Việt Nam: ‘Cả nước thiếu việc làm, thất nghiệp tràn lan’

Thực trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, xin trợ cấp xảy ra trên toàn quốc do hệ lụy của đại dịch Covid-19, truyền thông tại Việt Nam đưa tin.

Gần 8 triệu người mất việc, nghỉ việc luân phiên do Covid-19, trong đó số người bị ảnh hưởng do giảm thu nhập lên tới hơn 17 triệu người.

Ảnh: Ngày 20-6, công ty Pouyen ở TpHCM cho biết đã dự tính cắt giảm khoảng 6.000 lao động tại các bộ phận không có đơn hàng. Tuy nhiên, sau khi tính toán, PouYuen quyết định chấm dứt HĐLĐ với khoảng 3.000 người.

Đáng chú ý là ở các tỉnh miền Trung nơi các tỉnh có khu công nghiệp và mạnh về du lịch dịch vụ gần như không có lối thoát nào khác ngoài viết đơn xin trợ cấp thất nghiệp.

Tại Đà Nẵng, thống kê cho biết có tới gần 180 ngàn người “bị ảnh hưởng” vì COVID-19.

Trong số này có 12.600 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 59.600 lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương và 106.800 lao động làm việc không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm.

Tại tỉnh này 10.000 lao động hiện xin trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm tới nay từ nhiều ngành nghề gồm nhà hàng, khách sạn, điện tử, may mặc, giáo dục…

Trên toàn quốc, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhất ở mức 72%, tiếp đến là 67,8% ở khu vực công nghiệp; 25,1% ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Nghiệp đoàn xích lô Hội An với khoảng 100 người tham gia nhưng hiện nay chỉ có 30 người “đang đi mà không có khách“.

Trong khi đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói đến cuối quý Ba năm nay tình trạng thất nghiệp mới “thực sự xảy ra” và đặc biệt tại các ngành như may mặc, da giày.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ngày 2/7 mô tả nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh vẫn ngày càng nghiêm trọng trên thế giới, sản phẩm làm ra không xuất khẩu được, không có nguyên liệu sản xuất do các chuỗi cung ứng bị đứt gãy.

Bộ trưởng Dung nói số lượng lao động mất việc làm liên tục gia tăng trong khi khả năng tạo việc làm gặp khó khăn.

Tin cho hay nhu cầu tuyển dụng lao động mặc dù tháng Sáu bắt đầu gia tăng so với 5 tháng đầu năm nhưng vẫn rất thấp so với cùng kỳ năm 2019 (tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm 28%, Hà Nội giảm 23%,…).

Trong khi đó lực lượng lao động được mô tả là thấp kỷ lục do thất nghiệp và thiếu việc làm với gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng.

Ảnh: mỗi ngày có hàng trăm người dân Hà nội đăng ký trợ cấp thất nghiệp

Vào tuần trước Tổng cục Thống kê cho biết từ khi cơ quan này thống kê GDP từ năm 1991 thì chưa bao giờ ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất như vậy với quý II (0,36%) và 6 tháng đầu năm (1,81%).

Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia Dương Mạnh Hùng được dẫn lời nói mức tăng trưởng nửa năm đầu 1,81% cũng “kém cả kịch bản thấp nhất” mà cơ quan này đã đặt ra trước đó.

Mục tiêu tăng trưởng [cả năm] 6,8% là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh, đứt gãy chuỗi ứng trên toàn cầu hiện tại. Để đạt được mục tiêu trên 2 quý cuối năm phải tăng trưởng trên 10%”, ông Hùng nhận định.

Mặc dù chưa có tăng trưởng âm nhưng số liệu GDP này là mức thấp nhất kể từ Đổi mới, bằng nửa của GDP năm 1986.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây nói “Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết” và rằng “Chống suy thoái kinh tế phải hơn chống dịch“.

Báo điện tử Vietnamnet hôm 4-7 xác định tổng số người lao động mất việc là 8 triệu người theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH. Trong khi đó Tổng cục thống kê không có dữ liệu cập nhật và ngay cả Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng không có số liệu chính xác.

Có một con số thống kê gây ám ảnh kinh hoàng: cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch, bao gồm những người mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.  Trong số đó, gần 8 triệu người đã bị mất việc. Đây là số liệu của Bộ LĐ-TB-XH tổng hợp lại căn cứ vào báo cáo của các địa phương.

Dù Tổng cục Thống kê đánh giá tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi khu vực thành thị “cao nhất trong 10 năm trở lại đây” nhưng những con số trên của Tổng cục Thống kê là khác xa, bé tí ti so với số liệu của Bộ LĐ-TB-XH.

Ảnh: có rất nhiều mặt bằng cho thuê trống chỗ ở khu vực Hàng Ngang Hàng Đào, sầm uất nhất Hà nội

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 1,81%, không âm nhưng thấp nhất kể từ Đổi mới, bằng ½ của GDP năm 1986.

