Ngoại giao khẩu trang khai tử quyền lực mềm của Trung Quốc

https://youtu.be/aAt2J9sAN7A

Năm 2007, khi đang giữ chức Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào tuyên bố tăng cường quyền lực mềm của nước này. Người kế nhiếm ông là Tập Cận Bình trong 6 năm đã tăng gấp đôi ngân sách đối ngoại của nước này từ 30 tỷ lên 60 tỷ nhân dân tệ (8,5 tỷ USD) nhằm tăng cường hoạt động ngoại giao toàn cầu. Thế nhưng đất nước đông dân nhất thế giới và nền kinh tế thứ hai toàn cầu vẫn chiếm vị trí rất thấp trong bảng xếp hạng Soft Power 30 về chỉ số quyền lực mềm. Và đến nay, ngoại giao khẩu trang mà Trung Quốc đẩy mạnh trong đại dịch COVID-19 không những không cứu vãn tình thế mà còn làm cho thế giới càng mất thiện cảm với Trung Quốc.

Khi chiến tranh lạnh đã lùi xa, chiến tranh nóng chỉ còn tập trung ở vài điểm lẻ tẻ thì đó là thời của cạnh tranh bằng quyền lực mềm, một khái niệm chính trị học được cho là do nhà nghiên cứu chính trị Mỹ Joseph Nye nêu ra đầu tiên.

Khái niệm “quyền lực mềm” hay “sức mạnh mềm” (soft power) do Giáo sư Joseph Nye đưa ra từ năm 1990 đã được giới nghiên cứu chính trị chấp nhận là một thước đo để so sánh sức mạnh các quốc gia trên thế giới. Quyền lực cứng (hard power) bao gồm sức mạnh quân sự và kinh tế. Theo Joseph Nye, quyền lực mềm là sự quyến dụ và đồng chọn của một quốc gia, đối nghịch với sức mạnh hệ thống qua cưỡng đặt, chế tài bằng sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự của mình. Quyền lực mềm phụ thuộc và kết hợp cả ba yếu tố là văn hóa, chính trị và chính sách đối ngoại để thuyết phục và tạo thiện cảm, hợp tác từ các quốc gia khác.

Tổ chức “Soft Power 30” so sánh sức mạnh mềm của mỗi quốc gia tùy theo cách dân các nước khác nhìn họ thế nào. Thứ nhất, người ta do lường xem mọi người có thích và phục nước đó hay không. Ðặc biệt là ảnh hưởng trong các lĩnh vực như văn hóa, giải trí, thành tích thể thao, ngôn ngữ được nhiều người theo học, cách sống được mọi người ưa thích… Thứ hai, xem mọi người có kính trọng tư cách của người dân nước đó hay không. Một nước được kính trọng khi người dân nước đó được sống tự do và được luật pháp bảo vệ, dân nước đó có quyền quyết định cuộc sống xã hội và chính trị của mình, tôn trọng luật pháp và biết đối xử bình đẳng với dân nước láng giềng. Lĩnh vực thứ ba là đo lường quan hệ giữa nước đó với thế giới bên ngoài. Một nước được nhiều người đến du lịch, du học và giao hảo với các nước khác thì được điểm cao. Quyền lực mềm là khả năng thu hút người dân các nước khác, nhờ pha trộn đủ các yếu tố trong ba lĩnh vực trên. Người ta thường gọi quyền lực mềm là “sức hút”, còn quyền lực cứng là “sức đẩy”.

Nói cho cùng thì không quốc gia nào bỏ qua ý tưởng quảng bá hình ảnh của mình ra quốc tế, Hoa Kỳ thì quảng bá “lối sống tự do và hưởng thụ kiểu Mỹ”, Đức thì khiến cả thế giới mê tín với dòng xe Mercedes thượng hạng, Nhật Bản có một thời tự hào với thế hệ sản phẩm của hãng Sony lừng danh còn Trung Quốc đang bỏ sức người sức của khổng lồ với đại kế hoạch Vành đai – Con đường và chuỗi Viện Khổng Tử ở nước ngoài để thu hút các nước khác.

Khi hiểu quyền lực mềm do đâu mà có chúng ta hiểu tại sao quyền lực mềm của Trung Quốc rất thấp. Sau nhiều năm phát triển thần kỳ, dân Trung Quốc trở nên giàu có, nhiều người nay đã thành triệu phú, tỷ phú đôla khiến người ngoài ngưỡng mộ, nhưng không người nào ở bên ngoài muốn đổi cuộc sống của mình lấy cuộc sống của một người dân Trung Hoa. Chính quyền Trung Quốc tuyên truyền rằng họ không có tham vọng bá quyền, rằng họ muốn thân thiện với mọi nước, nhưng chẳng ai tin. Trung Quốc đã xây dựng nhiều đường sá, sân bay, khai thác hầm mỏ ở châu Phi; chính phủ nhiều nước ở đó thích nhờ Trung Quốc viện trợ vì Trung Quốc cam kết không bao giờ đặt điều kiện gì. Nhưng các sinh viên châu Phi vẫn muốn đi học ở các nước Âu Mỹ, các nhà điện ảnh muốn gửi phim đi dự thi ở Pháp, Mỹ hay Ðức.

