‘Lộ diện’ Nguyễn Văn Nghị trong vụ án Hồ Duy Hải, tên thật là Nguyễn Hữu Nghị

Nguyễn Văn Nghị người từng được nhắc đến là nghi can trong vụ án Hồ Duy Hải được Công an Long An khẳng định tên thật là Nguyễn Hữu Nghị đang làm nghề bán bảo hiểm xe. Tuy nhiên Nguyễn Hữu Nghị có năm sinh 1984 và cư trú tại xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An Long an, trong khi Nguyễn Văn Nghị mà báo chí xác định từ ngày 16/1/2008 thì sinh năm 1979 và cư trú tại Cai Lậy Tiền Giang.

Nguyễn Văn Nghị và Nguyễn Mi Sol chính là 2 đối tượng được nhắc đến nhiều trong suốt vụ án Hồ Duy Hải.

Đã có lúc, Nguyễn Văn Nghị bị báo Công an nhân dân phản ánh là 1 trong số nghi can số 1 trong vụ án Bưu điện Cầu Voi. Nguyễn Văn Nghị thời điểm đó được biết đến là “bạn trai” của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng.

Tuy nhiên, một “điểm mờ” trong vụ án là Nguyễn Văn Nghị hoàn toàn biến mất trong hồ sơ vụ án khiến nhiều người không ngừng thắc mắc về nhân vật này.

Theo thông tin đăng tải trên báo chí thời điểm đó, nhân vật Nguyễn Văn Nghị cư trú tại xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

Tuy nhiên, báo chí phản ánh, tại xã Tân Hội không có người tên Nguyễn Văn Nghị. Theo tờ Dân Việt: Cơ quan chức năng xã đã lật tung hộ khẩu gần 4.000 hộ dân những cũng chưa tìm ra lai lịch Nguyễn Văn Nghị.

Trong khi đó, trên báo Giao Thông, trả lời vấn đề này, Công an tỉnh Long An khẳng định không ai tên Nguyễn Văn Nghị ở thị xã Cai Lậy liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải, chỉ có Nguyễn Hữu Nghị, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An trong hồ sơ.

Báo Giao Thông dẫn lời Đại tá Phạm Thanh Tâm – Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Sau khi xảy ra vụ án sát hại 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi xảy ra tối 13/1/2008, cơ quan điều tra tập trung nhiều hướng xác minh gồm: Cướp của giết người, ghen tuông tình ái, mâu thuẫn cá nhân.

Qua đó, cơ quan điều tra xác định có một đối tượng tên là Nguyễn Hữu Nghị cư ngụ ấp Hòa Ngãi, xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An (Long An) và Nguyễn Mi Sol (SN 1984, ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Hai đối tượng này có mối quan hệ tình cảm với nạn nhân H. nên cơ quan điều tra triệu tập làm việc đầu tiên vào ngày 14/1/2008.

Ảnh 1: hình bên trái là văn bản của Cơ quan điều tra tỉnh Long an xác định từ năm 2016 rằng không có ai tên Nguyễn Văn Nghị mà chỉ có Nguyễn Hữu Nghị. Hình bên phải là tên Nguyễn Văn Nghị trong bản án Giám đốc thẩm vừa được tuyên bố.

Đại tá Phạm Thanh Tâm dẫn chứng: Tại biên bản ghi lời khai của Nghị và qua xác minh những nhân chứng đã xác định Nghị ngoại phạm.

Bởi, khoảng 19h30 (đây là khoảng thời gian xảy ra án mạng ở Bưu điện Cầu Voi) ngày 13/1/2008, Nghị ở tại nhà cùng uống cà phê và đánh bài (binh xập xám) với anh Nguyễn Thanh Nhàn (SN 1981, nhà đối diện nhà Nghị) cùng ông Nguyễn Văn Tròn (SN 1969, gần nhà Nghị). Đến 21h cùng ngày, anh Nhàn và ông Tròn về nhà nghỉ ngơi.

Cả 2 người này đều ký biên bản xác nhận với cơ quan điều tra là đã cùng uống cà phê và đánh bài chung với Nghị trong thời gian trên”, Đại tá Tâm nói.

Tiếp tục ngày 5/3/2008, cơ quan điều tra đã gửi giấy triệu tập và Nghị có mặt tại cơ quan điều tra để làm việc. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn cử điều tra viên đến Công ty Hoàng Long (do Nghị đang làm việc ở đây) có trụ ở huyện Bến Lức để xác minh làm rõ vụ việc.

Nói về lý do không đưa hồ sơ của Nghị vào vụ án, Đại tá Tâm cho rằng, qua lời khai và chứng cứ xác minh Nghị và Sol có những bằng chứng, chứng minh ngoại phạm rất rõ, không liên quan vụ án nên CQĐT không đưa vào hồ sơ vụ án.

