COVID-19: Châu Á đối mặt với làn sóng thứ hai

Link Video: https://youtu.be/9NmcXIdVIV0

Hàng loạt những kỷ lục buồn tại các nước cho thấy virus corona đang trở lại châu Á. Úc, Ấn Độ và Trung Quốc ngày 30/7 ghi nhận số ca nhiễm tính theo ngày đạt kỷ lục mới. Nhật Bản, Hàn Quốc có số ca nhiễm mới liên tục tăng. Việt Nam cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm mới sau hơn 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng. Bắc Triều Tiên tưởng như là nước hiếm hoi miễn nhiễm với COVID-19 thì ngày 26/7 đã ban bố “tình trạng khẩn cấp tối đa” tại thành phố Kaesong sát biên giới Liên Triều sau khi phát hiện một ca “tình nghi” dương tính với virus corona.

Australia vừa ghi nhận ngày tang thương nhất vì COVID-19 với 13 ca tử vong và hơn 700 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ.

Riêng bang Victoria, bang đông dân thứ hai cả nước đã có 723 ca nhiễm mới. Đây là một kỷ lục mới, chủ yếu liên quan đến các viện dưỡng lão, trong khi kỷ lục hôm thứ hai 27/7 là 549 ca dương tính, nhưng trên toàn quốc. Chính quyền địa phương bang Victoria đã ra lệnh toàn dân phải đeo khẩu trang khi ra đường.

Trước đó, ngày chủ nhật 26/7 cũng đã là một ngày chết chóc khi 10 bệnh nhân qua đời và số ca nhiễm mới tiếp tục tăng dù các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt vẫn được áp dụng.

Thủ tướng Scott Morrison vừa qua trả lời báo chí: “Chúng ta cần cẩn thận không rơi vào suy nghĩ rằng tại Australia có một dạng miễn dịch vàng trước loại virus này.”

Hơn một nửa số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Úc đến từ bang Victoria và thủ phủ Melbourne. Thành phố đã kích hoạt chế độ cách ly.

Làn sóng lây nhiễm mới từ Victoria lan sang một số khu vực khác, bao gồm cả bang đông dân nhất cả nước – New South Wales nơi có thành phố Sydney đã ghi nhận 18 ca nhiễm mới.

Giới chức chính phủ đang cân nhắc thêm nhiều biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lan rộng như siết chặt kiểm soát dịch tễ và đi lại. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc kéo theo những hậu quả kinh tế to lớn.

Ảnh: Lực lượng chức năng của Australia đang siết chặt các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm virus corona sau khi dịch bùng phát trở lại

Ấn Độ, một trong những quốc gia có nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất thế giới, cũng phát hiện hơn 52.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua.

Đây là số ca nhiễm tính theo ngày cao nhất tại Ấn Độ kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Quốc gia Nam Á đang là nước có số ca nhiễm virus corona cao thứ ba toàn thế giới. Mặc dù một số thành phố lớn như New Delhi và Mumbai bắt đầu ghi nhận xu hướng ca nhiễm giảm nhưng dịch bệnh đang bùng phát nghiêm trọng ở các khu vực nông thôn.

Một dấu hiệu có thể được coi như cơn gió xoa dịu tình hình tại đây là dân nghèo Ấn Độ bị nhiễm nhiều nhưng kháng cự tốt hơn.

RFI đưa tin gần 7.000 người đã được xét nghiệm kháng thể chống COVID-19 tức là để biết xem họ đã bị nhiễm virus chưa. Kết quả rất đáng kinh ngạc : 16% cư dân những khu bình thường đã bị lây nhiễm, và tỉ lệ này là 57% ở các khu ổ chuột. Có thể từ đó suy ra khoảng 1/3 dân cư tại thành phố Bombay, thủ đô tài chính của Ấn Độ, đã bị nhiễm virus.

Tại các khu phố nghèo ngoại ô, nơi nhà cửa chật chội và người dân thường phải dùng chung nhà vệ sinh, virus rõ ràng đã lây lan nhanh hơn. Tuy nhiên, không có tử vong hàng loạt, có nghĩa là người dân nghèo kháng cự tốt hơn với COVID-19, theo giải thích của Ullas Kolthur Seetaram, nhà sinh học thuộc trung tâm TIFR, nơi tiến hành nghiên cứu.

Tỉ lệ tử vong tại các khu ổ chuột thấp hơn nhiều so với các khu vực khác, có thể là do người dân bị nhiều bệnh khác đe dọa và họ đã được miễn dịch nhiều hơn. Như vậy người nghèo ít bệnh tật hơn, họ chống chọi tốt hơn.

Một nghiên cứu tương tự được tiến hành ở New Delhi cho thấy 25% cư dân đã bị lây nhiễm. Tuy tỉ lệ này chưa đủ để tạo miễn dịch tập thể, nhưng chắc chắn là các ca nhiễm mới từ vài tuần qua đã giảm xuống tại hai đô thị này.

