Trung Quốc kiểm soát vùng trời Biển Đông – Việt Nam hết đường bay ra đảo

https://www.youtube.com/watch?v=aZOuEoV-rsk

Tờ South China Morning Post ngày 31/5 dẫn nguồn tin quân đội Trung Quốc cho hay nước này đã lên kế hoạch lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông từ năm 2010 và đang chờ thời điểm công bố.

Theo đó, ADIZ được đề xuất bao trùm cả quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông, và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đang có nhiều tranh chấp.

Nếu Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông, họ sẽ yêu cầu các hãng hàng không qua khu vực phải xin phép bay để đảm bảo an ninh. Và nhiều khả năng Trung Quốc sẽ lấy đây làm cái cớ trong đàm phán để nói rằng đã có nước phải xin phép họ, tức là thừa nhận yêu sách chủ quyền của họ.

Thạc sĩ luật Hoàng Việt, một chuyên gia về Biển Đông, nhận định với VOA rằng việc Bắc Kinh chính thức tuyên bố về ADIZ trên Biển Đông là điều “sớm muộn sẽ diễn ra” vì động thái này “hỗ trợ” cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

ADIZ là vùng trời do một quốc gia tự ấn định và đòi hỏi mọi máy bay dân sự xâm nhập vùng này phải nhận dạng và chịu sự kiểm soát của quốc gia đó. Mục đích của ADIZ là cung cấp hệ thống cảnh báo sớm để giúp phát hiện những xâm nhập có thể xảy ra trong không phận của nước đó.

Các máy bay đi qua ADIZ của một quốc gia phải tuân thủ các yêu cầu chung như nộp trước lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều với nước quản lý, thông báo vị trí, tuân thủ hành lang bay mà nước đó quy định. Nếu không tuân thủ thì máy bay quân sự của nước lập ADIZ có thể can thiệp, yêu cầu nhận dạng hoặc buộc rời khỏi khu vực. Vì ADIZ không phải là không phận, bắn hạ máy bay xâm nhập là phi pháp.

Mỹ là quốc gia đầu tiên thiết lập ADIZ vào năm 1950 nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công bất ngờ từ Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. ADIZ của Nhật được quân đội Mỹ thiết lập sau Thế chiến II, bao trùm hầu hết vùng đặc quyền kinh tế. Quân đội Mỹ năm 1951 cũng thiết lập ADIZ cho Hàn Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, bao phủ hầu hết không phận của nước này.

Mặc dù Trung Quốc hiện kín tiếng về chủ đề này, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói hôm 04/5 rằng họ có biết về kế hoạch của Trung Quốc.

Ảnh: Máy bay hoạt động trên Đá Chữ Thập do Trung Quốc bồi đắp

Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Phát (Yen Te-fa) hôm 04/5 đã trả lời câu hỏi về các ADIZ quanh Đài Loan. Theo ông Nghiêm Đức Phát, Trung Quốc đã xác định lập hai vùng ADIZ là vùng biển Hoa Đông (East China Sea) và vùng biển Hoa Nam (Biển Đông). Thông tin Trung Quốc xúc tiến thành lập ADIZ đã được truyền thông thế giới đưa tin từ tháng 6/2016. Vùng ADIZ này dự định sẽ bao trùm trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa), và bảy đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Ông Lu Li-Shih, một cựu giảng viên tại Học viện Hải quân Đài Loan ở Cao Hùng, nói trong bài báo của South China Morning Post rằng việc xây dựng và lắp đặt thiết bị trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông trong mấy năm gần đây, nhất là các đường băng và hệ thống radar trên các đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn, đều nằm trong kế hoạch của Bắc Kinh về ADIZ.

Dựa trên các ảnh vệ tinh của Israel và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, Mỹ, ông Lu chỉ ra rằng quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay tuần tiễu săn ngầm KQ-200 ở Đá Chữ Thập. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng chuẩn bị cơ sở vật chất để sớm đưa máy bay chiến đấu ra bãi đá này để cùng các máy bay kia tiến hành tuần tra trong khuôn khổ ADIZ.