Tuy nhiên, hồ sơ của Nghị vẫn được lưu giữ tại CQĐT Công an tỉnh Long An từ đó đến nay. Và qua xác minh, hiện Nghị vẫn còn ở địa phương và đang mở dịch vụ du lịch và bán bảo hiểm xe.

Chúng tôi khẳng định vụ án trên không ai tên Nguyễn Văn Nghị ở thị xã Cai Lậy liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải. Chỉ có Nguyễn Hữu Nghị, ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An trong hồ sơ…”, Đại tá Tâm khẳng định.

Ảnh 2: Đại tá Phạm Thanh Tâm (bên phải)- Phó Giám đốc Công an tỉnh Long an

Trong khi đó thông tin do Công an xác định đăng báo ngày 16/1/2008, chỉ sau 3 ngày khi vụ án mạng xảy ra đã mô tả rõ hơn về Nguyễn Văn Nghị như là nghi can số 1 của vụ án.

Nội dung bài báo như sau:“Ngày 15-1, Cơ quan Điều tra (CQĐT) Công an tỉnh Long An đã tiến hành lấy lời khai 3 thanh niên và câu lưu một nghi can trong vụ án 2 nhân viên Bưu điện Cầu Voi, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, bị sát hại tại nơi làm việc (Báo NLĐ cùng ngày đã thông tin). Bước đầu, CQĐT xác định động cơ gây án của hung thủ là do ghen tuông mù quáng.

Ba thanh niên được lấy lời khai là Nguyễn Văn Sool, Nguyễn Tuấn Anh và Trần Văn Chà, cùng ngụ tại huyện Trà Ôn – Vĩnh Long, là thợ bạc tại tiệm vàng Kim Long ở thị tứ Cầu Voi. Ba người này từng có mối quan hệ với 2 nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân. Bước đầu, cả 3 đều đưa ra được chứng cứ ngoại phạm.

Đối tượng đang bị câu lưu là Nguyễn Văn Nghị, SN 1979, ngụ huyện Cai Lậy – Tiền Giang, bạn của 3 thanh niên nêu trên, có dấu hiệu nghiện ma túy. Nghị là một trong 2 bạn trai của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng. Vào đêm xảy ra vụ án, người dân địa phương thấy Nghị đi xe máy đến Bưu điện Cầu Voi gặp Hồng và Vân. Có người thấy Nghị mặc quần jean khoác bên ngoài chiếc áo gió. Ngay trong ngày 14-1, CQĐT đã cử trinh sát đến tất cả những địa chỉ mà Nghị thường xuyên lui tới nhưng không gặp anh ta. Sau đó, CQĐT cử trinh sát mai phục tại nhà cha mẹ Nghị ở Cai Lậy, đến nửa đêm thì nghi can xuất hiện và được áp giải về Công an tỉnh Long An lấy lời khai.

Theo nhận định ban đầu, hung thủ chuẩn bị gây án từ trước, nên ngay khi đến Bưu điện Cầu Voi, y đưa tiền cho Vân ra ngoài mua trái cây để có thời gian sát hại Hồng rồi sau đó giết luôn Vân để bịt đầu mối.

Các nhân chứng cho biết, trước đây Hồng và Nguyễn Văn Sool quen nhau, dự định đi đến hôn nhân nhưng gia đình hai bên không đồng ý, do nhà Sool quá xa.

Sau đó, bạn Sool là Nguyễn Văn Nghị đến Cầu Voi chơi và làm quen với Hồng. Cuộc tình này của Hồng cũng bị trắc trở từ phía gia đình. Tuy quen với Nghị nhưng Hồng vẫn còn quan hệ với Sool, dẫn đến tình bạn giữa Sool và Nghị bị sứt mẻ.

Đôi khi hai người bạn này chạm trán nhau tại bưu điện và những chỗ vui chơi giải trí khu vực Cầu Voi. Từ đó, Nghị đã nhiều lần lên tiếng buộc Hồng chấm dứt quan hệ với Sool. Gần đây, Sool không còn làm thợ bạc cho tiệm vàng Kim Long, mà lên TPHCM kiếm sống. Cuối tuần Sool mới về Cầu Voi thăm chủ cũ và thăm Hồng. Nghị vẫn thường tỏ vẻ ghen tức khi thấy Sool có mặt ở Cầu Voi.