Trung Quốc đại lục mới đây công bố số ca bệnh mới là 105 trong vòng 24 giờ và là mức tăng số ca bệnh COVID-19 tính theo ngày cao nhất ở đại lục kể từ tháng 4.

Kỷ lục trước đó là ngay hôm trước, ngày 29/7 với 101 ca nhiễm virus corona chỉ trong vòng 24 giờ.

Đa số ca nhiễm mới được ghi nhận ở tỉnh Tân Cương, nơi đa số dân cư là người Hồi giáo và có rất nhiều trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ.

Từ ngày 18/7, Trung Quốc cho tiến hành một chiến dịch xét nghiệm tầm soát rộng lớn tại thành phố Urumqi, thủ phủ vùng tự trị Tân Cương, viễn tây đất nước, sau khi phát hiện một ổ dịch COVID-19 mới. Sau 149 ngày không có một ca nhiễm COVID-19 nào, một người bị phát hiện dương tính hôm thứ Tư 15/7 và ngay sau đó thì có đến 39 người mang mầm bệnh trong thành phố.

Để kiềm hãm dịch bệnh, chính quyền thành phố thông báo một chiến dịch xét nghiệm tầm soát rộng lớn. Truyền thông chính thức loan báo là xét nghiệm miễn phí. Nhiều khu phố đã bị cô lập hoàn toàn, một số cư dân không được quyền rời nơi cư trú nữa. Nhiều nhóm chuyên viên y tế từ Vũ Hán đã được gửi đến tiếp viện.

Những biện pháp mới chống dịch COVID-19 này diễn ra tại một thành phố vốn dĩ đã ngột ngạt vì sự giám sát chặt chẽ của cảnh sát.

Ngoài Tân Cương, Trung Quốc có phát hiện một ổ dịch vào tuần trước tại một nhà máy chế biến thực phẩm ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Các quan chức cho biết công nhân ở đó tiếp xúc với bao bì có virus đựng hải sản nhập khẩu. Thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã thực hiện phong tỏa từng phần để kiểm soát dịch. 52 trường hợp nhiễm COVID-19 đã được xác nhận tại thành phố Đại Liên vào tuần qua, trong đó có 30 nhân viên tại nhà máy.

Hơn ba triệu người đã được xét nghiệm ở Đại Liên. Zhao Lian, người đứng đầu ủy ban y tế của thành phố Đại Liên, cho biết hôm 29/7 rằng các địa điểm công cộng – bao gồm thư viện, phòng tập thể dục, quán bar, bảo tàng, nhà hàng và spa – sẽ bị đóng cửa.

Sau khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 6 ở Bắc Kinh khiến hơn 300 người bị lây nhiễm, chính quyền Đại Liên sử dụng phương pháp tương tự thủ đô bằng cách phong tỏa các quận khác nhau dựa trên mức độ rủi ro của những quận đó.

Tại Hồng Kông, dịch bệnh cũng bắt đầu lan rộng.

Ảnh: Đặc khu Trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) của Hồng Kông

Trong nhiều ngày liên tiếp, Hồng Kông ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới hàng ngày và gần 1.500 ca nhiễm từ đầu tháng 7. Ngày 29/7, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cảnh báo nguy cơ dịch phát triển « trên diện rộng ». Rất nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã có hiệu lực từ ngày 29/7, như phạt 5.000 đô la Hồng Kông nếu tụ tập quá hai người.

Trước nguy cơ dịch lan rộng, chính quyền Hồng Kông tính đến khả năng lùi lại một năm cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp, được dự kiến diễn ra ngày 06/9. Đây sẽ là một đòn nặng nề đối với phe đối lập ủng hộ dân chủ, vì họ hy vọng giành được đa số trong cơ quan lập pháp sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia ở đặc khu hành chính. Trên mạng Twitter, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một nhà đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông, lên án : « Lấy cớ dịch bệnh để hoãn bầu cử, chắc chắn là nói dối. »

Trước thực trạng căng thẳng tại Hồng Kông, văn phòng cảng của chính quyền Thâm Quyến và văn phòng cảng thành phố Chu Hải lần lượt đưa ra thông báo cho biết triển khai công tác thống nhất với phòng chống và kiểm soát dịch bệnh ở tỉnh Quảng Đông, tạm ngừng chính sách thừa nhận cách ly y tế tại Hồng Kông đối với viêm phổi Vũ Hán. Tức là những người sau khi hoàn thành việc kiểm dịch bắt buộc 14 ngày tại Hồng Kông thì trong vòng 24 giờ sau khi vào Thâm Quyến vẫn phải tiếp tục được cách ly theo dõi y tế trong 14 ngày.

Tại Bắc Triều Tiên, thành phố Kaesong sát biên giới Liên Triều được ban bố “tình trạng khẩn cấp tối đa“. Toàn bộ 200.000 cư dân thành phố bị cách ly.