Trong bảng xếp hạng “Soft Power 30”, Trung Quốc luôn ở cuối bảng mặc cho nước này tiêu tốn tiền của cho các chiến dịch tăng cường sức mạnh mềm như hệ thống Viện Khổng Tử trên toàn cầu hay Sáng kiến Vành đai Con đường đầy tham vọng.

Ảnh: Vị trí của Trung Quốc trên bảng xếp hạng Soft Power 30, năm 2017 và 2018 Trung Quốc nằm ở vị trí 25/30, đến năm 2019 tụt xuống hạng 27/30

Các chiến dịch xây dựng quyền lực mềm của Trung Quốc đều không có kết quả thành công như mong muốn. Được Trung Quốc đề xướng năm 2013, “Một vành đai, một con đường” đã bị chỉ trích vì cáo buộc thiếu kiểm soát tài chính, gây hại môi trường và chỉ có lợi cho Trung Quốc.

Năm 2018, khi Mahathir Mohamad quay lại làm thủ tướng Malaysia, ông tạm hoãn dự án làm đường sắt của Trung Quốc trị giá 20 tỷ USD, với lý do là chi phí quá cao. Tuy vậy, đầu tháng 4/2019, hai bên đồng ý tiếp tục dự án sau khi Trung Quốc nói sẽ cắt giảm một phần ba chi phí.

Tại Myanmar, chính phủ yêu cầu xem lại giá của cảng nước sâu Kyaukpyu mặc dù vẫn ủng hộ dự án.

Tuy là đồng minh của Trung Quốc nhưng Pakistan cũng đã tìm cách giảm bớt nợ nước ngoài vì khó khăn kinh tế. Năm ngoái, Chính phủ mới của Pakistan kêu gọi xem xét lại viên ngọc quý của Vành đai Con đường – Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), mà Trung Quốc cam kết tài trợ hơn 60 tỷ USD. Bộ trưởng Đường sắt Pakistan tháng 10/2018 nói sẽ giảm tiền vay Trung Quốc làm đường sắt, từ 8,2 tỉ USD xuống còn 6,2 tỉ USD.

Maldives, quốc đảo nhỏ bé ở Ấn Độ Dương, đã cố gắng đàm phán lại khoản nợ 3 tỷ USD – bằng hai phần ba tổng sản phẩm quốc nội – mà nước này đã vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án Vành đai Con đường.

Các ví dụ này cho thấy nhiều nước tham dự Sáng kiến Vành đai – Con đường của Trung Quốc ngày càng nhận ra rủi ro của bẫy nợ.

Một ví dụ điển hình là năm ngoái, công ty Trung Quốc đã trở thành cổ đông đa số của cảng Hambantota sau khi Sri Lanka không trả được nợ. Diễn tiến này tạo ra lo ngại Bắc Kinh có thể dùng cảng này cho mục đích quân sự sau này.

Còn hệ thống Viện Khổng Tử cũng chung một số phận khi gặp phải làn sóng tẩy chay gia tăng tại nhiều nước trên thế giới những năm qua.

Năm 2004, Trung Quốc thành lập các cơ quan thuộc chính phủ có nhiệm vụ “đáp ứng nhu cầu học tiếng Trung tăng cao trên toàn cầu“. Viện Khổng Tử ra đời.

Nhưng các cơ sở giáo dục này vấp phải làn sóng chỉ trích, đặc biệt là ở Mỹ, Canada… rằng đây chỉ là công cụ tuyên truyền cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nhiều nhà lập pháp Mỹ, bao gồm thượng nghị sĩ Marco Rubio, công khai bày tỏ quan ngại về sự hiện diện của hơn 100 Viện Khổng Tử trên khắp nước Mỹ. Họ gọi chúng là công cụ truyền bá ảnh hưởng Trung Quốc trong hệ thống giáo dục đại học quốc tế.

Một số trường đại học Mỹ, trong đó có Đại học Pennsylvania, Đại học Chicago… đã cắt quan hệ với Viện Khổng Tử sau khi các giáo sư của họ than phiền rằng chương trình của nó toàn là nội dung tuyên truyền, ẩn dưới lớp vỏ bọc dạy ngôn ngữ và văn hóa.

