Trung Quốc “Ra đòn kịch độc” – Việt Nam và thế giới điêu đứng

https://youtu.be/-GjcgRZ7Pdk
Link Video: https://youtu.be/-GjcgRZ7Pdk

Trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu chững lại tại châu Âu, châu Mỹ cũng như châu Á thì kinh tế nhiều nước phương Tây đã liên tiếp gánh những thiệt hại nặng nề mang tính lịch sử.

Theo dữ liệu chính phủ công bố hôm 30/7 thì kinh tế của siêu cường thế giới, Hoa Kỳ, trong quý 2 năm 2020 đã xuống dốc một cách nghiêm trọng nhất kể từ sau thời kỳ Đại Suy thoái năm 1929.

Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Mỹ giảm 32,9% trong quý 2. Đây là mức giảm cao nhất từ khi Mỹ bắt đầu lưu dữ liệu kinh tế năm 1947. Mức giảm này gấp 3 lần so với mức giảm kỷ lục 10% hồi năm 1958.

Tình trạng sụt giảm xảy ra phần lớn vào tháng 4 khi Mỹ phải tạm hoãn các hoạt động kinh tế, ra yêu cầu ở nhà, bắt buộc đóng cửa toàn bộ nhà hàng, quán bar, nhà máy và nhiều doanh nghiệp khác để chống dịch COVID-19.

Nền kinh tế số 1 trên thế giới chính thức rơi vào suy thoái do GDP giảm liên tiếp trong hai quý 1 và 2/2020. Theo giải thích của Bộ Thương Mại Mỹ ngày 30/7/2020, tiêu thụ nội địa hoàn toàn « sụp đổ » trong 6 tháng đầu năm dưới tác động của các biện pháp phong tỏa chống COVID-19.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Mỹ vẫn rất căng thẳng. Ngày 01/8 vừa qua là ngày thứ năm liên tiếp Mỹ ghi nhận trên 60.000 ca nhiễm mới.

Các con số trên được thông báo trong lúc bang Florida, vốn bị dịch bệnh tàn phá nặng nề, lại đang chuẩn bị đón cơn bão nhiệt đới Isaias. Ngày 01/8, Florida ghi nhận thêm 179 ca tử vong, một kỷ lục đáng buồn mới của bang này, nâng tổng số người chết vì virus corona tại Florida lên thành 6.843.

Điều đáng chú ý là trong số các bang của Mỹ, chỉ có California là ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn Florida, nhưng dân số của bang California cũng cao hơn gấp đôi Florida.

Bên kia Đại Tây Dương, tình hình có không sáng sủa hơn.

Ảnh: Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire

Theo số liệu Eurostat, cơ quan thống kê châu Âu, công bố ngày 31/7, GDP quý 2 năm 2020 của 19 nước trong khối Đồng tiền chung châu Âu đã giảm 12,1% so với quý 1. Đây là mức sụt giảm nặng nề nhất kể từ năm 1995, khi Eurostat bắt đầu thống kê lĩnh vực này.

GDP của Pháp giảm ở mức 13,8%, kỷ lục tính từ năm 1949. Viện Thống kê Quốc gia INSEE (in-xê) trong báo cáo công bố ngày 31/7 ghi nhận đây là quý thứ ba liên tiếp kinh tế Pháp sa sút.

Nước Pháp đang trải qua « giai đoạn đình đốn nghiêm trọng nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai ». Điều an ủi duy nhất là mức độ sụt giảm nói trên « nhẹ » hơn so với dự phóng được viện INSEE đưa ra một tháng trước đây. Khi đó cơ quan này lo ngại tổng sản phẩm nội địa của Pháp trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6/2020 sẽ giảm 17%.

Bộ trưởng Kinh tế, Bruno Le Maire, nhìn nhận virus corona đã « giáng một đòn mạnh » vào kinh tế Pháp, dù vậy các biện pháp hỗ trợ của chính phủ đã « cho phép hóa giải được phần nào » những hậu quả tai hại dịch COVID-19 gây nên.

