Cuộc đụng độ của Tư tưởng Tập Cận Bình với các giá trị phương Tây

https://www.youtube.com/watch?v=rjU3bTLrtsM

Trong đại dịch COVID-19 vừa qua, Bắc Kinh đã tranh thủ xuất khẩu mô hình kiểm soát dịch bệnh của họ trong nỗ lực trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu chống COVID-19. Ngày 16/04, Tập Cận Bình gọi ít nhất 36 cuộc điện thoại cho các nhà lãnh đạo khác trên thế giới để chuyển tải một thông điệp: nếu có một người chỉ huy toàn cầu trong đại dịch, thì đó chính là chủ tịch Trung Quốc. Cùng với đó, Bắc Kinh còn huy động một lực lượng hùng mạnh các nhà ngoại giao tại các cơ quan đại diện Trung Quốc ở nước ngoài truyền tải các thông điệp dân tộc chủ nghĩa, có lúc mang tính đe dọa, công kích nước sở tại. Và ‘thành quả’ của chính sách ngoại giao thời COVID-19 của Tập Cận Bình là: kể từ thời Mao Trạch Đông rồi Đặng Tiểu Bình đến nay, chưa bao giờ giữa Trung Quốc và phương Tây lại có khoảng cách xa vời vợi đến thế.

Khi tâm dịch viêm phổi Vũ Hán chuyển hướng từ Trung Quốc sang phương Tây khiến Mỹ trở thành quốc gia có nhiều người chết vì virus corona chủng mới nhất thế giới, còn châu Âu chiếm hai phần ba số trường hợp tử vong. Trung Quốc coi đây là cơ hội bằng vàng.

Tập Cận Bình và các thủ túc như « quốc sư » Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) tin rằng không nên bỏ qua dịp may lịch sử. Một nhà ngoại giao châu Âu ở Bắc Kinh nhận định : « Trung Quốc lợi dụng khủng hoảng để triển khai một chiến dịch truyền thông vô cùng hung hăng. »

Trong nước, mỗi ngày, chương trình thời sự của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV-1 luôn dành thời lượng cho hình ảnh những kiện hàng in dòng chữ « Viện trợ Trung Quốc cho một tương lai cùng chia sẻ » được đưa đến nhiều nước trên thế giới, khiến khán giả rất tự hào. Trên CCTV-2, có hẳn một chương trình mang tên « Cuộc chiến toàn cầu chống dịch bệnh », trong đó phần lớn nói về viện trợ y tế của Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, truyền thông Trung Quốc ngày ngày ra rả cáo buộc các nước phương Tây chểnh mảng trong việc áp dụng các biện pháp chống lây nhiễm.

Cao ủy EU về Đối ngoại và An ninh Josep Borrell cảnh báo có những âm mưu nhằm hạ thấp uy tín của EU, và trong một số trường hợp, người dân châu Âu bị kỳ thị như thể tất cả đều mang theo virus.

Khu phố sang trọng Triều Dương (Chaoyang), nơi có nhiều đại sứ quán phương Tây hồi giữa tháng 4 bị xếp là « khu vực nguy cơ cao nhất Trung Quốc ».

Khu vực được nhận diện “vùng nguy cơ cao” duy nhất trong số 2.857 quận, huyện trên cả nước trong vòng ba ngày cho đến ngày 18/4, theo ứng dụng theo dõi tình hình COVID-19 của Chính phủ Trung Quốc.

Hầu hết quận, huyện trên cả nước đã vào diện nguy cơ thấp, bao gồm cả tâm dịch ban đầu là Vũ Hán. Một số nơi có nguy cơ trung bình là các thành phố giáp với Nga, thuộc tỉnh Hắc Long Giang, và quận Bạch Vân, thành phố Quảng Châu, nơi có sân bay quốc tế.

Bắc Kinh đòi hỏi hàng ngày phải báo cáo thân nhiệt của từng nhân viên trong quận Triều Dương, nhưng nhiều sứ quán như Mỹ và châu Âu từ chối thực hiện việc này và viện dẫn bằng luật lao động.

Ảnh: Ông Vương Hỗ Ninh, người được coi là Kiến trúc sư của ‘‘tư tưởng Tập Cận Bình’’, trong buổi ra mắt Thường vụ Bộ Chính trị khóa 19

Không dừng lại ở đó, trong những ngày qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã có những tuyên bố công kích nhiều nước.

Sau khi Australia tuyên bố muốn điều tra nguồn gốc virus, truyền thông Trung Quốc gọi Australia là “miếng kẹo cao su dính dưới đế giày Trung Quốc”, và nói Australia đang mạo hiểm quan hệ thương mại với Trung Quốc, điểm đến của 1/3 hàng xuất khẩu Australia.

Các nhà ngoại giao Trung Quốc là một lực lượng không thế thiếu trong chiến dịch đối ngoại thời COVID-19 của Trung Quốc.

