông có trụ sở tại Washington DC và cho biết lần cuối ông đến thăm Hồng Kông vào tháng 11/2019.

Ông nói: “Tôi có thể là không phải là công dân Trung Quốc đầu tiên bị nhắm tới, nhưng tôi sẽ không phải là người cuối cùng. Nếu tôi bị nhắm mục tiêu, bất kỳ người Mỹ và bất kỳ công dân nào của bất kỳ quốc gia nào lên tiếng cho Hồng Kông đều có thể, và cũng sẽ như vậy.”

Luật an ninh quốc gia có các điều khoản ngoài lãnh thổ nói rằng bất kỳ ai, kể cả cư dân không phải là người Hồng Kông, đều có thể bị buộc tội theo luật này.

Trung Quốc nói rằng luật an ninh quốc gia cần thiết để khôi phục sự ổn định và trật tự trong trung tâm tài chính toàn cầu.

Ảnh: Simon Cheng một trong số 6 người bị truy nã theo luật an ninh mới

Người thứ tư là Ray Wong, một nhà hoạt động ủng hộ độc lập đã trốn sang Đức năm 2017 và hiện đang ở Anh.

Anh nói với BBC rằng danh sách những người lưu vong “bị truy nã” đã được đưa ra để “đe dọa” các nhà hoạt động dân chủ đang cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế hỗ trợ cho sự nghiệp của họ.

Người thứ năm là Lau Hong (còn được gọi là Honcques Lau), một thanh niên 18 tuổi ở Anh, lần đầu tiên nổi tiếng vào tháng 11/2017 khi anh vung một biểu ngữ ủng hộ độc lập bên cạnh nhà lãnh đạo Hồng Kông Carrie Lam.

Anh nói trong một cuộc phỏng vấn với một nhà báo vào thứ sáu 31/07 là: “Hãy đến bắt tôi ở Anh.”

Người thứ sáu là Wayne Chan, một nhà hoạt động ủng hộ độc lập khác, đang ở một đất nước không được tiết lộ.

Anh nói với hãng tin Reuters: “Đối với tôi, tình huống mà người Hồng Kông phải đối mặt thậm chí còn nguy hiểm hơn những gì tôi phải đối mặt. Tôi không thể nghĩ quá nhiều về sự an toàn cá nhân của mình.”

Sau khi áp đặt Luật an ninh quốc gia một cách gấp rút tại đặc khu hành chính Hồng Kông hồi cuối tháng 6, Trung Quốc liên tục siết gọng kìm khống chế Hồng Kông, chà đạp những dấu tích dân chủ cuối cùng tại thành phố châu Á mang tầm quốc tế này.

Ảnh: Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga trong cuộc họp báo ngày 31/07/2020

Ngày 31/07/2020, Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) chính thức thông báo hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp, theo dự kiến diễn ra vào đầu tháng 9 năm nay, do dịch COVID-19 tái bùng phát. Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đây là « quyết định khó khăn nhất trong 9 tháng vừa qua ». Cuộc bỏ phiếu bị dời lại đúng một năm, và dự trù được tổ chức vào ngày 05/09/2021.

Quyết định dời cuộc bầu cử lập pháp thêm một năm được xem là giai đoạn đàn áp kế tiếp của chính quyền cộng sản Trung Quốc tại Hồng Kông.

Ngay lập tức quyết định này đã bị phe đối lập ủng hộ dân chủ phản đối, coi đó chỉ là cái cớ để tránh thất bại cho phe thân Bắc Kinh. Giới quan sát cũng nhận định là quyết định dời cuộc bầu cử lập pháp thêm một năm xuất phát từ việc Bắc Kinh lo sợ người dân Hồng Kông trút căm phẫn qua lá phiếu như qua cuộc bầu cử đại biểu cấp quận hồi tháng 11/2019.

Ngay trước đó, hôm 30/07/2020 chính quyền Hồng Kông đã thông báo với 12 ứng cử viên của phe dân chủ là họ không được quyền ra tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 9 để bầu lại Hội đồng Lập pháp (LegCo), tức nghị viện của thành phố. Trong thông cáo, chính quyền đặc khu nêu lên các lý do của việc loại các ứng cử viên đó, chẳng hạn như một số ứng cử viên đã chỉ trích luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông, hoặc không chịu công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Một số ứng cử viên thậm chí còn bị loại với lý do là họ muốn … giành đa số ở Hội đồng Lập pháp.