Tốc độ đó cho thấy kinh tế đang hụt hơi, mất động lực. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nhận xét, thật ra mức độ suy giảm của kinh tế Việt Nam không thấp hơn các nước khác. Đường tăng trưởng cơ bản (base line) của Việt Nam là khoảng 7%, của một số quốc gia khác là 2%, 3%, 4 %; nay ta vẫn tăng trưởng dương và các nước khác tăng trưởng âm theo tỷ lệ tương ứng. Nói vậy để không nên  lạc quan và chủ quan.

Ông Cung  nói: Cho đến nay chỉ thấy Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ nhận biết phần nào mức độ nghiêm trọng của suy thoái; còn đa số lãnh đạo các cấp còn lại vẫn coi là bình thường; nên vẫn tiếp cận và sử dụng cách thức ra quyết định và giải quyết vấn đề trong “trạng thái bình thường cũ” chứ không phải “bình thường mới”. Họ vẫn đủng đỉnh, quan liêu như trạng thái cũ.

Vì sao có 2 triệu tỷ đầu tư công cho 5 năm mà trong hơn 4 năm vừa rồi chỉ tiêu được có 2/3 trong số đó được giải ngân và đến nay, khi chỉ còn vài tháng nữa, vẫn còn đến 1/3 không tiêu được? Thủ tướng đã yêu cầu đặc biệt lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương phải tăng tốc giải ngân đầu tư công.

Vì sao VCCI lại khẳng định, nhiều bộ ngành báo cáo Chính phủ là 60% điều kiện kinh doanh đã giảm nhưng thực tế chỉ được 30%? Vì sao Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phải thốt lên: “Giảm 60% điều kiện kinh doanh chỉ là báo cáo trên giấy”?

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, cho đến nay, Bộ Công thương là bộ “duy nhất” tiếp tục có phương án rà soát cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý.

Vì sao cắt giảm điều kiện kinh doanh là chương trình lớn của Chính phủ mà các bộ khác không thực hiện nghiêm túc? Tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, gây bức xúc lớn cho doanh nghiệp mà mãi không được giải quyết.

Đầu năm nay, lần thứ 7 liên tiếp, Chính phủ ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Vậy mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, báo cáo của một số bộ, ngành và của nhiều địa phương có hàm lượng thông tin ít thay đổi, có sự giống nhau về nội dung và ít khác biệt qua các quý, các năm.

Luật Xây dựng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 17/6 đã rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng xuống còn 20 ngày, thực hiện đồng thời thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng với các thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường.

Vậy các bộ, ngành và địa phương liên quan đã chuẩn bị gì để đáp ứng quy định của Luật trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phản ánh họ mất cả 3-5 năm trời lo thủ tục mà không thể triển khai các dự án bất động sản?

Ảnh: Chợ Bến thành TpHCM trong tình trạng ế ẩm từ đầu chợ đến cuối chợ

Vì sao mà thủ tục hành chính, nạn giấy tờ, quan liêu vẫn đang ngự trị trong lĩnh vực bất động sản, cản trở doanh nghiệp triển khai các dự án?

Vì sao mà nhiều địa phương đã xác định các dự án trọng điểm và nhiều điểm cho các dự án đó mà họ không tập trung tháo gỡ? Họ mặc kệ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chững lại, ít chuyển biến, ít cải thiện. Những vướng mắc, bất cập về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều lần, nhiều nơi, song vẫn chậm được giải quyết.

Thủ tướng đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương “dồn lực cho tam mã kéo cỗ xe tăng trưởng”. Tam mã đó bao gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, và tất cả đều đang bị cản trở bởi những rào cản như đã nêu trên.

Việt Nam đang muốn tận dụng lợi ích từ các hiệp định, khu vực thương mại tự do để góp phần làm cú hích cho nền kinh tế.

Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) đã hoàn tất.

Có dự đoán, EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 – 3,25% (năm 2019 – 2023); 4,57 – 5,30% (năm 2024 – 2028) và 7,07 – 7,72% (năm 2029 – 2033).

Ở cấp độ vùng, Asean đang cố gắng đẩy kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để tiến tới ký kết trong năm 2020.

Hiệp định RCEP là một thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand.

Nếu được ký kết, hiệp định này sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.

Với Việt Nam, sau ba thập niên đổi mới, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Tuy vậy trong Asean, dân số Việt Nam tuy đứng thứ 3 trong ASEAN, nhưng quy mô kinh tế đứng thứ 6.

Một tính toán của McKinsey năm 2018 cho thấy GDP đầu người của Malaysia cao gần gấp đôi so với Thái Lan, và cao gấp ba tới năm lần so với thu nhập trung bình của Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Liệu kinh tế Việt Nam có thể bứt phá để mức sống người dân theo kịp các nước trong Asean?