Ảnh 3: Ngày 16/1/2008, ngay khi vụ án vừa được khởi tố để điều tra, báo Công an nhân dân đã có bài viết phân tích rất kỹ về Nguyễn Văn Nghị với tựa đề “Vụ 2 nhân viên bưu điện bị giết: Nghi can là bạn trai của nạn nhân”

Theo một nhân chứng, tối hôm xảy ra vụ án, Sool cũng về Cầu Voi nhưng không vào bưu điện thăm Hồng vì biết có Nghị ở đó. Chị Nguyễn Thị Phượng, người bán trái cây ở Cầu Voi, cũng cho biết đêm đó Vân đi mua trái cây và bảo tiền do bạn trai của Hồng cho, người này đến từ Tiền Giang.”

Có lẽ mọi lý giải về việc bỏ qua nghi can Nguyễn Văn Nghị của cơ quan Công an Long an đều do Nghị có chứng cứ ngoại phạm, và chứng cứ này chính là lời khai của hai nhân chứng. Tuy nhiên vẫn còn hàng loạt nghi vấn khác mà dư luận chưa nguôi ngoai như:

– Chi tiết được xác định sát với ngày gây án rằng:“Chị Nguyễn Thị Phượng, người bán trái cây ở Cầu Voi, cũng cho biết đêm đó Vân đi mua trái cây và bảo tiền do bạn trai của Hồng cho, người này đến từ Tiền Giang.” – Người ở Tiền giang chính là Nghị, chứ không thể Hồ Duy Hải.

– Mặc dù cáo trạng có nhắc tên Nguyễn Văn Nghị và xác định chắc chắn sự có mặt của Nghị vào đêm gây án, nhưng mọi hồ sơ liên quan đến Nguyễn Văn Nghị đã bị biến mất, vì sao Hội đồng xét xử giám đốc thẩm không đặt nghi vấn để xem xét?

– Người thanh niên tên được Công an Long an xác định nay lại có tên Nguyễn Hữu Nghị chứ không phải Nguyễn Văn Nghị. Như vậy hai cái tên Văn Nghị và Hữu Nghị này có phải một người đã được cơ quan điều tra lưu ý và thẩm vấn ngay từ đầu vụ án hay không? Bởi Nguyễn Hữu Nghị có năm sinh 1984 và cư trú tại xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An Long an, trong khi Nguyễn Văn Nghị thì sinh năm 1979 và cư trú tại Cai Lậy Tiền Giang.

– “Vì sao không cho Nguyễn Văn Nghị nhận dạng Hồ Duy Hải? Vì sao không giám định vân tay của Nguyễn Văn Nghị? Đây là những điều rất bất thường“, luật sư Trần Hồng Phong đặt câu hỏi trên báo Tuổi Trẻ.

Với quan điểm trọng chứng hơn trọng cung thì lời chứng rằng Nguyễn Văn Nghị ngoại phạm là khẳng định yếu hơn so sánh với hiện trường không hề có dấu vân tay của Hồ Duy Hải, cùng lúc ấy thì hồ sơ điều tra lại không hề xác định các dấu vân tay ấy là của ai, là của Nghị, của Sol, hay của ai khác…

Ảnh 4: góc cầu thang trong Bưu điện Cầu Voi, nơi xảy ra án mạng vẫn còn vết máu đen trên tường, hình ảnh do Luật sư Trần Hồng Phong đến hiện trường chụp lại

Trên trang Facebook cá nhân mang tên Võ Tòng, tức Thạc sĩ Võ Văn Tài – nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP.Tây Ninh, hiện là giảng viên trường nghiệp vụ Kiểm sát TP.HCM, ông đưa ra bình luận về những dấu vân tay tại hiện trường có thể truy ra được hung thủ và người này không thể là Hồ Duy Hải.

Từ nội dung kết luận về diễn biến của vụ án, theo khoa học Hình sự thì sẽ có rất nhiều dấu vân tay ở khắp nơi, dấu vân tay trên con dao và cái thớt (CQĐT không thu giữ 02 vật chứng này nên thôi chúng ta bỏ qua);” Thạc sỹ Võ Văn Tài đưa ra vấn đề.

Hung thủ bị quy kết có bóp cổ chị Hồng, theo logic trên cổ chị Hồng sẽ có dấu các ngón tay của hung thủ; khi dùng dao cắt cổ chị Hồng, máu bắn dính đầy tay và người hắn, kế đến, hung thủ cầm ghế xếp đập đầu chị Vân, rồi bế ngang nách chị Vân di chuyển đến chỗ chị Hồng, sau đó hắn mang cái ghế để gần nơi đó, trong lúc tay hắn dính đầy máu, diễn biến vụ việc như vậy cho ta thấy sẽ có dấu vân tay trên ghế và trên áo của chị Vân; hắn lục lọi lấy tài sản của nạn nhân, thì những nơi đó sẽ có dấu vân tay; sau cùng là cái hàng rào, hung thủ trèo qua hàng rào xuất hiện khả năng rất lớn nữa sẽ có dấu vân tay của hắn trên hàng rào.