Trên thực tế, phe dân chủ đang hy vọng sau phong trào biểu tình rầm rộ năm 2019 và sau thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương tháng 11 năm ngoái, họ sẽ có thể giành được đa số ở Hội đồng Lập pháp, mà cho tới nay vẫn do phe thân Bắc Kinh nắm giữ.

Đối với phe dân chủ, việc loại các ứng cử viên của họ là một vụ « gian lận bầu cử » chưa từng có trong lịch sử Hồng Kông.

Ảnh: Hoàng Chi Phong, gương mặt tiêu biểu của phong trào đấu tranh dân chủ ở Hồng Kông, bị loại khỏi cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp

Trong cuộc họp báo hôm 31/07, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), gương mặt hàng đầu của phong trào dân chủ tại Hồng Kông, tuyên bố : « Chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cự và chúng tôi hy vọng là thế giới sẽ đứng về phía chúng tôi trong những cuộc chiến đấu sắp tới ».

Việc loại các ứng cử viên phe dân chủ khỏi cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp cũng là một bằng chứng mới cho thấy Bắc Kinh siết chặt thêm sự kiểm soát đối với Hồng Kông, mặc dù cựu thuộc địa Anh Quốc phải được hưởng một quyền tự trị rộng rãi cho đến năm 2047, theo nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ ».

Cũng trong những ngày cuối tháng 7, ngày 29/07/2020, bốn sinh viên Hồng Kông thuộc một nhóm đòi độc lập (nay đã giải tán) đã bị cảnh sát bắt giữ trong khuôn khổ luật an ninh quốc gia. Đây là các vụ bắt bớ đầu tiên nhắm vào những khuôn mặt hoạt động chính trị, kể từ khi Trung Quốc áp đặt đạo luật này lên Hồng Kông ngày 30/06.

Ba nam và một nữ sinh viên, tuổi từ 16 đến 21, bị cáo buộc « tổ chức và xúi giục ly khai ». Cảnh sát cũng tịch thu máy tính, điện thoại và một số tài liệu.

Ông Li Kwai-wah, đơn vị phụ trách thi hành luật an ninh quốc gia mới, thuộc cảnh sát Hồng Kông, cho biết: “Các nguồn tin và điều tra của chúng tôi cho thấy nhóm này gần đây đã tuyên bố thành lập một tổ chức ủng hộ độc lập Hồng Kông trên mạng xã hội.”

Các sinh viên bị bắt là cựu thành viên của hoặc có liên kết với Studentlocalism, một nhóm thanh niên ủng hộ độc lập. Nhóm này đã bị giải tán vào tháng 6 trước khi luật an ninh mới có hiệu lực và cho biết sẽ tiếp tục chiến dịch từ nước ngoài.

Nhưng ông Li cho biết hoạt động ở nước ngoài vẫn có thể bị truy tố.

Ông nói: “Nếu bất cứ ai nói rằng anh ta chủ trương vi phạm luật an ninh quốc gia từ nước ngoài, thậm chí anh ta làm điều đó từ nước ngoài, chúng tôi có thẩm quyền để điều tra các trường hợp này này.”

Hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy cựu lãnh đạo của nhóm là Chung Hàn Lâm (Tony Chung), 19 tuổi, bị còng tay dẫn đi ở quận Nguyên Lãng (Yuen Long).

Tổ chức Studentlocalism cho biết Chung đã bị giam giữ vào khoảng 20:50 giờ địa phương (12:50 GMT). Các cảnh sát cũng thu giữ và mang đi một số đồ đạc, nhóm này nói.

Nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Hoàng Chi Phong cho biết Chung đã bị cảnh sát theo dõi trong nhiều ngày. Anh nói Chung bị bắt vì viết một bài đăng trên Facebook về “chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc” và cáo buộc rằng điện thoại của những người bị giam giữ đã bị hack ngay sau khi họ bị bắt.

Hoàng Chi Phong viết trên twitter rằng: “Vụ bắt giữ tối nay rõ ràng sẽ gửi một tín hiệu đàn áp tới các phát ngôn online của Hồng Kông.”

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Tổng thống Trump quyết quét sạch ứng dụng Trung Quốc

>>> Mỹ muốn lĩnh vực công nghệ không có mặt của Trung Quốc

>>> Tháng 7 – khởi đầu cho chuỗi ngày đen tối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=DwX8EWPxYOc
Tổng thống Trump quyết quét sạch ứng dụng “gián điệp” của TQ

 

Kasse animation 7.8.2023