Lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco che giấu tội phạm?

https://youtu.be/G6gXT9eT4Yk
Link Video: https://youtu.be/G6gXT9eT4Yk

Căng thẳng ngoại giao Mỹ – Trung đang leo thang từng ngày sau khi chính quyền Mỹ hôm 21/7 đã yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa lãnh sự quán ở Houston, Texas trong vòng 72 giờ và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào hôm 22/7, tuyên bố ông “vẫn có thể” ra lệnh đóng cửa thêm các lãnh sự quán Trung Quốc tại Mỹ. Tình hình tiếp tục diễn biến căng thẳng khi mới đây Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tố cáo Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố San Francisco, California đã chứa chấp trong suốt một tháng qua một nhà khoa học Trung Quốc, bị khởi tố vì gian lận visa khi che giấu mối quan hệ với quân đội Trung Quốc.

Hãng tin Reuters ngày 23/7 đưa tin hồ sơ FBI trình lên tòa án ở San Francisco cho thấy bà Juan Tang (Đường Quyên) – nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại Đại học California, Davis với visa nghiên cứu J-1 – đã khai gian thông tin trong đơn xin cấp thị thực.

Bà Tang khẳng định không phục vụ trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA).

Tuy nhiên, các nhà điều tra đã tìm thấy những bức ảnh của bà Tang trong bộ quân phục của quân đội Trung Quốc và phát hiện bà từng làm việc như một nhà nghiên cứu tại Đại học Quân y thuộc Không quân Trung Quốc. Một cuộc khám nhà cho thấy có bằng chứng bà Tang có liên quan PLA.

FBI từng khám xét nhà và thẩm vấn bà Tang vào ngày 20/6. Ngay sau đó, bà Tang đã chạy đến Tổng lãnh sự quán ở San Francisco và FBI tin rằng bà vẫn ở nơi này từ lúc đó đến giờ.

Bà Tang bị buộc tội gian lận thị thực vào ngày 26/6. Cơ quan thực thi pháp luật Mỹ không thể vào đại sứ quán hay tổng lãnh sự quán nước ngoài trừ khi được phép và một số quan chức cấp cao như đại sứ của một nước còn có quyền miễn trừ ngoại giao.

Truyền thông Mỹ nhận định việc lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco bảo hộ quân nhân Đảng Cộng sản Trung Quốc trốn tội là một hành vi mang tính khiêu khích cao và vi phạm các quy tắc ngoại giao cơ bản.

Hồ sơ nộp cho tòa liên bang tại San Francisco viết thêm: “Như trường hợp của bà Tang chứng tỏ Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco có thể cung cấp nơi cư trú an toàn cho một sỹ quan PLA có ý định tránh ra xét xử ở Hoa Kỳ.”

Các công tố viên nói đây không phải là một trường hợp đơn lẻ mà “dường như là một phần của chương trình do PLA tiến hành… gửi các sỹ quan khoa học tới Hoa Kỳ với ý đồ giả.”

Trong diễn biến khác, báo South China Morning Post đưa tin các công tố viên Mỹ cũng buộc tội bà Song Chen, nhà nghiên cứu người Trung Quốc đang tham gia nghiên cứu y khoa tại Đại học Stanford vì gian lận thông tin xin thị thực.

Theo bản cáo trạng, bà Song khai trong đơn xin thị thực Mỹ nộp năm 2018 rằng bà đã kết thúc nghĩa vụ quân sự vào năm 2011. Điều này mâu thuẫn với những bằng chứng FBI thu được, chỉ rõ bà Song vẫn đang là một thành viên tại ngũ và là cán bộ dân sự của quân đội Trung Quốc. Công tố viên liên bang cáo buộc bà Song che giấu mối quan hệ hiện có với Bệnh viện Đa khoa Không quân Trung Quốc và Đại học Quân y số 4. Bà Song đã bị bắt vào cuối tuần trước.

Reuters cho biết các công tố viên đã bác đơn xin bảo lãnh bà Song.

Trong tài liệu đề nghị bắt giữ bị cáo, công tố viên đã đề cập đến các trường hợp tương tự khác, trong đó các nhà nghiên cứu khoa học của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc che giấu danh tính thực sự của họ, bao gồm cả vụ án bà Tang.

Đây là các vụ gian lận thị thực trong một loạt cáo trạng tương tự trong năm nay của Mỹ trong bối cảnh Washington đang đẩy mạnh các cuộc điều tra nhằm vào gián điệp Trung Quốc.

Trước đó, các công tố viên cũng đã buộc tội tương tự với hai nhà nghiên cứu khác của Trung Quốc, làm việc tại Đại học California – San Francisco và Đại học Duke – Bắc Carolina.

