Hà nội: khởi tố Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và em trai giám đốc Nhật Cường Mobile

Ông Vũ Huy Hoàng là cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can trong hai vụ án lớn, cùng trong ngày thứ Sáu 10/7/2020.

Các vi phạm hình sự này hầu hết đã thực hiện khoảng 4 năm trước đó, nhưng nay mới khởi tố, dù sao cũng nhen thêm mồi lửa vào cái lò đốt tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương bị khởi tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Hoàng được cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo báo chí Việt Nam, ông Hoàng bị khởi tố do có sai phạm liên quan đến vụ án tại Tổng công ty Bia- rượu-nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Trước đây, cuối năm 2016, ông Hoàng bị Đảng kỷ luật bằng hình thức cách chức bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương trong thời gian 2011-2016.

Khi đó, ông Hoàng bị kết luận là sai phạm khi tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, quyết định điều động và đề cử ông Hải tham gia hội đồng quản trị Sabeco để bầu làm thành viên hội đồng quản trị, phó tổng giám đốc Sabeco.

Đầu năm 2017, ông Vũ Huy Hoàng bị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết xóa tư cách nguyên bộ trưởng Bộ Công thương.

Ngoài ra, bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên thứ trưởng Bộ Công thương, bị khởi tố cùng ngày với cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, theo báo chí Việt Nam.

Theo báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí“.

Bà Hồ Thị Kim Thoa được cho tại ngoại, cấm đi khởi nơi cư trú.

Chưa rõ bà Hồ Thị Kim Thoa có phải đang bị điều tra vì liên quan công ty Sabeco hay không.

Tuy nhiên trước đó báo chí từ năm 2017 thống kê tổng giá trị tài sản liên quan đến công ty bóng đèn Điện quang của 6 người trong gia đình bà Thoa là khoảng 700 tỷ đồng tương đương hơn 34% giá trị công ty Điện Quang.

Theo nguồn tin Thanh Niên, ông Vũ Huy Hoàng bị khởi tố có liên quan đến vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí liên quan đến khu “đất vàng” số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM của Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Khu đất số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng có diện tích hơn 6.000 m2, được biết đến với vị trí đắc địa tại trung tâm Q.1, TP.HCM, với 4 mặt tiền đường Hai Bà Trưng, Đông Du, Thi Sách và Công Trường Mê Linh (cạnh bên phố đi bộ Nguyễn Huệ).

Ban đầu, khu đất này được cơ quan chức năng chủ trương xây dựng trụ sở văn phòng Sabeco và trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng. Tuy nhiên, khu đất sau đó lại được chuyển sang cho Công ty Sabeco Pearl- doanh nghiệp có cổ phần của Sabeco.

Khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng hiện đang bỏ hoang

Cơ quan chức năng xác định khu đất số 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng có vị trí đắc địa, song những người có trách nhiệm thuộc UBND TP.HCM đã chỉ định cho thuê đất không qua đấu giá gây thiệt hại cho nhà nước.

Ông Vũ Huy Hoàng là Bộ trưởng Bộ Công thương giai đoạn 2011 – 2016. Sau khi nghỉ hưu, từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017, Ban Bí thư và Chính phủ đã quyết định kỷ luật xóa tư cách Bộ trưởng Bộ Công thương của ông Hoàng do có nhiều sai phạm.

Cụ thể, ông Hoàng được xác định là thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm con trai là Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam; điều động ông Vũ Quang Hải tham gia HĐQT Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) để bầu làm thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc Sabeco; vi phạm quy định của Ban chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội.

Ngoài ra, ông Hoàng còn buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra dẫn đến một số đơn vị trực thuộc Bộ Công thương thực hiện không đúng các quy định về tuyển dụng, tiếp nhận, đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, để một số cán bộ vi phạm kỷ luật, bị khởi tố. Ban Bí thư xác định, các vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Ban cán sự đảng, của Bộ Công Thương và cá nhân ông Hoàng.

Vụ Nhật Cường Mobile

Trong một vụ án khác, ông Bùi Quốc Việt, sinh năm 1970, nhân viên công ty Nhật Cường tại Hà Nội, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ông Việt là anh trai của Bùi Quang Huy, tổng giám đốc Nhật Cường Mobile, là người đang bị truy nã.

Cũng trong vụ này, ngày 10/7, Võ Việt Hùng, sinh năm 1976, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển Đông Kinh bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can, trong đó có Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường.

Trong đó bị can Bùi Quốc Việt bị khởi tố về tội “buôn lậu” còn Võ Việt Hùng bị khởi tố về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng“.

Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) điều tra mở rộng vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật, Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software), Sở Kế hoạch – đầu tư TP Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Bùi Quốc Việt (phải) và Võ Việt Hùng

 

Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Cùng ngày, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thi hành các quyết định và lệnh trên đối với các bị can đảm bảo an toàn, đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ án, mới đây Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc ông Nguyễn Văn Tứ, chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội và Phạm Thị Thu Hường, chánh văn phòng Sở Kế hoạch – đầu tư.

Cả hai bị can cùng bị điều tra về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.

Sai phạm của ông Tứ được xác định xảy ra tại thời điểm ông này làm giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư.

Từ năm 2016, ông Tứ đã ký quyết định phê duyệt gói thầu “Số hóa tài liệu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2016” với giá trị gần 43 tỉ đồng, nguồn vốn chi từ sự nghiệp khoa học công nghệ.

Cơ quan cảnh sát điều tra khám xét nhà bị can Bùi Quốc Việt

 

Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can Nguyễn Tiến Học – nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch – đầu tư Hà Nội, Phạm Thị Kim Tuyến – trưởng phòng đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch – đầu tư và Lê Duy Tuấn – giám đốc kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh về tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 điều 222 Bộ luật hình sự năm 2015.

Cơ quan điều tra cũng đã khởi tố 10 bị can về các tội danh khác nhau gồm “buôn lậu” theo điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 221 Bộ luật hình sự năm 2015.

Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy được xác định cầm đầu đường dây nhập lậu thiết bị điện tử quy mô lớn, giấu doanh thu hàng nghìn tỉ đồng. Ông Huy bị khởi tố ba tội buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và rửa tiền, đã trốn khỏi Việt Nam và bị truy nã quốc tế.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Bùi Quang Huy có hành vi sử dụng tiền do phạm tội buôn lậu đưa vào Công ty Nhật Cường và Nhật Cường Software, hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lợi, có dấu hiệu tội phạm “rửa tiền” theo quy định tại điều 324 Bộ luật hình sự.

Thu Thuỷ – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023