Một nguồn tin ẩn danh khác trong quân đội Trung Quốc nói với South China Morning Post rằng nước này vẫn chần chừ chưa tuyên bố về ADIZ trên Biển Đông vì còn phải cân nhắc các vấn đề về “kỹ thuật, chính trị và ngoại giao”.

Theo lời nguồn tin thứ hai này, Bắc Kinh ý thức được rằng Biển Đông rộng lớn hơn nhiều Biển Hoa Đông, vì vậy, sẽ cần đến nhiều nguồn lực hơn mới có thể tuần tra đầy đủ.

Vấn đề thực tiễn nhất là Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc trước đây không đủ khả năng điều động chiến đấu cơ để đuổi máy bay nước ngoài xâm phạm Trung Hoa Nam Hải [tức Biển Đông], mà biển này rộng lớn gấp vài lần so với Trung Hoa Đông Hải [tức Biển Hoa Đông], và sẽ tốn chi phí khổng lồ cho vùng ADIZ đó”, nguồn tin thứ hai nói với South China Morning Post.

Kế hoạch ADIZ trên Biển Đông được lập vào cùng thời điểm Bắc Kinh lên kế hoạch về ADIZ ở Biển Hoa Đông.

Ảnh : ADIZ Trung Quốc lập tại Biển Hoa Đông được thể hiện trong đường màu đỏ

ADIZ trên biển Hoa Đông được Trung Quốc đơn phương công bố vào năm 2013 dẫn đến những phản đối cả bằng lời nói và hành động từ các nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ngày 23/11/2013, Trung Quốc lập ADIZ ở biển Hoa Đông, bao trùm lên cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và đá ngầm Socotra mà Trung Quốc tranh chấp với Hàn Quốc (Bắc Kinh gọi là Tô Nham Tiêu trong khi Seoul gọi là Ieodo).

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe lên án hành động của Trung Quốc là nỗ lực nguy hiểm để thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông thông qua cưỡng chế. Ông yêu cầu Bắc Kinh “thu hồi mọi biện pháp có thể xâm phạm quyền tự do bay trong không phận quốc tế“. Nhật Bản đã yêu cầu các hãng hàng không không cung cấp thông tin bay cho Trung Quốc, khiến Bắc Kinh cảnh báo Tokyo đang để sự an toàn của công dân bị đe dọa. Đáp trả, Tokyo tuyên bố Bắc Kinh mới chính là bên đe dọa sự an toàn của khách.

Theo VnExpress, Hàn Quốc cũng yêu cầu hãng hàng không không tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc nhưng hai hãng lớn của nước này Asiana Airline và Korean Air sau đó làm theo quy định của Trung Quốc vì lý do an toàn. Seoul tổ chức một cuộc tập trận kết hợp hải quân và không quân lớn vào tháng 12/2013 để phô diễn sức mạnh nhằm “bảo vệ quyền tài phán với Ieodo“.

Khác với Nhật và Hàn, Mỹ tư vấn cho các hãng hàng không thương mại tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc vì vấn đề an toàn nhưng nhấn mạnh Mỹ không công nhận ADIZ của nước này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời điểm đó, Chuck Hagel, gọi hành động của Trung Quốc là “đơn phương“, “không qua tham vấn“, nhấn mạnh động thái đó sẽ không thay đổi cách Mỹ tiến hành hoạt động quân sự trong khu vực. Ông cũng nhắc lại quan điểm chính thức rằng Mỹ sẽ ủng hộ Nhật Bản trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa họ với Trung Quốc vì Senkaku/ Điếu Ngư.

Mỹ điều hai máy bay ném bom B-52 từ Guam bay qua ADIZ vào ngày 26/11/2013 và Trung Quốc không có phản ứng. Trong khi đó, ba ngày sau, hai máy bay do thám Mỹ và 10 chiến đấu cơ F-15 của Nhật Bản đã bị các tiêm kích Trung Quốc Su-30 và J-10 bám đuôi sau khi đi vào ADIZ. Bộ Quốc phòng Trung Quốc giải thích rằng họ sẽ có “hành động tương ứng phù hợp với tình hình và mức độ đe dọa“.