Nhiều năm nay, FBI đã đưa ra nhiều lời cảnh báo các trường đại học trên toàn nước Mỹ về nguy cơ bị đánh cắp tài sản trí tuệ từ các nhà nghiên cứu người nước ngoài. Mỹ cũng đã siết các hạn chế về thị thực sinh viên với Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã leo thang trong thời gian qua.

Chính quyền của Tổng thống Trump liên tiếp xung đột với Bắc Kinh về thương mại và dịch virus corona, cũng như việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh mới về Hong Kong.

Hôm thứ Ba 21/7, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc tài trợ cho các hacker tấn công các phòng thí nghiệm phát triển vaccine COVID-19. Hai công dân Trung Quốc bị cáo buộc đã làm làm gián điệp theo dõi các công ty nghiên cứu Mỹ và nhận sự hỗ trợ của các nhân viên tình báo nhà nước trong các vụ lấy cắp thông tin khác, đã bị đưa ra tòa.

Đến ngày 22/7 Trung Quốc loan báo đã bị Hoa Kỳ buộc đóng cửa Lãnh sự quán tại Houston. Trung Quốc gọi quyết định này là “sự leo thang chưa từng có” và nói nó vi phạm luật quốc tế.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cực lực lên án hành động “khiêu khích” của Mỹ, gọi quyết định này là “quá đáng và không có cơ sở”.

Ông Uông nói Washington đã “chuyển sang đổ lỗi cho Trung Quốc với sự kỳ thị và sự tấn công vô căn cứ“.

Ông kêu gọi phía Hoa Kỳ xem lại, và nói nếu họ tiếp tục “đi theo con đường sai lầm, Trung Quốc sẽ phản ứng với các biện pháp trả đũa cứng rắn“.

Theo một nguồn tin của Reuters, Trung Quốc có thể sẽ đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Vũ Hán, nơi mà một phần nhân viên đã được di tản vào đầu năm khi dịch virus corona bắt đầu xuất hiện tại đây.

Tuy nhiên, ngày 24/7, Trung Quốc thông báo đóng cửa toà lãnh Mỹ ở Thành Đô (Chengdu).

Tại Hoa Lục, Mỹ hiện có 5 lãnh sự quán ở Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương, Thành Đô và Vũ Hán, cùng với 2 tổng lãnh sự quán ở Hồng Kông, Ma Cao và Đại sứ quán tại Bắc Kinh.

Ngay sau khi ông Uông Văn Bân phát biểu hôm thứ Tư, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra bản thông cáo.

Ảnh: Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Texas, Hoa Kỳ.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Morgan Ortagus nói: “Chúng tôi đã có lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Houston, nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ Mỹ và thông tin riêng tư của người Mỹ.”

Bà Ortagus tuyên bố : “Hoa Kỳ không dung thứ việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền và đe dọa người dân Mỹ. Chúng tôi cũng không thể bỏ qua các bất công về thương mại, đánh cắp việc làm của người Mỹ và các hành xử trắng trợn khác. Tổng thống Trump vẫn nhấn mạnh về công bằng và có đi có lại trong quan hệ Mỹ – Trung.”

Bà Orgatus cũng dẫn Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao, theo đó các quốc gia có bổn phận tôn trọng luật pháp và các quy định của nước sở tại, không được can thiệp vào chuyện nội bộ nước chủ nhà. Tuy nhiên, bà không cho biết thêm chi tiết.

Trong một thông cáo riêng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc đã tham gia “vào hoạt động gián điệp lớn và gây ảnh hưởng đến các hoạt động“, can thiệp vào “chính trị nội bộ” cũng như “bắt nạt các lãnh đạo kinh doanh, đe dọa các gia đình người Mỹ gốc Hoa sống ở Trung Quốc, và hơn thế nữa.”

Trung Quốc hiện có 5 lãnh sự quán ở Mỹ đóng tại các thành phố Houston, San Francisco, New York, Los Angeles và Chicago. Ngoài ra Trung Quốc còn có Đại sứ quán ở Washington D.C. và cơ quan ngoại giao khác là Phái đoàn tại Liên Hợp Quốc ở New York. Riêng cơ sở ở Houston, thành phố lớn thứ tư của Hoa Kỳ, được mở năm 1979, phụ trách 900.000 công dân Trung Quốc tại bang Texas.

Báo chí Houston đưa tin, khoảng 8 giờ 20 phút tối 21/7 lính cứu hỏa được báo động vì các tài liệu đang bị thiêu hủy trong sân tòa lãnh sự.

Ảnh chụp màn hình tweets của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio viết hôm 22/7 về Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston

Nhưng nhân viên công lực không được phép vào khi không có giấy mời.