Kinh tế sụt giảm chủ yếu do tiêu thụ nội địa gần như đóng băng trong giai đoạn nước Pháp phong tỏa phòng dịch trong 2 tháng từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5/2020. Chỉ số tiêu thụ của các hộ gia đình Pháp trong quý 1 và 2 năm nay theo thứ tự giảm 5,8% và 11% so với hồi 2019. Về phía các doanh nghiệp, chỉ số sản xuất trong báo cáo của INSEE giảm hơn 14% trong quý 2/2020. Tổng đầu tư của các doanh nghiệp giảm gần 18% trong quý hai sau khi đã giảm hơn 10% trong ba tháng đầu năm nay. Nhìn đến kim ngạch xuất khẩu của Pháp, trong ba tháng vừa qua đã mất hơn một phần tư so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Nhưng ở châu Âu, suy thoái nặng nhất là Tây Ban Nha, GDP giảm 18,5% so với quý 1.

Ảnh: Đường phố tại Paris vắng vẻ khi Pháp áp dụng lệnh phong tỏa để chặn dịch COVID-19 từ giữa tháng 3 cho đến giữa tháng 5

Còn tỉ lệ sụt giảm GDP của Ý và Đức lần lượt là 12,4% và 10,1%.

« Điểm sáng » duy nhất được công bố trong ngày cuối cùng của tháng 7 đến từ Canada. Sau hai tháng sụt giảm, GDP tháng 5 của Canada đã tăng 4,5% so với tháng 4.

Cũng trong ngày 31/07/2020, Ủy ban khẩn cấp của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO/OMS tổ chức họp bàn về đại dịch COVID-19, 6 tháng sau khi ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về dịch bệnh.

Theo Tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Ghebreyesus, đại dịch lần này là cuộc khủng hoảng y tế 100 năm mới có 1 lần, nhưng những hệ quả của nó sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ.

Cũng như kinh tế, tình hình dịch bệnh tại châu Âu không có nhiều tín hiệu tích cực.

Tại Pháp, virus corona vẫn đang trên đà lây lan mạnh trở lại. Ngày 31/7 là ngày thứ ba liên tiếp Pháp ghi nhận trên 1.300 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Đồng thời, Pháp có thêm 22 ổ lây nhiễm, nâng tổng số ổ lây nhiễm trên toàn quốc lên thành 258 ổ. Các ổ lây nhiễm phát triển mạnh nhất ở những khu bãi biển, nơi tập trung rất đông khách du lịch mùa hè.

Cơ quan y tế Pháp ghi nhận ngày càng có nhiều trung niên, thanh niên nhiễm virus, nhất là những người ở độ tuổi 20-30. Điều đáng lo ngại là ở lứa tuổi này, tỉ lệ những trường hợp nhiễm virus nhưng không có triệu chứng lại rất cao, làm tăng khả năng lây lan ra cộng đồng, nhất là lây bệnh cho những người có vấn đề về sức khỏe, người cao tuổi …

Nhật báo Le Figaro (Lơ Phi-ga-gô) dẫn số liệu của Tổng Vụ Y Tế, Bộ Y Tế Pháp, theo đó số ca nhiễm ở độ tuổi 14-44 đã tăng 69% so với tuần trước, trong đó có đến hơn 50% dương tính với virus corona nhưng không có triệu chứng.

Nếu như đà lây nhiễm lan quá nhanh thì khi đó các chuyên gia chủ trương là Pháp áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa toàn diện như trong thời gian từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5/2020. Một phần nhân viên sẽ phải làm việc từ nhà, nhiều cơ sở sản xuất sẽ lại tạm đóng cửa… Paris báo trước đây sẽ là một “tai họa về mặt kinh tế“.

Các nước châu Âu khác cũng trong tình trạng báo động.

Nga thông báo trong ngày 02/8 có thêm gần 5.500 bệnh nhân COVID-19, nâng tổng số người lây nhiễm lên 850.870 người, đứng hàng thứ tư trên thế giới về số ca dương tính với virus corona.

Thủ tướng Anh Boris Johnson nói hôm 28/7, cảnh báo COVID-19 tái xuất ở châu lục này sau nhiều tháng tưởng như đã khống chế được dịch. Ông nói: “Tôi e rằng chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy dấu hiệu của làn sóng bùng dịch thứ hai tại một số nơi ở châu Âu.”