Theo hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA thì “một sự kiện khẩn cấp đã xẩy ra tại Kaesong, nơi một kẻ đào thoát sang Hàn Quốc từ ba năm nay, đã bí mật trở về nước hôm 19/7. Người này bị nghi ngờ đã nhiễm loại virus nguy hiểm“. Hãng tin Bắc Triều Tiên nhấn mạnh đến “tình hình nguy cấp” tại Kaesong.

Hãng KCNA tuy nhiên không nói rõ là đương sự có được xét nghiệm hay không. Chỉ biết rằng sau khi được khám bệnh, nhân vật nói trên đã bị cách ly và chính quyền đã cho truy tìm tất cả những người mà kẻ này đã tiếp xúc.

Truyền thông phương Tây ghi nhận, KCNA tuyệt nhiên không đả động đến việc người này đã vượt biên giới Liên Triều, một trong những khu vực được kiểm soát chặt chẽ nhất trên thế giới. Chỉ biết rằng Bình Nhưỡng ra lệnh điều tra về “sự cố nói trên” và sẽ “trừng phạt đích đáng” đơn vị quân sự sơ xuất để dẫn tới sự cố này.

Tới nay Bắc Triều Tiên vẫn chính thức khẳng định dịch COVID-19 đã dừng lại ở ngoài biên giới lãnh thổ này. Tính đến ngày 29/7, nước này vẫn chưa báo cáo trường hợp nhiễm dịch nào lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Theo phân tích của nhà nghiên cứu Hàn Quốc Chon Han Bum thuộc Viện Nghiên cứu thống nhất quốc gia, trụ sở tại Seoul, sự việc công bố mới đây có thể là cách thức Bắc Triều Tiên sử dụng để đòi Hàn Quốc giúp đỡ.

Trong khi đó Bắc Triều Tiên và Trung Quốc có một đường biên giới chung 1.400 cây số và theo giới quan sát, “mỗi ngày vẫn có hàng chục người Bắc Triều Tiên đi qua đường biên giới này” để mua bán. Nhà phân tích Myong Hyun thuộc Viện Asan tại Seoul xác định: “Có nhiều khả năng virus corona thâm nhập vào Bắc Triều Tiên qua ngả Trung Quốc“.

Hãng tin Anh Reuters nhắc lại từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc cuối năm ngoái, Bắc Triều Tiên đã nhận được nhiều trang thiết bị y tế và dụng cụ xét nghiệm của cộng đồng quốc tế, kể cả của Trung Quốc và Nga, hai nước có đường biên giới chung với Bắc Triều Tiên. Có lúc hàng ngàn người dân Bắc Triều Tiên đã bị cách ly nhưng lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ trong thời gian gần đây.

Còn tại Việt Nam, tình hình ngày càng trở nên căng thẳng.

Ảnh: Lực lượng Công an Hà Nội phong tỏa nhà hàng pizza tại số 106 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) là có người nhiễm COVID-19

Trong ngày 30/7, Việt Nam mới phát hiện thêm 14 ca nhiễm mới virus corona, trong đó có 8 người tại Đà Nẵng, 1 người tại Hà Nội, 5 người tại Quảng Nam đưa tổng số người mắc tại Việt Nam lên đến 464 ca. Đây đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Ca nhiễm mới tại Hà Nội là một người đã ở Đà Nẵng trong 3 tuần và quay ra Hà Nội ngày 25/7. Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu thành phố dồn sức xét nghiệm tầm soát nhanh, đảm bảo trong 3 ngày phải xét nghiệm xong cho hơn 21.000 người vừa trở về từ Đà Nẵng. Chính quyền thành phố Hà Nội còn ra lệnh hủy bỏ các sự kiện tổ chức nơi công cộng và cho đóng cửa các quán bar, câu lạc bộ từ ngày 30/7.

Dịch bệnh từ Đà Nẵng đã lan ra 5 tỉnh thành khác và Việt Nam kể từ hôm nay tăng cường các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch lan rộng ra cả nước. Thành phố Hội An tái lập biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 31/7/2020 đến ngày 14/8/2020. Tỉnh Đăk Lăk từ sáng hôm nay cũng tái lập biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa các dịch vụ không cần thiết và cấm các cuộc tụ tập trên 20 người ở nơi công cộng. Các tỉnh ven biển Quảng Nam và Quảng Ngãi thì ra lệnh đóng cửa các bãi biển và hạn chế mở cửa các cơ sở kinh doanh.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Việt Nam: Làn sóng lây nhiễm mới tràn vào Hà Nội, TPHCM

>>> “Viêm phổi Vũ Hán” chính thức lan ra trong cộng đồng ở Việt Nam

>>> Báo động nguy cơ mất chủ quyền – người Trung Quốc tràn vào Việt Nam

VN: Làn sóng lây lan thứ 2 tràn vào Hà Nội, TPHCM

Kasse animation 7.8.2023