Tiến sĩ Chayodom Sabhasri, Khoa Kinh tế, Đại học Chulalongkorn, Bangkok, chia sẻ suy nghĩ với BBC News Tiếng Việt.

Kinh tế Việt Nam đang thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Gần đây rõ ràng, đầu tư nước ngoài trực tiếp của Tây phương đã chuyển từ một số thành viên Asean sang Việt Nam.

“Đầu tư Nhật Bản ở Thái Lan năm 2020 cũng đã chuyển hướng sang Việt Nam.

“Chắc chắn Việt Nam sẽ sớm theo kịp các thành viên hàng đầu trong Asean,” ông Chayodom Sabhasri nhấn mạnh.

Tiến sĩ Chayodom Sabhasri chỉ ra rằng Việt Nam có nhân công trẻ, chăm chỉ, có khả năng trong lúc một số thành viên Asean đã bước vào giai đoạn dân số già hóa.

World Bank cho biết chỉ số Vốn con người (HCI) của Việt Nam hiện xếp thứ 48 trên 157 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ hai ở ASEAN, chỉ sau Singapore.

Dân số Việt Nam dự kiến sẽ tăng lên 120 triệu dân tới năm 2050.

Hiện nay, 70% dân số có độ tuổi dưới 35, với tuổi thọ trung bình gần 76 tuổi, cao hơn những nước có thu nhập tương đương trong khu vực.

Tầng lớp trung lưu đang hình thành – hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026, theo World Bank.

Còn giáo sư, tiến sĩ Patarapong Intarakumnerd, từ Viện nghiên cứu Chính sách Quốc gia (National Graduate Institute for Policy Studies, GRIPS), Tokyo, Nhật Bản, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt.

Nếu nhìn mức tăng trưởng của 5 năm vừa qua, Việt Nam tăng nhanh hơn cả Malaysia và Thái Lan.”

Việt Nam có lợi thế về lao động rẻ hơn nhưng có kỹ năng khá, thị trưởng lớn, ổn định chính trị, mạnh về các môn học STEM, hạ tầng cơ sở đang cải thiện.”

Ảnh: đường phố Sài gòn quận 7, ngày 16-6 nhộn nhịp trở lại sau khi giải tỏa cách ly xã hội

Các nền kinh tế lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng quan tâm Việt Nam.

Tiến sĩ Patarapong Intarakumnerd, từ Tokyo, nói: “Các hãng điện tử Nhật như Panasonic đã dự định đưa nhà máy, trung tâm nghiên cứu-phát triển sang Việt Nam.”

Việt Nam đang trở thành nơi hội tụ của các hãng điện tử và viễn thông như Samsung, Intel, Panasonic…Nó chứng minh Việt Nam đã nâng mình lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.”

Ông Patarapong Intarakumnerd cũng cho rằng kinh tế Việt Nam đang phát triển “đa dạng“.

Việt Nam đang đuổi nhanh về công nghệ (điện tử, phần mềm), kỹ thuật bậc trung (xe hơi), và các ngành tốn nhân công (cà phê, thủy hải sản).”

Tuy nhiên tiến sĩ Patarapong Intarakumnerd nhận định so với Malaysia và Việt Nam, khu vực công của nhà nước yếu hơn về khả năng hoạch định và thi hành chính sách.

Sự phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương không đủ tốt. Ví dụ nếu ta so sánh với Trung Quốc, tuy có kinh tế thị trường XHCN tương tự nhưng chính quyền địa phương của họ khá tự chủ.”

Từ Bangkok, tiến sĩ Chayodom Sabhasri chia sẻ: “Hồi năm 1998, một năm sau khủng hoảng tài chính Á châu, tôi có bài nói chuyện, rằng chúng ta cần quan tâm kinh tế Việt Nam sẽ hơn chúng tôi sau 20 năm nữa.”

Các yếu tố tích cực chính của Việt Nam là người dân cần cù, cải thiện trong hệ thống giáo dục và chính phủ ổn định.”

Ông Chayodom Sabhasri cũng cho rằng nhóm các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam và Thái Lan (CLMVT) nên hợp tác chặt hơn.

Tiểu vùng CLMVT phải lập đối tác để làm việc với nhau, chứ đừng nhắm tới việc cạnh tranh nhau,” ông cho biết quan điểm.

Sau đợt chống Covid-19 vừa qua, tổ chức quốc tế như World Bank cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục vào năm 2021.

World Bank cũng nói Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ hơn để giúp kinh tế phục hồi trong trung hạn, như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Mỹ chuẩn bị “trừng phạt” các công ty gian lận tại Việt Nam

>>> Vụ Repsol: Việt Nam phải bồi thường 1,2 Tỷ đô?

>>> Giấu báo cáo tài chính – Việt Nam khó vay tiền

VN: CNXH và nạn lao động “mầm non”

Kasse animation 7.8.2023