Trung Quốc quyết lấy đảo – Việt Nam chuẩn bị chiến đấu

https://www.youtube.com/watch?v=RXSBRw0rvHA
Link Video: https://youtu.be/RXSBRw0rvHA

Tại hội nghị giao ban tháng 5/2020 của Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội hôm 01/6, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch vừa lên tiếng cảnh báo về những “diễn biến phức tạp trên Biển Đông” và yêu cầu quân đội “đề cao cảnh giác” để “sẵn sàng chiến đấu”. So với cách đây nửa năm, cách hành xử của người đứng đầu Quân đội nhân dân Việt Nam dường như đã có sự thay đổi rõ rệt.

Báo điện tử Quân đội nhân dân đưa tin: Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, Đại tướng Ngô Xuân Lịch yêu cầu các cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ chủ động nắm tình hình mọi mặt, tham mưu, đề xuất các giải pháp, bảo đảm trong bất luận hoàn cảnh nào quân đội cũng không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng về phương án, lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật bảo đảm đấu tranh thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, vùng biển đảo, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam không chỉ rõ những diễn biến “phức tạp” trên Biển Đông là gì nhưng trong hơn 2 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành nhiều hoạt động khiến Việt Nam lo ngại và làm sự xung đột giữa Hà Nội và Bắc Kinh tăng cao.

Các hoạt động này gồm đâm chìm tàu cá Việt Nam, công bố “tên tiêu chuẩn” cho hàng chục đảo đá và thực thể địa lý trên Biển Đông sau khi tuyên bố thành lập “quận Tây Sa” và “quận đảo Nam Sa”, và gần đây nhất là trồng và thu hoạch rau ở Hoàng Sa.

Việt Nam đã lên tiếng cũng như trao công hàm phản đối các hành động mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền Việt Nam và luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Ảnh 1: Đại tướng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại hội nghị giao ban tháng 5/2020 của Bộ Quốc phòng tổ chức tại Hà Nội hôm 01/6

Tại hội nghị hôm 01/6, Bộ trưởng Lịch nói: “Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo các đơn vị đề cao cảnh giác cách mạng, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”

Đồng thời ông bộ trưởng yêu cầu “các đơn vị quán triệt sâu sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo” và “thực hiện điều chỉnh bổ sung một số kế hoạch, mệnh lệnh, kiểm tra sẵn sàng chiến đấu”.

Vị đại tướng đứng đầu bộ Quốc phòng còn yêu cầu quân đội Việt Nam “đảm bảo trong bất luận hoàn cảnh nào cũng không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng về phương án” để “đảm bảo đấu tranh thắng lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ.”

Lời cảnh báo của Bộ trưởng Lịch được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị Mỹ và cộng đồng quốc tế cáo buộc đang thực hiện nhiều hoạt động để tăng cường sự hiện diện của họ trên vùng biển có nhiều tranh chấp trong lúc Việt Nam và các quốc gia có tuyên bố chủ quyền phải bận rộn đối phó với đại dịch virus corona bắt nguồn từ Vũ Hán.

Ảnh 2: Tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, 75 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, lần đầu tiên hệ thống tên lửa đạn đạo của Việt Nam đã được công khai ra mắt công chúng.

Trước đó, trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề Biển Đông, Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 18/5 tuyên bố với những đầu tư nâng cao tiềm lực quốc phòng trong những năm qua, các lực lượng của Việt Nam “sẵn sàng đấu tranh với các nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển”.

Nhắc lại 4 lần Trung Quốc đưa tàu khảo sát và các tàu bảo vệ xâm phạm vùng biển Việt Nam từ ngày 04/7 – 24/10 năm ngoái, Bộ này nói hành động của Trung Quốc “vi phạm nghiêm trọng” chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Dân Trí dẫn lời bộ này khẳng định chủ trương của Việt Nam là “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, giữ vùng 21 đảo (33 điểm đóng quân) ở quần đảo Trường Sa; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao và pháp lý với chuẩn bị phương án quân sự, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

Trước thực tế Trung Quốc “không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông”, tăng cường củng cố sự hiện diện và khả năng kiểm soát trên thực địa, Bộ Quốc phòng cho biết thường xuyên chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình trên các vùng biển, tổ chức lực lượng kịp thời xử lý các tình huống để không bị động, bất ngờ và kịp thời báo cáo, đề xuất với Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng.