Australia và các nước châu Âu cũng bày tỏ quan ngại, cho rằng đây là động thái làm leo thang căng thẳng. Philippines cáo buộc Trung Quốc cố gắng biến khu vực này thành “không phận trong nước” đồng thời cảnh báo rằng Trung Quốc có thể cố gắng thiết lập ADIZ ở Biển Đông.

Trong khi đó, Trung Quốc gọi các nước phản đối là “đạo đức giả” khi chính họ cũng có ADIZ. Họ nói rằng hành động của mình không ảnh hưởng đến tự do hàng không theo luật quốc tế hay nhắm vào một quốc gia cụ thể nào mà chỉ nhằm cảnh báo sớm cho mục đích quốc phòng, theo Xinhua.

Trung Quốc thường xuyên tiến hành tuần tra kể từ sau khi thành lập ADIZ. Họ đã theo dõi, thu thập bằng chứng, nhận dạng và phát cảnh báo radio với các máy bay quân sự nước ngoài. Do đó, máy bay Trung Quốc và Nhật thường xuyên có các vụ chạm trán.

Theo các chuyên gia, còn có những lý do khác khiến Trung Quốc chưa công bố ADIZ ở Biển Đông vào thời điểm này.

Bởi nếu ngang ngược thông báo ADIZ trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ làm gia tăng thêm căng thẳng với Mỹ và gây ra những tổn hại không thể sửa chữa được trong mối quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Mỹ và nhiều nước coi Biển Đông là vùng biển quốc tế, nơi tàu thuyền, máy bay có thể tự do qua lại theo các quy định của luật pháp quốc tế mà không phải chịu sự kiểm soát của bên nào. Không quân và hải quân Mỹ vẫn thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở khu vực này để khẳng định quyền đó.

Việc lập ADIZ ở Biển Đông có thể sẽ chọc giận Washington trong bối cảnh nước này không ngừng chỉ trích Trung Quốc leo thang Biển Đông thời gian qua đồng thời cũng sẽ khiến các quốc gia khác ngoài khu vực lo ngại và hành động răn đe. Đã có những đề xuất về việc Mỹ cùng với Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, EU phối hợp với nhau đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông, đồng thời giúp các nước nhỏ hơn gia tăng năng lực đảm bảo tự do hàng hải. Hành động đơn phương lập ADIZ của Trung Quốc sẽ khiến đề xuất này được xúc tiến mạnh hơn. Hệ quả là ADIZ bị xem là bất hợp pháp, không được nước khác tuân thủ, trở thành minh chứng hiệu quả cho yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở khu vực. Đó là chưa kể quá trình “rời khỏi Trung Quốc” của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ được thúc đẩy mạnh hơn, càng khiến nền kinh tế Trung Quốc bị cô lập, lâm vào quá trình suy thoái.

Và ASEAN chắc chắn sẽ không ngồi yên trước việc Bắc Kinh lập ADIZ ở Biển Đông bởi nó liên quan đến lợi ích trực tiếp của các quốc gia này. Các nước ASEAN sẽ đưa Biển Đông lên bàn nghị sự với các gợi ý gia tăng hợp tác, tạo điều kiện cho phương Tây và các nước thứ ba hiện diện mạnh hơn ở khu vực. Khi đó, phản ứng từ ASEAN không đơn thuần là phản đối ngoại giao, mà còn để lại các hậu quả rõ ràng: Từng nước hoặc tất cả các nước có yêu sách khởi kiện Trung Quốc; ASEAN đẩy mạnh hợp tác kinh tế với phương Tây, gây sức ép Trung Quốc; ASEAN tập trận chung, tuần tra chung đảm bảo tự do hàng không cũng như đánh bắt cá…

Một ADIZ chắc chắn sẽ bị nhiều nước ASEAN phản đối và các quốc gia có yêu sách trực tiếp sẽ không tuân thủ. Điều đó khiến Trung Quốc rơi vào tình thế lưỡng nan: Không chế tài máy bay vi phạm ADIZ cũng không được, mà chế tài thì có khi xảy ra xung đột vũ trang – đường nào cũng mang về thiệt hại khó lường cho Bắc Kinh.

