Vụ Hồ Duy Hải: Quốc hội bắt đầu điều tra quá trình thực hiện tố tụng của Nguyễn Hòa Bình và các đơn vị tư pháp, hành pháp

Trong khi Quốc hội tiếp nhận kiến nghị mới về vụ Hồ Duy Hải, thì một đại biểu Quốc hội cũng đề xuất Tổng bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào cuộc. Cùng lúc đó trang “KIẾN NGHỊ ĐÒI CÔNG LÝ CHO TỬ TÙ HỒ DUY HẢI” mới thành lập đã có 4.310 người ký tên tính đến trưa ngày 18-5-2020.

Cơ quan của Quốc hội đang xem xét vụ Hồ Duy Hải và “giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu”, tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như vậy khi phóng viên đặt câu hỏi về vụ án này.

Ở nhiệm kỳ trước, Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát liên quan đến vấn đề này do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga làm phó trưởng đoàn. Sau đó, Ủy ban Tư pháp đã có kiến nghị về vụ án Hồ Duy Hải” – ông Phúc cho hay.

Ông nói: “Quá trình cũng cho thấy gia đình Hồ Duy Hải liên tục khiếu nại, kêu oan. Dư luận trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm. Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định pháp luật“.

Phát biểu với cử tri, ông Lê Minh Trí, viện trưởng Viện KSND tối cao, khẳng định các nội dung kháng nghị của Viện KSND tối cao là đúng thẩm quyền và không sai luật.

Chắc chắn viện trưởng kháng nghị không sai luật và đúng thẩm quyền. Viện trưởng cũng có báo cáo với các cấp có thẩm quyền để xem xét và đúng pháp luật. Đây là trách nhiệm thực thi pháp luật, đến giờ phút này viện trưởng tin là mình đang làm đúng trách nhiệm của mình” – ông Lê Minh Trí nói tại buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với cử tri quận 5, 10, 11 – khi có 7/9 ý kiến đề cập đến quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, sáng 18/5.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Tòa tối cao vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội vụ Hồ Duy Hải, ông cũng đưa ra đề nghị rằng Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng vào cuộc vụ này theo thẩm quyền.

Mặc dù công nhận nhiều sai sót mang tính mấu chốt trong quá trình điều tra, nhưng hội đồng lại cho rằng sai sót đó “không ảnh hưởng đến bản chất của vụ án”.

“Đương nhiên, bản chất của vụ án là “giết người” chứ không phải là do “sét đánh chết người”. Nhưng bản chất của cấu trúc tội phạm có thể sẽ thay đổi, chính xác hơn nếu hoạt động tư pháp tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật tố tụng. Thực tiễn đã có những vụ án rất điển hình phải trả giá do vi phạm tố tụng như ngụy tạo chứng cứ, thiếu trách nhiệm, rắp tâm kết tội… đã làm điêu đứng cả nền tư pháp và làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước“, ông Nhưỡng nói.

Ảnh 1: Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Đại biểu Nhưỡng nêu vụ án này đã được Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giám sát, qua đó đại biểu Lê Thị Nga, hiện là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, chỉ ra một loạt vấn đề cần phải làm rõ, cần phải thỏa mãn để khẳng định tính chính xác của việc kết án tử đối với Hồ Duy Hải.

Hiện tại, dư luận trong xã hội không đồng tình với phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC không phải để bênh vực mù quáng cho Hồ Duy Hải mà là không đồng tình với cách tiến hành tố tụng thiếu công tâm, mang nặng định kiến và vi phạm những nguyên lý cơ bản về tội phạm học, tố tụng hình sự. Đặc biệt, càng nghe giải thích của các vị đại diện cho TANDTC cũng như người được mời phỏng vấn phát biểu trên báo chí sau khi kết thúc phiên xét xử, dư luận càng bức xúc hơn vì đó là cách suy luận chủ quan, bất chấp quy định của pháp luật”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Theo ông Nhưỡng, xung quanh vụ việc này, đang tồn tại một số vấn đề cần giải quyết.

Thứ nhất, dư luận rất dị nghị về việc ông Nguyễn Hòa Bình, người đã quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm với tư cách Viện trưởng Viện KSNDTC, nay lại ngồi ghế “chủ tọa” xét xử kháng nghị giám đốc thẩm.

Vì vậy có thể (và đã có kết quả chứng minh) mang định kiến tư pháp vào quá trình điều hành, xét xử, quyết định không vô tư, thiếu khách quan, rõ ràng đã vi phạm quy định tại điều 21 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Thứ hai, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã không xem xét công tâm, khách quan, khoa học, đúng đắn đối với các vi phạm tố tụng của cơ quan điều tra.