François Godement, Cố vấn cao cấp về châu Á cho Viện Montaigne (Mông-te-nhơ) ở Paris, nói với New York Times. “Giờ đây có hẳn một lứa nhà ngoại giao Trung Quốc đang thi nhau tỏ ra quyết liệt, thậm chí xúc phạm, đối với đất nước mà họ được cử sang làm việc.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hồi tháng 3 nêu ra cáo buộc nói virus đến từ Mỹ thay vì Trung Quốc, đã phát động một công cuộc tẩy trắng sự thật, viết lại lịch sử cho virus corona chủng mới.

Susan Shirk, học giả về Trung Quốc và là giám đốc Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 tại Đại học California, San Diego nhận định: Nếu người phát ngôn Trung Quốc đã nêu ra thuyết âm mưu như vậy, tín hiệu gửi tới các nhà ngoại giao Trung Quốc khắp thế giới là họ được phép công kích như những chiếc “loa phóng thanh”. Nhưng về lâu dài, giọng điệu của Trung Quốc đang gieo rắc sự nghi ngờ và gây tổn hại đến lợi ích của chính nước này. Cũng vì sự leo thang như vậy, mọi thương lượng đều trở nên khó hơn.

Ảnh: Đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye tại Australia

Các nhà ngoại giao Trung Quốc không từ thủ đoạn, sử dụng các liên hệ cá nhân để vận động các chính khách ở nước ngoài nhận xét công khai tích cực về việc kiểm soát virus của Trung Quốc.

Đồng thời, Trung Quốc đã lấy viện trợ y tế trong bối cảnh đại dịch gây nên sự khan hiếm thiết bị và dụng cụ y tế để ‘mặc cả’ thậm chí là ‘đe dọa’ các nước.

Ở Ba Lan, Đại sứ Mỹ tại Warsaw Georgette Mosbacher mô tả nỗ lực gây sức ép của Trung Quốc buộc Tổng thống Andrzej Duda gọi ông Tập Cận Bình để cảm ơn. Cuộc gọi đó được truyền thông nhà nước Trung Quốc tung hô.

Ba Lan sẽ không được viện trợ y tế trừ khi có cuộc gọi trên, để (Trung Quốc) có thể dùng” cho mục đích tuyên truyền, bà Mosbacher cho biết.

Trong một diễn biến khác, hôm 28/4, “Văn phòng Đầu tư và Thương mại Hà Lan” tại Đài Loan đã đổi tên thành “Văn phòng Hà Lan tại Đài Bắc.” Trưởng đại diện của văn phòng, ông Guy Wittich cho biết tên mới đơn giản hơn nhưng phản ánh sự mở rộng hợp tác giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực mới, do vậy các từ “thương mại và đầu tư” đã được bỏ đi.

Trước quyết định thay đổi tên của đại sứ quán trên thực tế của Hà Lan tại Đài Loan, Trung Quốc đe dọa sẽ tẩy chay hàng hoá và ngừng cung cấp vật tư y tế cho nước này.

Việc đe doạ đình chỉ nguồn cung y tế của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Hà Lan đang có hơn 39.000 can nhiễm và hơn 4.700 ca tử vong do Viêm phổi Vũ Hán.

Tuy nhiên, việc đe dọa này có vẻ sáo rỗng, bởi Hà Lan gần đây đã thu hồi 600.000 khẩu trang y tế không đạt chuẩn nhập từ Trung Quốc.

Chiến lược ngoại giao của Trung Quốc dưới triều đại của hoàng đế đỏ Tập Cận Bình đã đi ngược lại với đường lối đối ngoại trước đây của Trung Quốc.

Ngày 10/4/1974, Đặng Tiểu Bình, lúc đó là Phó thủ tướng Trung Quốc, phát biểu trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc một bài diễn văn nổi tiếng, khẳng định : « Trung Quốc không phải là siêu cường và sẽ không bao giờ tìm cách trở thành siêu cường

46 năm sau, dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình mọi việc đã hoàn toàn thay đổi.

Hoàn Cầu Thời Báo hôm 16/4 huênh hoang : « Thời kỳ Trung Quốc phải phục tùng đã qua rồi (…). Với vị trí đang lên trên thế giới, phía sau những gì mà các ‘chiến lang’ thể hiện, là tương quan lực lượng đang thay đổi giữa Trung Quốc và phương Tây. »

Nhà nghiên cứu độc lập Trần Đạo Ngân (Chen Daoyin) nhận định : « Chủ thuyết ngoại giao của Tập Cận Bình buộc phải chiến đấu, bất chấp việc này có ảnh hưởng đến hình ảnh Trung Quốc hay không. Ông Tập muốn lập ra một trật tự quốc tế dựa trên các giá trị Trung Hoa. Dù các nhà ngoại giao có tinh thần dân tộc chủ nghĩa hay ôn hòa, họ đều phải tuân phục Tập Cận Bình. Nếu có khác biệt, chỉ là sự phân vai mà thôi ».