Ngày 30/6/2015, Đại học Stockholm (Thụy Điển) cũng chính thức đóng cửa Viện Khổng Tử sau khi tuyên bố không kéo dài Hiệp định hợp tác 10 năm ký giữa nhà trường với phía Trung Quốc hết hạn vào cuối năm 2014, đây là Viện Khổng Tử đầu tiên được mở ở châu Âu.

Trước đó, ngày 07/02/2013, các trường đại học nổi tiếng của Canada là McMaster University và University of Sherbrooke đã tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử trong khuôn viên các trường này từ mùa Hè cùng năm. Ngày 29/10/2014, Cục giáo dục công lập Toronto Canada (Toronto District School Board,TDSB) bỏ phiếu với đa số áp đảo (20/2) hủy bỏ kế hoạch hợp tác với Bộ giáo dục Trung Quốc về hoạt động của các Viện Khổng Tử, Khóa đường Khổng Tử.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Trung Quốc vẫn cố đấm ăn xôi khi hồi tháng 02/2019 công bố kế hoạch “tối ưu lại” hệ thống Viện Khổng Tử. Theo Hãng tin Reuters, trong một văn bản định hướng hiện đại hóa giáo dục do Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc công bố ngày 23/02/2019, giới lãnh đạo nước này tiếp tục khẳng định Viện Khổng Tử là “chính sách quan trọng” của chính phủ, nhưng hệ thống này cần sự điều chỉnh.

Ảnh: Cảng Hambantota mà Sri Lanka đã phải bàn giao cho Trung Quốc để giúp trả nợ nước ngoài

Ngay trước thời điểm siêu vi corona chủng mới tấn công Trung Quốc và sau đó là lây lan ra toàn cầu, Phòng nghiên cứu AidData thuộc Đại học William & Mary ở Virginia và Viện Chính sách Xã hội châu Á và Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở ở Washington công bố báo cáo hôm 10/12/2019 ghi nhận những thất bại của việc gia tăng sức mạnh mềm của Trung Quốc tại Nam và Trung Á.

Báo cáo nhận định các công cụ ngoại giao công chúng vẫn không đủ sức giúp Bắc Kinh thu về những lá phiếu ủng hộ trong các cuộc bỏ phiếu tại Liên Hợp Quốc.

Trên khắp Nam Á, “khả năng hòa nhập với người dân bình thường” của Bắc Kinh là “vô cùng hời hợt“, báo cáo nhấn mạnh.

Tại quốc gia láng giềng Kazakhstan, đã xuất hiện hiện tượng “kỳ thị Trung Quốc” “Sinophobia” trong giới tinh hoa. Giới lãnh đạo chính trị vẫn nương nhẹ với các tổ chức của người Duy Ngô Nhĩ ở Kazakhstan dù họ đã ký thỏa thuận với Trung Quốc nhằm giúp nước này ngăn chặn các phong trào ly khai, báo cáo cho hay.

Kazakhstan là nơi sinh sống của 75% người Duy Ngô Nhĩ trong khu vực. Theo báo cáo, “nếu Bắc Kinh muốn duy trì ổn định ở trong nước… họ có lẽ sẽ cần thuyết phục không chỉ giới tinh hoa chính trị mà cả công chúng Kazakhstan, vốn có khuynh hướng ủng hộ lợi ích cho những người anh em Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương“.

Mặt khác, nguy cơ rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc cũng đang là điều khiến không ít quốc gia châu Á lo âu.

Cho đến khi Bắc Kinh không kiểm soát nổi con virus corona chủng mới và để lây lan ra toàn cầu, Trung Quốc đã không chấp nhận số phận mà chớp lấy luôn thời cơ để gia tăng quyền lực mềm của mình vốn đã bị thất bại trầm trọng trước đại dịch.

Truyền thông và giới chuyên gia quốc tế đánh giá Trung Quốc đang cố gắng tăng cường quyền lực mềm giữa đại dịch COVID-19 thông qua việc hỗ trợ trang thiết bị y tế hay còn được gọi là ngoại giao khẩu trang.

Tác giả Đinh Yên Thảo viết: Trên các cơ quan truyền thông chủ lực của đảng tại Hoa Lục như Tân Hoa Xã, Nhân Dân Nhật Báo và Hoàn Cầu Thời Báo…, là nhan nhản các xã luận, bản tin đại loại như “Trung Quốc giúp đỡ thế giới chống trả COVID-19“, “Đoàn chuyên viên y tế đến Ý, Pakistan, Lào, Serbia, Trung Đông… giúp chống dịch”  hay “Các hãng, quân đội Trung Quốc đã giúp thế giới chống dịch bệnh“… Các báo này đưa tin về tỉ phú Jack Ma của hãng Alibaba đã giúp cho Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Hoa Kỳ, Châu Phi… hàng triệu khẩu trang và bộ thử nghiệm y tế. Rõ ràng Trung Quốc đang chứng tỏ với thế giới về lòng “hào hiệp” và “thiện chí” của mình để che lấp trách nhiệm để dịch bệnh lây lan cho cả thế giới như thế nào.