Có thể nói nhiều vấn đề ẩn khuất bị che lấp đã được dư luận nêu bức xúc trong suốt thời gian qua (như: thời gian thực hiện hành vi phạm tội không chính xác; thời điểm nạn nhân bị chết không được xác định; vi phạm trong việc thu giữ mẫu máu, vân tay, chưa xác định lời kể của các nhân chứng quan trọng…).

Nhưng qua 3 ngày làm việc Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã không thỏa mãn những điều xã hội đang quan tâm theo dõi, đặt ra để giải quyết về phương diện tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật tố tụng, có dấu hiệu vi phạm các điều 7, 8, 13, 15, 17 Bộ luật Tố tụng hình sự”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Thứ ba, quá trình xét xử, Hội đồng Thẩm phán TANDTC tự đặt ra một quyền năng trên cả luật do Quốc hội ban hành.

Tuyệt nhiên không có quy định nào cho phép Hội đồng Thẩm phán TANDTC phán quyết về việc kháng nghị của Viện KSNDTC đúng hay không đúng pháp luật. Như vậy Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tự cho mình áp đặt thêm quyền năng thứ 7 đứng trên luật pháp. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng cả về chính trị và pháp lý”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

Ảnh 2: đại biểu Lê Thị Nga, hiện là chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Bà là người lần đầu tiên đưa vụ án ra trình bày tại Quốc hội vào ngày 20 tháng 3 năm 2015 và cho rằng có đủ bốn căn cứ để kháng nghị, đó là: “1) Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ; 2) kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; 3) có sự vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử; 4) có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự”

Thứ tư, một số giải thích gần đây của hai Phó chánh án TANDTC (Nguyễn Trí Tuệ, Bùi Ngọc Hòa) về những vấn đề xung quanh vụ án và quá trình xét xử càng bộc lộ rõ quan điểm không chuẩn định về thẩm quyền của Viện KSNDTC, về vai trò của Chánh án TANDTC, về tính độc lập của thẩm phán, nhất là về cách thu thập, đánh giá chứng cứ.

Việc này càng làm tăng thêm sự hoài nghi, thiếu niềm tin đối với cơ quan xét xử cao nhất của Nhà nước pháp quyền Việt Nam, có vẻ như không ai hiểu vụ án hơn Hội đồng Thẩm phán TANDTC” ông Nhưỡng nêu.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng cũng cho hay, qua một số thông tin cử tri thì đang có cuộc vận động, chỉ đạo ngầm một số cơ quan báo chí viết bài “ủng hộ” TANDTC; tìm cách hạn chế, cấm đoán đưa tin từ những người không đồng tình với TANDTC, thậm chí “dựng chuyện”, “chụp mũ” đại biểu quốc hội bị phản động lợi dụng… nhằm mục đích bịt đường dư luận đang đòi hỏi tòa án phải tôn trọng và hành động vì công lý, xét xử đúng pháp luật.

Người dân nghi ngờ về tính đúng đắn, vai trò của Hội đồng Thẩm phán TANDTC với tư cách “người gác cửa” cuối cùng của công lý và nền tư pháp; cho rằng, phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm, tiền lệ rất xấu, hậu quả khôn lường cho hoạt động tư pháp, trong khi theo Hiến pháp lại đó là cơ quan xét xử cao nhất, thực hiện quyền tư pháp”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo Ban Cán sự đảng TANDTC, Ban Cán sự đảng Viện KSNDTC, Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam báo cáo Ban Nội chính, Ban Bí thư, Bộ Chính trị; chỉ đạo Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam báo cáo Chủ tịch nước về vụ án nêu trên.

Đồng thời, đề nghị Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC có báo cáo riêng vụ việc Hồ Duy Hải tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; tổ chức thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội hoặc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với các vụ án do Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm gây bức xúc dư luận, trong đó có vụ án Hồ Duy Hải, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn xã hội thời gian qua.

Ảnh 3: Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (bên trái) và Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ (bên phải) trong phiên tòa Giám đốc thẩm

Trí thức Việt Nam ký kiến nghị về Hồ Duy Hải ‘vì trách nhiệm công dân’

Một bản kiến nghị gửi cho các lãnh đạo cơ quan nhà nước cao nhất ở Việt Nam đề nghị Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải”.

Ngoài ra, nhóm ký kiến nghị yêu cầu Quốc hội VN lập Ủy ban giám sát vụ án để đánh giá lại tính khách quan và chính xác của phiên giám đốc thẩm hơn một tuần trước.