Vẫn theo Bộ này, Việt Nam trong những năm qua đã gia tăng mua sắm các trang thiết bị vũ khí hiện đại, vũ khí công nghệ cao để nâng cao khả năng nắm tình hình và quản lý các vùng biển, đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, diễn tập… để không bị động và xử lý tốt các tình huống diễn ra trên biển.

Ảnh 3: Vị trí của bãi Tư Chính/Nam Côn Sơn so với các đảo trên Biển Đông nơi Trung Quốc xâm phạm vào năm ngoái

Có thể nói, những động thái của Bộ Quốc phòng cũng như giới cầm quyền cộng sản Việt Nam trong thời gian gần đây khác hẳn với những gì đường hướng theo đuổi trước đó.

Tại buổi lễ khai mạc Diễn đàn Hương Sơn thứ 9 tại Bắc Kinh hôm 21/10/2019, trước sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch, người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã tuyên bố: “Các đảo ở Biển Đông và đảo Điếu Ngư là những phần lãnh thổ không thể thay đổi của Trung Quốc. Chúng tôi thậm chí sẽ không cho phép lấy đi một tấc lãnh thổ mà tổ tiên của chúng tôi đã để lại.”

Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy, Quyền Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam vừa mới bị an ninh cộng sản Việt Nam bắt tại nhà riêng hôm 23/5 vừa qua đã tường thuật lại sự kiện ông Ngô Xuân Lịch ‘á khẩu’ tại Diễn đàn Hương Sơn như sau: “[…] trong phát biểu của mình tại diễn đàn này, Ngô Xuân Lịch không hề nói được một câu khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và các đảo ở Biển Đông. Càng không một lời nhắc đến hành động vi phạm chủ quyền Việt Nam tại bãi Tư Chính đang diễn ra từ đầu tháng 7 đến nay (tại thời điểm bài viết là tháng 10/2019) của phía Trung Cộng. Ông ta chỉ dám nói những ý chung chung nghe đã nhàm chán như “Giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, “tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế”. Gan góc lắm thì ông ta  chỉ nói đến mức “tình hình Biển Đông vẫn diễn biến phức tạp” mà không dám nói ra kẻ nào đang làm cho tình hình ngày càng phức tạp trên Biển Đông.”

Ông Thụy nói: “Lẽ ra, trước phát biểu ngang ngược của Bộ trưởng quốc phòng Trung Cộng, Ngô Xuân Lịch phải lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam, tố cáo hành động xâm lăng của Trung Cộng đối với Việt Nam.”

Đồng thời nhà báo khẳng định: “Để giặc tự do vào vùng đặc quyền kinh tế của mình khảo sát tài nguyên mà chỉ biết theo dõi thì đâu phải là mềm dẻo khôn khéo. Là nước chủ nhà, Trung Cộng nói vỗ vào mặt đoàn đại biểu Việt Nam như thế mà phía Việt Nam không dám mở miệng, đâu phải là mềm dẻo, khôn khéo. Nó chỉ nói lên sự nhục nhã, đớn hèn.

Không ai yêu cầu Việt Nam phải khiêu khích hay tấn công Trung Cộng nhưng yêu cầu tự vệ, đáp trả, không làm nhục quốc thể là những yêu cầu chính đáng.

Qua sự việc ở Diễn đàn Hương Sơn, những người quan tâm đến vận mệnh của đất nước không thể không nghi ngờ về quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của giới cầm quyền Việt Nam.”

Ảnh 4: Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh ngày 21/10/2019

Trước đó, tại Diễn đàn Shangri-La ngày 31/5/2019, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu nhận xét: “Suốt cả bài diễn văn, ông Ngô Xuân Lịch không có một lời phê phán Trung Quốc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, bồi đắp đảo nhân tạo, quân sự hóa Biển Đông Nam Á, xua đuổi, đâm chìm thuyền cá ngư dân Việt Nam, cấm ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển Việt Nam. Trái lại, chỉ thấy Trung Quốc và Việt Nam đang “thống nhất duy trì” hòa bình, ổn định trên Biển Đông Nam Á.”

Không những không lên án Trung Quốc xâm lược biển đảo, ông Ngô Xuân Lịch còn đề cao “thiện chí” của Trung Quốc. Ông Ngô Xuân Lịch phát biểu: “Biển Đông là một trong những khu vực chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Nếu chúng ta cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình hợp tác và phát triển“.