Lothar Wieler, Giám đốc viện Robert Koch, cơ quan phòng tránh bệnh truyền nhiễm của Đức, cũng cho rằng châu Âu “có khả năng” hứng chịu làn sóng thứ hai của COVID-19. Wieler cho hay “rất lo lắng” vì số ca nhiễm nCoV tăng cao tại nhiều vùng của Đức do tâm lý chủ quan của người dân. Trong những báo cáo gần đây, Viện Robert Koch cho hay nhiều ca liên quan tới việc người dân quay lại làm việc, tụ họp gia đình hoặc tham gia vào các hoạt động giải trí. Rob Schmitz, phóng viên thường trú của báo NPR tại Berlin cho biết: “Trong hai tuần qua đã có hơn 500 ca nhiễm mới một ngày, tăng nhẹ so với tháng trước và các vụ bùng dịch ở địa phương cũng đóng góp vào xu thế này.”

Na Uy báo động dịch bệnh đang bùng phát trở lại sau khi phát hiện 36 thủy thủ trên một chiếc tàu đang neo đậu tại cảng Tromso, bắc Na Uy bị nhiễm COVID-19.

Số liệu thống kê COVID-19 mới nhất của châu Âu cho thấy số ca nhiễm trong bình trên 100.000 người trong 14 ngày qua đã tăng lên. Tỷ lệ nhiễm ở Tây Ban Nha hiện là 47 trên 100.000 người. Giới chuyên gia nhận định Tây Ban Nha là nguồn lây tiềm tàng do tỷ lệ lây nhiễm tăng đột biến và đây cũng là quốc gia nổi tiếng về du lịch hè.

Ngoại trưởng Đức khuyến cáo người dân không tới vùng Aragon, Navarra và Catalonia của Tây Ban Nha.

Anh buộc những người trở về từ Tây Ban Nha phải cách ly 14 ngày.

Bỉ hôm 01/8 thông báo, “trong trường hợp không cần thiết” các công dân Bỉ bị cấm đến 4 vùng tại Tây Ban Nha (Navarre, Aragon, Barcelona và Lérida tại Cataunya), 3 khu vực tại Thụy Sĩ quanh hồ Leman và vùng Mayenne (May-en-nờ) của Pháp.

Về mặt kinh tế, câu hỏi đặt ra là phương Tây có vượt qua được suy thoái mà COVID-19 gây ra?

Ảnh: Người dân Mỹ xếp hàng đợi nhận trợ cấp thất nghiệp tại Frankfort (bang Kentucky)

Sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump cam kết chi khoảng 3.000 tỉ USD để vực dậy nền kinh tế, số ca COVID-19 đang tăng trở lại tại Mỹ trong khi các chương trình trợ cấp vừa hết hạn. Các chuyên gia kinh tế nhận định chương trình trợ cấp thất nghiệp hết hạn hôm 31/7 sẽ có tác động đáng kể đến sự phục hồi yếu ớt của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch COVID-19 trong bối cảnh gần 30 triệu lao động thất nghiệp sẽ mất đi một nguồn tài chính quan trọng cho cuộc sống.

Theo các nhà kinh tế thuộc Wells Fargo Securities, trong trường hợp không có trợ cấp thất nghiệp bổ sung mới, tổng thu nhập của hộ gia đình Mỹ sẽ mất gần 72 tỷ USD mỗi tháng và có thể ảnh hưởng đến hoạt động chi tiêu tiêu dùng.

Trong một báo cáo, các nhà kinh tế Tim Quinlan, Sarah House và Shannon Seery của Wells Fargo Securities cho biết trong ba tháng qua, chi tiêu tiêu dùng trung bình ở mức 1.100 tỷ USD mỗi tháng. Giả sử tất cả thu nhập bị mất là để giảm tiêu dùng cá nhân, chi tiêu trong tháng 8/2020 có thể thấp hơn khoảng 78 tỷ USD, tương đương mức giảm 7%/tháng. Trước cuộc khủng hoảng hiện nay, mức giảm kỷ lục hàng tháng lớn nhất là 2,1% kể từ những năm 1950.