Họ cũng đề nghị Quốc hội “nếu phát hiện sai sót nghiêm trọng, Quốc hội tiến hành bãi nhiệm Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và các thành viên Hội đồng thẩm phán, bầu chánh án và phê chuẩn các thẩm phán mới”.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, giảng viên đại học ở Hà Nội nói:

Năm 2014, trước tin Hồ Duy Hải sắp bị tử hình, tấm ảnh mẹ và em gái Hải khóc ngất trước cửa tòa đã làm nhiều người xúc động sâu sắc. Sau đó, khi trò chuyện trên mạng, tôi và một số bạn bè đã rủ nhau làm một petition kêu oan cho Hải. Lúc đó, việc nêu kiến nghị – petition còn chưa phổ biến, người Việt Nam mới biết đến hình thức này sau khi có một vị đại sứ của Anh hướng dẫn.

“Một người bạn tôi cũng đã thảo một thư gửi đến các tổ chức QT như EU, Ân xá Quốc tế… Sau đó, Chủ tịch nước nhiệm kỳ đó đã ký hoãn án tử hình. Vì thế, lần này sau phiên phúc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, chúng tôi lại gặp nhau và rủ thêm một số bạn bè nữa cùng tham gia.”

“Chúng tôi hy vọng với cách lên tiếng ôn hòa này, các cấp có thẩm quyền có thể cứu xét lại trường hợp của Hải.”

Từ Hungary, nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, chủ bút trang Nhịp Cầu Thế giới cho BBC biết vì sao ông ký kiến nghị:

Trong vụ án Hồ Duy Hải, dư luận phản đối là vì bản án được đưa ra không thuyết phục, trên nền tảng nhũng thủ tục tố tụng bị vi phạm ở mức trầm trọng, từ giai đoạn điều tra tới xét xử ở các cấp. Quyền con người của bị cáo không được tôn trọng. Cá nhân tôi không đánh giá bị cáo có phải là thủ phạm trong thực tế hay không, nhưng tôi muốn bị cáo có một phiên xử đúng luật pháp.”

Trước câu hỏi ‘nếu dư luận tác động liên tục thì các thẩm phán, quan toà thì có tạo áp lực vào tính bất thiên vị của tư pháp hay không?’ nhìn vào kinh nghiệm các nước châu Âu, nhà báo hiện sống tại Budapest cũng nói:

Các thẩm phán Việt Nam cần được độc lập trong phán quyết của mình, nhưng họ cũng phải làm đúng luật, và ý kiến của công luận phần nào có thể là áp lực để họ lưu ý hơn đến điều đó. Và họ cũng cần phải quen với việc, mọi quyết định của họ đều nằm dưới sự giám sát và phản biện của người dân, và hãy tập trung làm đúng việc và thể hiện mình qua công việc, chứ đừng “hơn thua” với dân.”

Ảnh 4: trang “KIẾN NGHỊ ĐÒI CÔNG LÝ CHO TỬ TÙ HỒ DUY HẢI”thành lập từ ngày 15-5-2020 đến nay có 4.457 người ký tên

Trước câu hỏi những người ký mong muốn và hy vọng điều gì, bà Nguyễn Hoàng Ánh cho biết:“Tất cả nhóm chúng tôi không ai quen biết Hồ Duy Hải hay gia đình Hải. Chúng tôi ký chỉ vì thấy bản án chưa thuyết phục. Vụ xử này đã được rất nhiều cơ quan truyền thông cả trong và ngoài nước quan tâm. Cá nhân tôi đã đọc các bài tường thuật phiên tòa của nhiều tờ báo, không thấy tòa án đưa ra được bằng chứng nào mới nhưng tòa vẫn kết án và bác mọi luận cứ của luật sư mà không giải thích gì. Việc cử ra một chánh án chính là người đã bác đơn kháng nghị của luật sư của Hải trước đó thật không thuyết phục.“

Chúng tôi mong muốn bản án của Hải được xét lại và Hải có được một phiên tòa thuyết phục hơn,” bà Hoàng Ánh nói.

Cho đến trưa 18/05 giờ Việt Nam, trang “KIẾN NGHỊ ĐÒI CÔNG LÝ CHO TỬ TÙ HỒ DUY HẢI” có 4.310 người ký tên.

Ngoài số trí thức, công dân ở Việt Nam còn một con số không nhỏ người Việt hoặc gốc Việt sống ở nước ngoài, từ Bỉ, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Czech, Ba Lan, Thụy Điển, Anh, Pháp, Ukraine, Nga đến Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada, New Zealand, Philippines, Singapore và các nước khác.

Tiến sỹ Đào Nguyên Thắng đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hiện sống ở Berlin, nêu cái nhìn của người ký kiến nghị từ Đức, quốc gia nổi tiếng về hệ thống pháp quyền của châu Âu:

Theo tôi, và tôi nghĩ nhiều người chia sẻ quan điểm này với tôi, hệ thống tư pháp của Việt Nam không có một vị trí đủ độc lập cần thiết bên cạnh việc thiếu một cơ chế giám sát đủ mạnh để đảm bảo các phán quyết của hệ thống tòa án là khách quan và khoa học.