Cách đây vài ngày tại Hà Nội, tôi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã thống nhất rằng Việt Nam và Trung Quốc có sự khác biệt đối với vấn đề Biển Đông, nhưng duy trì hòa bình, hợp tác là lợi ích chung của hai nước và khu vực. Đó là nền tảng để biến Biển Đông thành vùng biển “Hòa bình – hợp tác – phát triển”. Trên cơ sở đó mà thu hẹp bất đồng, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra xung đột.”

Chưa dừng lại ở đó, ngài bộ trưởng Lịch còn đặt lòng tin vào Trung Quốc với sứ mệnh “Cộng đồng chung vận mệnh”. Ông phát biểu: “Tôi tin Trung Quốc luôn ý thức về vai trò nước lớn của mình ở khu vực, họ đang khởi xướng ý tưởng xây dựng ‘Cộng đồng chung vận mệnh’, sẽ ủng hộ, cùng Việt Nam và các nước biến điều đó thành hiện thực“.

Tiếp theo, ông Lịch đặt Việt Nam vào chung chí hướng với Trung Quốc khi nói rằng: “Làm được như vậy, Trung Quốc và Việt Nam sẽ đóng góp một “mô hình tốt” cho việc “Giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình; Với tinh thần đối tác; Vì trách nhiệm cộng đồng.”

Ông Chu đánh giá rằng: “Như thế là đã loại thế giới ra khỏi lo lắng về Trung Quốc bành trướng xâm chiếm Biển Đông Nam Á.” Bởi “Việt Nam là nước bị Trung Quốc lấn chiếm biển đảo nhiều nhất mà không kêu thì các nước lấy cớ gì mà lên án Trung Quốc?”

Ảnh 5: Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch phát biểu tại Phiên toàn thể thứ ba của Đối thoại Shangri-La lần thứ 17, tổ chức ở Singapore năm 2019

Vào thời điểm xảy ra vụ Bãi Tư Chính, Thiếu tướng Lê Mã Lương đã phải thốt lên trước tình cảnh của ‘quân đội nhân dân Việt Nam rằng: “Thật không thể tưởng tượng nổi!”

Người anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người cán bộ lão thành trên 50 năm tuổi đảng đã đau xót khi Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng và Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam phát biểu tại phiên thảo luận sáng 30/10/2019 của Quốc hội về “bối cảnh phức tạp của tình hình an ninh thế giới, đặc biệt trên biển Đông” đã không một lần nhắc đến từ “Trung Quốc”. Những từ mà những hai vị tướng này thường sử dụng là “nước ngoài” và “họ”. Như vậy, ngay trong chính cuộc họp Quốc hội tại đất nước mình mà một người là người thống lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam và người kia là người chịu trách nhiệm đào tạo, giảng dạy các thế hệ của quân đội mà còn như vậy thì “quân đội mình còn tinh thần ý chí đâu mà đánh chác nếu bị Tàu tấn công” như lời cám cảnh của tướng Lương.

Một điều thú vị khác là trang fanpage ‘Tôi yêu Lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam’ trong thời điểm hối hả chuẩn bị cho Đại hội 13 những ngày này đã đăng bài viêt ca ngợi có nội dung là: “[Có thể bạn chưa biết] Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, theo độ tuổi công tác, thì tướng Lịch sẽ là vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cuối cùng từng tham gia thời chống Mỹ, đồng thời cũng là Quân nhân cuối cùng tham gia thời chống Mỹ còn tại ngũ. Sau tướng Lịch, có thể chúng ta sẽ thấy một vị Bộ trưởng đã từng chiến đấu ở chiến trường K hoặc Biên giới phía Bắc.” Nhưng tướng Lê Mã Lương năm ngoái cho biết rằng tướng Ngô Xuân Lịch đã đi vào lịch sử quân đội Việt Nam khi lần đầu tiên một vị Bộ trưởng Quốc phòng ‘không biết đọc bản đồ thực địa’.

Ảnh 6: Trung tướng, PGS. TS Trần Việt Khoa đọc diễn văn tại buổi Lễ khai giảng năm học 2019-2020 của Học viện Quốc phòng ngày 16/9/2019

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc kiểm soát vùng trời Biển Đông – Việt Nam hết đường bay ra đảo

>>> Ba dân biểu Bỉ đưa vấn đề Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ra trước Quốc hội

>>> Biển Đông: Căng thẳng Mỹ – Trung, Việt Nam “chờ thời”

https://www.youtube.com/watch?v=ql6vEKw3lNY

 Mỹ công bố: TQ thành mối “đe dọa” phương Tây

Kasse animation 7.8.2023