Do số ca mắc COVID-19 gia tăng gần đây đang bắt đầu ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 29/7 nói rằng “cần có thêm một số hỗ trợ chính sách”.

Các cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke và Janet Yellen cũng đã thúc giục Quốc hội phê chuẩn dự luật cứu trợ COVID-19 tiếp theo và gia hạn chương trình trợ cấp thất nghiệp vì tốc độ phục hồi kinh tế Mỹ có thể chậm và không đồng đều.

Còn châu Âu ngay trước đó đã đạt thỏa thuận lịch sử với kế hoạch chấn hưng 750 tỉ euro.

Sau bốn ngày thương lượng căng thẳng tại Bruxelles, sáng sớm ngày 21/7, lãnh đạo 27 nước châu Âu đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch chấn hưng, trị giá 750 tỉ euro, với mục tiêu giúp châu Âu thoát thỏi cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử của khối, do đại dịch COVID-19.

Kế hoạch chấn hưng, với số tiền trợ giúp không hoàn lại hàng trăm tỉ đô la, do Đức và Pháp thúc đẩy, có lợi trước hết cho các nước miền nam châu Âu, nạn nhân chủ yếu của đại dịch (trước hết là Ý và Tây Ban Nha), bị nhóm các nước « khắc khổ » đứng đầu Hà Lan phản đối quyết liệt. Thượng đỉnh ban đầu dự kiến diễn ra trong hai ngày, rốt cuộc đã phải kéo dài bốn ngày. Rất nhiều lần thượng đỉnh gần như đi vào ngõ cụt, thất bại tưởng không tránh khỏi.

Điều chưa từng có đối với Liên Âu trong thỏa thuận được nhiều người đánh giá là « lịch sử » này là việc khối 27 nước chấp nhận nguyên tắc « chia sẻ nợ chung », cùng đóng góp để thanh toán các khoản tiền viện trợ của khối cho các thành viên lâm nạn. Để đạt được một thỏa hiệp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, cựu Thủ tướng Bỉ Charles Michel, đóng vai trò người trung gian trong thượng đỉnh này, đã đề xuất một kế hoạch chấn hưng, ít tham vọng hơn so với dự án ban đầu. Theo ông, đề xuất dẫn đến thỏa hiệp này là « kết quả của một nỗ lực phối hợp tập thể hết sức căng thẳng ».

Cụ thể, sau 4 ngày thương lượng, khối 27 nước đã đạt được đồng thuận về hai điểm chính. Trước hết về ngân sách 7 năm của Liên minh châu Âu, cho phép Liên Âu thực hiện các chương trình dự kiến, với tổng trị giá 1.074 tỉ euro. Bên cạnh đó là khoản ngân sách cho kế hoạch chấn hưng, với tổng trị giá 750 tỉ euro. Để đạt được đồng thuận về dự án này, đề xuất Pháp – Đức phải chấp nhận nhân nhượng : số tiền trợ cấp không hoàn lại bị giảm xuống còn 390 tỷ euro (từ 500 tỷ euro). Tuy nhiên, đây vẫn là số tiền rất lớn so với lập trường của các nước thuộc nhóm ‘‘khắc khổ’’, hoàn toàn không muốn có khoản trợ cấp này. Đổi lại, các nước thuộc nhóm khắc khổ (Hà Lan, Đan Mạch, Áo, Thụy Điển) được phép giảm phần đóng góp cho ngân sách 7 năm của Liên minh châu Âu.

Sự kiện này được hy vọng sẽ đặt nền móng cho sức mạnh tương lai của Liên minh châu Âu.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Mỹ muốn lĩnh vực công nghệ không có mặt của Trung Quốc

>>> Tháng 7 – khởi đầu cho chuỗi ngày đen tối của Đảng Cộng Sản Trung Quốc

>>> Ủy viên Bộ Chính Trị Trung Quốc bị Tổng thống Trump cho ”vào lò”

https://www.youtube.com/watch?v=d8alE0ICDPM
Chuẩn bị “đuổi” VN – TQ thay đổi định nghĩa Biển Đông

 

Kasse animation 7.8.2023