“Ví dụ, rất khó để một ông thẩm phán ở một tóa án cấp tỉnh/thành triệu tập ông bí thư tỉnh/thành ủy đến tòa với tư cách đương sự của một vụ án nào đó nếu không có sự chỉ đạo từ cấp quản lý ông bí thư tỉnh ủy.

“Và trong những vụ án như vậy, sự mạnh yếu của đương sự có thể không còn phụ thuộc vào các lý lẽ pháp lý mà phụ thuộc vào địa vị xã hội của họ.”

Những người kiến nghị nói họ không đặt vấn đề Hồ Duy Hải phạm tội hay không mà muốn qua đây, hệ thống tư pháp và bộ máy chính trị ở Việt Nam phải nhìn nhận nhu cầu cải cách.

Ảnh 5: ông Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Tư liệu Giáo khoa, Học viện Chính trị Công an Nhân dân. Ông Tâm nói trên tạp chí Tòa án nhân dân rằng  vụ Hồ Duy Hải đã bị “các thế lực chính trị cơ hội lợi dụng” và rằng có “làn sóng thổi phồng, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ, nói xấu chế độ của các thế lực phản động trong và ngoài nước”

Tiến sĩ Dương Tú, hiện làm việc tại bang Indiana, Hoa Kỳ, một người ký kiến nghị cho BBC biết ý kiến:“Tôi không dám khẳng định Hồ Duy Hải vô tội hay có tội, nhưng anh ta có quyền được xét xử công bằng và xứng đáng được hưởng công lý.”

Công lý ở đây không phải chuyện đòi hỏi Hồ Duy Hải nhất quyết được xử vô tội mà cần hiểu là quá trình xét xử phải đảm bảo đúng pháp luật, khách quan, tôn trọng quyền được suy đoán vô tội của bị cáo.

“Các cơ quan bảo vệ pháp luật không thể thuyết phục được ai bằng cách tuyên tử hình một người khi những sai phạm tố tụng nghiêm trọng chưa được khắc phục, có thể dẫn đến một phán quyết oan sai không thể sửa chữa.“

Ông Dương Tú nêu ra một vấn đề mà nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài đang quan tâm:

Vụ án này không chỉ liên quan đến mạng sống của một con người mà còn là bộ mặt, danh dự của cả nền tư pháp. Việt Nam hiện không còn là một nước quá lạc hậu và kém phát triển mà đã có vị thế nhất định, là đối tác của nhiều nước trên thế giới.

“Nếu không xây dựng và duy trì được một nền tư pháp trong nước lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, sẽ rất khó khi Việt Nam phải đối mặt với những vụ kiện do tranh chấp chủ quyền hay kinh tế với các quốc gia khác. “

 “Tôi không có quan hệ cá nhân gì với Hồ Duy Hải. Tôi cũng không nghĩ sẽ có ngày mình rơi vào hoàn cảnh như anh ta. Nhưng tôi tin rằng thứ gắn kết những người không có quan hệ máu mủ lại với nhau trong một đất nước, thứ làm nên sức mạnh và sự thịnh vượng của một quốc gia không phải giới hạn lãnh thổ hay chủ nghĩa dân tộc mà là các giá trị văn minh phổ quát như công lý, pháp quyền, bình đẳng, dân chủ và tự do.”

Theo bà Nguyễn Hoàng Ánh, “Việt Nam đang trong quá trình cải cách, dù đã đạt được nhiều kết quả thuyết phục nhưng sai sót là không tránh khỏi”.

“Chúng tôi mong muốn đóng góp một cách ôn hòa góp phần đẩy nhanh tiến trình cải cách này.”

Bà cho biết kiến nghị này được gửi đến cho TBT, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các cơ quan đại diện Liên Hiệp Quốc, EU và đại sứ nhiều nước ở Việt Nam.

Vì thư mới được gửi cuối tuần trước nên cho tới nay, chúng tôi chưa nhận được hồi âm nào. Chúng tôi thật lòng mong những người có trách nhiệm trong cơ quan nhà nước và cả những cơ quan nước ngoài sẽ có câu trả lời tích cực cho chúng tôi để thể hiện sự lắng nghe và cầuthị với những công dân muốn thực hiện nghĩa vụ công dân của mình.”

Ảnh 6: Hồ Duy Hải khi còn trẻ, phía sau là em gái

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

Vụ Hồ Duy Hải và Đại hội 13 -„nóng bỏng“ chính trường VN
Kasse animation 7.8.2023