Các nguồn tin cho hay các nhân viên lãnh sự quán đã được lệnh dừng mọi hoạt động và rời khỏi tòa nhà trước 4 giờ chiều ngày thứ Sáu 24/7 nên đã cho đốt các tài liệu mật ngay trong buổi tối ngày 21/7. Nếu không rời khỏi Mỹ trong thời hạn trên, những nhân viên này có nguy cơ sẽ bị bắt vì tội làm gián điệp.

Trên Twitter, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio viết hôm 22/7: “Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston không phải là một cơ sở ngoại giao. Đó là đầu não của mạng lưới gián điệp và các hoạt động gây ảnh hưởng của Đảng Cộng sản tại Hoa Kỳ. Nay tòa nhà này phải đóng cửa, các điệp viên có 72 tiếng đồng hồ để ra đi, nếu không có thể sẽ bị bắt.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Pompeo, tại thời điểm thông tin chính quyền Mỹ đã ra lệnh cho Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston được lan truyền, đang có chuyến công du tại Đan Mạch, cũng nói rằng việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là do hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ từ xưa tới nay của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông nói: “Không chỉ các quyền sở hữu trí tuệ ở Hoa Kỳ cũng bị đánh cắp, mà quyền sở hữu trí tuệ ở Châu Âu cũng như vậy. Công sức lao động chăm chỉ của người dân ở khắp châu Âu và Hoa Kỳ đều đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đánh cắp.”

Ông Pompeo nhấn mạnh : « Tổng thống Trump đã nói là « Đủ rồi ! ». Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc này tiếp diễn. Chúng tôi sẽ có những biện pháp để bảo vệ người dân Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ nền kinh tế và công ăn việc làm của Hoa Kỳ ».

Quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston đươc coi là biện pháp trừng phạt mới nhất trong loạt biện pháp nhắm vào Bắc Kinh được Washington dồn dập đưa ra từ ngày 13/7.

Lãnh sự Trung Quốc ở Houston có thể chỉ là bước đầu khi Tổng thống Donald Trump cho rằng « có thể » đóng cửa nhiều cơ quan ngoại giao khác của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ. Quyết định chưa từng có này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở mức xấu nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.

Theo RFI, một quyết định bất ngờ và nghiêm trọng như vậy hẳn phải được cân nhắc rất kỹ vì một quyết định như vậy gần như chắc chắn kéo theo việc đóng cửa một trong những lãnh sự của Mỹ ở Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc « tiến hành hàng loạt chiến dịch bất hợp pháp mở rộng ảnh hưởng và gián điệp trên lãnh thổ Mỹ ». Cụ thể, theo David Stilwell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách  Đông Á – Thái Bình Dương, được South China Morning Post trích dẫn, quân đội Trung Quốc « cử sinh viên, chính thức hoặc không chính thức, theo học tại các trường đại học Mỹ để giúp Bắc Kinh đẩy mạnh ưu thế quân sự trên thế giới. Và lãnh sự quán ở Houston là đầu não của mọi hoạt động này ».

Trả lời New York Times, ông Stilwell cho biết Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston, ông Cai Wei, từng bị kiểm tra ở sân bay Houston sử dụng giấy tờ tùy thân giả vào cuối tháng 5/2020 khi đang tiễn nhiều công dân Trung Quốc lên các chuyến bay riêng về nước.

FBI cũng để mắt đến lãnh sự quán này trong khuôn khổ nhiều cuộc điều tra. Các nhà ngoại giao Trung Quốc bị tình nghi lén lút gửi về nước nhiều tài liệu nghiên cứu thu thập được từ các phòng nghiên cứu trong vùng và gây áp lực với nhiều công dân Trung Quốc đang sống ở Mỹ mà Bắc Kinh muốn ép họ về nước.

Vào đầu tháng7, Giám đốc FBI Christopher Wray thống kê « mức tăng 1.300% hồ sơ gián điệp kinh tế liên quan đến Trung Quốc » trong vòng 10 năm gần đây và hiện tại, « cứ 10 tiếng, Cục điều tra liên bang lại phải tiến hành điều tra phản gián liên quan đến Trung Quốc ». Đối với ông Christopher Wray « Đảng Cộng Sản Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất trong dài hạn » cho an ninh của Hoa Kỳ.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Biển Đông: Trung Quốc bội tín, vừa đấm vừa xoa

>>> Bị Mỹ đóng cửa lãnh sự quán – Trung Quốc vội “phản đòn”

>>> Mỹ truy tố tin tặc Trung Quốc đột nhập ăn cắp bí mật quốc phòng

https://www.youtube.com/watch?v=G_L7UuU-pGU
Biển Đông: TQ bội tín, vừa đấm vừa xoa