Các báo còn lồng nhiều trích dẫn đầy ngụ ý rằng, “hãy làm bạn với chúng tôi để được giúp đỡ“.  Trong một bài xã luận trên tờ Nhân Dân, bài báo dẫn lời bình từ “một độc giả người Ý” nào đó rằng, “Chỉ trong giai đoạn khó khăn mới biết ai là bạn thật sự. Chúng ta phải nhớ đến sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc và trân trọng tình hữu nghị này“.  Báo đảng dường như không thay đổi trong vài chục năm qua. Cũng những câu văn quen thuộc, đầy tính tuyên truyền với người dân trong nước và lặp lại với thế giới hiện nay. Nó không ngoài một mục đích tận dụng tối đa mọi cơ hội để vun đắp cho “quyền lực mềm” của mình.

Thế nhưng đó chỉ là lối tuyên truyền một phía từ phía truyền thông Trung Quốc dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản còn thực tế diễn ra bên ngoài Trung Quốc hoàn toàn không đẹp đẽ như những gì báo chí Trung Quốc ca ngợi.

Trong trường hợp cứu trợ Italy, mặc dù Bắc Kinh ồn ào ca ngợi động thái cứu trợ đó nhưng Lucrezia Poggetti – một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Lucrezia Poggetti của Đức cho rằng hàng của Trung Quốc chỉ đơn giản là được đem bán hoặc cung cấp theo dạng tặng để đáp lại Hội Chữ Thập Đỏ Italy đã giúp đỡ họ tương tự trước đó.

Trong khi đó, các gói viện trợ khẩu trang và bộ kit xét nghiệm Trung Quốc gửi tới Tây Ban Nha, Hà Lan, và Thổ Nhĩ Kỳ đã được thông báo là có lỗi về mặt chất lượng khiến các nước này phải thu hồi sản phẩm.

Josep Borrell, điều phối viên chính sách đối ngoại và an ninh hàng đầu của Liên minh châu Âu, lo ngại rằng Trung Quốc đang tranh thủ gửi đi thông điệp rằng mình là một đối tác có trách nhiệm và đáng tin cậy.

Ngay cả tại châu Phi, vốn rất được ngành ngoại giao Trung Quốc chú ý, Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị chỉ trích, nhất là tại Nigeria, vì người dân nước họ bị kỳ thị ở Trung Hoa đại lục.

Giáo sư Joseph Nye (Đại học Harvard, Mỹ – người được xem là “cha đẻ” của học thuyết Quyền lực mềm) đánh giá: “Trong đại dịch lần này, Trung Quốc thực hiện các chương trình viện trợ, can thiệp mang tính chính trị đối với một số kết quả thống kê nhằm cố gắng thay đổi các đánh giá về việc nước này đã phản ứng chống dịch chưa hiệu quả. Tuy nhiên, các phương thức xây dựng quyền lực mềm này đã không hiệu quả khi ở châu Âu và nhiều nơi thì vẫn nghi ngờ vào những gì Trung Quốc thực sự làm được. Đó là một ví dụ cho việc xây dựng quyền lực mềm – vốn dựa vào sự hấp dẫn, cách tuyên truyền tốt nhất là không tuyên truyền. Bên cạnh đó, khởi điểm vị thế quyền lực mềm của Bắc Kinh khá thấp”.

Tờ báo Le Monde (Lơ Mông-đ) của Pháp đã ghi nhận một dấu hiệu khác đáng lo ngại đối với Bắc Kinh là nhiều chuyên gia người Bắc Triều Tiên và châu Âu chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và đã dành một phần tuổi trẻ để học tiếng Trung, vì bị đất nước và nền văn hóa Trung Hoa mê hoặc, nay lại là những nhà phê bình Bắc Kinh mạnh nhất trên các mạng xã hội.

Thay cho lời kết, xin được mượn lời của Đại sứ Úc tại Bắc Kinh giai đoạn 2007-2011, Geoff Raby, khi tóm lược về sức mạnh mềm của Trung Quốc. Ông nói: « Trung Quốc không có quyền lực mềm », chính xác hơn là Bắc Kinh không thể khiến họ có được thiện cảm hơn. Mọi người có thể ngưỡng mộ sức mạnh kinh tế và công nghệ của Trung Quốc, nhưng lại không muốn theo lối sống ở Trung Quốc và nhất là không ai muốn sống ở quốc gia này.

Trung Kiên – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=qbfHVAFBszE
Mỹ: trình đạo luật “tiễu trừ” TQ
Kasse animation 7.8.2023