CQĐT không thu được hết các dấu vân tay ở những nơi mà tôi liệt kê, và quá trình điều tra cũng như việc tiến hành so sánh những mẫu vân tay có được, không có mẫu nào là của Hồ Duy Hải. Tôi xin hỏi cơ quan tố tụng của tỉnh Long An, cấp cao và Hội đồng thẩm pháp TAND tối cao, các vị hãy cho biết dựa vào điều gì để kết luận bị cáo chính là hung thủ giết người?

Ảnh 5: hình ảnh tại hiện trường hiếm hoi được công bố với cái thớt đẫm máu bên cạnh thi thể nạn nhân, vật chứng quan trọng như thế mà Công an lại để mất đi rồi thay bằng thớt mua ở chợ vào, có thể thấy rằng tư duy của Điều tra viên có vấn đề nghiêm trọng, hoặc có thể suy đoán là họ đã cố ý tiêu hủy nhiều chứng cứ vì một mục đích nào đó

Về lập luận rằng bị cáo nhận tội và cũng không có cơ sở nói bị cáo bị bức cung, dùng nhục hình nên tuyên bị cáo tử hình là đúng người, đúng tội.” Thầy Võ Văn Tài bình luận thêm.

Chắc quý Tòa còn nhớ vụ án “Dùng nhục hình” tại thành phố Tuy Hòa, Phú Yên chứ? Nửa đêm CQĐT Công an Tuy Hòa đến nhà bắt anh Ngô Thanh Kiều dẫn giải về trụ sở vì nghi ngờ anh có tham gia một vụ trộm cắp tài sản, anh Kiều có lẽ kiên quyết không nhận tội, hậu quả ngày hôm sau anh phải từ giã cõi đời. Kết quả khám nghiệm tử thi, đếm trên thân thể anh Kiều có trên 60 vết thương rõ hình dạng, còn những vết thương không rõ thì không biết bao nhiêu mà kể.

Kết quả điều chỉ xác định được Nguyễn Thân Thành Thảo có dùng cây ba trắc (dụng cụ chuyên dụng của Cảnh sát) đánh vài cái (có một cái lên đầu gây cho nạn nhân chấn thương sọ não), 04 vị cán bộ còn lại chỉ thừa nhận đánh 1,2 cái vào chỗ không nguy hiểm. Như vậy, tổng hợp lại 5 con người ấy chỉ đánh trên 10 cái, còn mấy chục vết thương còn lại không biết từ đâu ra, có lẽ anh Kiều tự đánh mình?

Trước đây tôi đã từng 03 năm thực hiện công tác kiểm sát việc giam giữ tội phạm của cơ quan Công an, khi kiểm tra toàn diện nơi giam giữ những người phạm tội, tôi yêu cầu cán bộ quản giáo phải mở cửa từng buồng giam để tôi hỏi từng người đang bị giam giữ xem họ có khiếu nại hay tố cáo rằng họ bị bức cung, dùng nhục hình hay không, thì có vài lần, người bị giam giữ tố cáo là họ có bị nhục hình, tôi lấy lời khai thì họ nói bị đánh trước đó vài ngày, vết bầm thâm tím đã mờ nên không thu được dấu vết gì rõ ràng cả; mà nếu như vết đánh còn mới đi nữa, thì tôi cũng không tài nào làm ra được là có dùng nhục hình hay không.

Bởi một lý do đơn giản là rất ít (hầu như không có) phạm nhân nào (những người đang chấp hành án phạt tù nên được ra khỏi buồng giam để lao động, dọn dẹp vệ sinh) khai là có thấy cán bộ đánh, cùng lắm họ chỉ khai có nghe la lớn nhưng không biết là chuyện gì; còn những người đang bị tạm giam trong buồng giam nếu có hỏi thì cũng không ích gì, họ có nhìn thấy đâu mà khai báo; đối với cán bộ điều tra và quản giáo, không cần hỏi chúng ta cũng biết họ sẽ trình bày như thế nào?

Như vậy, theo các vị, nếu Hồ Duy Hải tố cáo bị bức cung, dùng nhục hình thì có điều tra, làm rõ được vấn đề đó hay không?

Ảnh 6: Giảng viên trường nghiệp vụ Kiểm sát TP.HCM, thạc sỹ Võ Tấn Tài

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)

Vụ Hồ Duy Hải: Tòa Tối cao nói ‘truyền thông bẩn’ gây bức xúc dư luận
Kasse animation 7.8.2023