Chưa kể, nếu ADIZ mà Trung Quốc tuyên bố bao gồm cả khu vực Trung Quốc gọi là quần đảo Đông Sa (Pratas) thì sẽ lại làm leo thang xung đột với Đài Loan và Mỹ vốn đang rất căng thẳng thời gian qua.

Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã khiến Bắc Kinh suy giảm uy tín một cách trầm trọng trên trường quốc tế. Việc đàn áp những tiếng nói cảnh báo về đại dịch trong nước, bưng bít thông tin, thay đổi số liệu liên quan đến dịch bệnh, ngoại giao khẩu trang với hàng hóa kém chất lượng, ngoại giao chiến lang hung hăng và đẩy mạnh chủ quyền phi pháp ở các vùng biển tranh chấp đã khiến không chỉ châu Á, phương Tây và ngay cả châu Phi đều đánh mất niềm tin vào một Trung Quốc là một đối tác tin cậy.

Việc Trung Quốc lập ADIZ rất có thể sẽ là “giọt nước tràn ly” để các quốc gia trên toàn thế giới cùng đồng tâm, hiệp lực cô lập Trung Quốc.

Nhưng những phân tích nêu trên là cho thời điểm hiện tại và Trung Quốc thì vẫn luôn luôn ấp ủ việc lập ADIZ trên Biển Đông. Đến một lúc nào đó thời cơ chín muồi, chắc chắn nước này sẽ hành động. Vậy trong trường hợp đó, Việt Nam cần làm gì?

Chuyên gia về Biển Đông Hoàng Việt nhận định một trong những việc Việt Nam cần làm để chống động thái trên của Trung Quốc là gia tăng giao lưu không quân với các nước, đặc biệt là Mỹ. Điểm lại những năm gần đây, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng Việt Nam đã làm “rất tốt ngoại giao hải quân” với việc đón tiếp nhiều tàu chiến Mỹ, đặc biệt là có cả một số tàu sân bay.

Ông Việt xem đó như một động thái để “răn đe” Trung Quốc, và đưa ra quan điểm rằng Việt Nam cần tiến thêm một bước là “mở cửa bầu trời” để tiến hành “ngoại giao không quân” bên cạnh “ngoại giao hải quân”. Chuyên gia này chia sẻ thêm rằng: “Tôi được nghe thông tin là Hoa Kỳ muốn cho máy bay P8 Poseidon hạ cánh ở một số sân bay của Việt Nam để giao lưu. Phía Việt Nam vẫn đang xem xét. Tôi nghĩ rằng việc cho các máy bay quân sự tối tân của Hoa Kỳ giao lưu với Việt Nam trong vùng bầu trời này cũng tạo ra khả năng răn đe tốt đối với Trung Quốc, và cũng góp phần thách thức tuyên bố phi pháp của Trung Quốc về khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông, nếu có”.

Đồng thời Việt Nam và các nước liên quan “phải phản đối” để Bắc Kinh không có cớ nói rằng Trung Quốc đã thể hiện chủ quyền ở đó mà không bị phản bác.

Bên cạnh phản đối bằng lời, các nước cần “tiếp tục sử dụng lực lượng máy bay của mình ở trên đó” tuy nhiên để thực hiện việc này cần phải “có thực lực”.

Tuy Việt Nam có thể gặp khó về mặt hành động ở thực địa so với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ như năm 2013 nhưng Việt Nam vẫn còn những giải pháp khác đặc biệt việc Việt Nam cần phải kêu gọi các nước khác phản đối Trung Quốc, nhất là phối hợp với ASEAN.

Theo ông Việt, trong đàm phán giữa ASEAN với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), Việt Nam cần phải thuyết phục các nước ASEAN đồng ý về một nội dung là khối này sẽ không chấp nhận một quốc gia đơn phương tuyến bố lập ADIZ trên Biển Đông.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Mỹ bỏ đặc quyền – Trung Quốc “lồng lộn”

>>> Chống Trung Quốc: Mỹ muốn hợp tác – Việt Nam do dự

>>> Trung Quốc “tuyên chiến” với quốc tế khi thông qua đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông

https://www.youtube.com/watch?v=dQFesfnpg90
Tướng TQ hùng hổ muốn “nuốt sống” Đài Loan

 

Kasse animation 7.8.2023