Tuy vậy sự hiếu chiến này không được thống nhất ủng hộ trong chính nội bộ chính quyền Trung Quốc.

Một số nhà ngoại giao kinh nghiệm như Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã giữ một khoảng cách nhất định với thói ‘ngoại giao chiến lang’, cho rằng việc Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói rằng con virus do quân đội Mỹ mang vào Hoa lục là « có hại », « không giúp ích cho ai cả ».

Thi Trầm (Shi Zhan), Giám đốc Trung tâm Chính trị Thế giới thuộc Trường đại học Ngoại giao Bắc Kinh cảnh báo trong một cuộc hội thảo hồi tháng Tư : « Ngoại giao ‘chiến lang’ không thể kéo dài, và có nguy cơ khiến Trung Quốc bị cô lập ». Theo ông, « Phương Tây có thể đưa những kỹ nghệ thiết yếu cho an ninh quốc gia trở về nước, thiết lập một hệ thống sản xuất độc lập với Trung Quốc » ; trong khi đó Trung Quốc không thể sánh được về khía cạnh sáng tạo.

Trong một bài viết gần đây, Zi Zhongyun, 89 tuổi, chuyên gia kỳ cựu về Mỹ ở Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng chủ trương hiện này của Trung Quốc có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát. Bà nhận thấy sự tương đồng trong các phát ngôn chủ nghĩa dân tộc của chính sách “chiến lang” hiện nay với nỗ lực chống lại ảnh hưởng phương Tây thời Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn.

Nghĩa Hòa Đoàn là phong trào bạo lực tại Trung Quốc từ tháng 11/1899 đến tháng 9/1901 do tổ chức Nghĩa Hòa Đoàn dẫn đầu, chống lại sự ảnh hưởng của nước ngoài trong các lĩnh vực thương mại, chính trị, văn hóa, công nghệ và bài Kitô giáo. Phong trào diễn ra trong bối cảnh cuối thế kỷ 19 đầu 20, Trung Quốc mở cửa cho các thế lực nước ngoài nên các nhà ngoại giao, thương nhân và truyền giáo từ châu Âu, Mỹ và Nhật đổ về nước này, mang theo nhiều kỹ nghệ mới nhưng cũng khiến gia tăng căng thẳng trong xã hội.

Sau khi nhiều nhà truyền giáo và tín đồ Kitô giáo bị Nghĩa Hòa Đoàn hành quyết, liên quân 8 nước gồm Nhật, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Italy, Áo-Hung điều lực lượng đến Trung Quốc, đánh bại quân nhà Thanh, buộc Trung Quốc phải bồi thường 450 triệu lạng bạc.

Trên mặt trận đối ngoại, ngoại giao chiến lang cũng mang lại thất bại ‘giòn giã’.

Từ Canberra đến Washington, Bruxelles, Paris, tất cả đều yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Trung Quốc trong việc để virus corona lây lan khắp nơi.

Một số người còn nghĩ đến khả năng có biện pháp trừng phạt toàn cầu chống lại Bắc Kinh, thậm chí là một cuộc đối đầu quân sự giữa Bắc Kinh với Washington.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tuy không theo chân Mỹ, Anh đòi Trung Quốc phải trả giá, nhưng vẫn nhấn mạnh là Bắc Kinh cần minh bạch về nguồn gốc của con virus độc hại.

Châu Âu, thường rất thận trọng, đã thắt chặt các điều kiện áp đặt cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Ngay cả trên mặt trận ngoại gia nhân dân, Bắc Kinh cũng đã đánh mất sự thiện cảm vốn ít ỏi của thế giới giành cho nước này. Hôm 02/4 trên The Diplomat, 100 giảng viên đại học Trung Quốc đăng bài diễn đàn kêu gọi « nhân dân Mỹ » hợp tác với Trung Quốc chống dịch thay vì chỉ trích. Sau đó 112 nhà nghiên cứu, trí thức và chính khách phương Tây đáp lễ bằng một lá thư ngỏ mang tựa đề « Sự thống trị bằng sợ hãi của đảng cộng sản gây nguy hiểm cho công dân Trung Quốc và thế giới ».

Theo nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, Bắc Kinh tung ra « chiến tranh dư luận » nhằm « chiến thắng các thế lực thù địch », nhưng do tuyên truyền quá trớn một cách thô bạo nên đã gây phản tác dụng.

Ngay cả Iran, đất nước bạn bè và lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc về thương mại, phát ngôn viên bộ Y Tế nước này cho rằng con số nạn nhân mà Bắc Kinh loan báo là một « trò đùa cay đắng ».

Binh pháp Tôn Tử có câu ‘Tiên hạ thủ vi cường, hậu thủ vi tai ương’ có nghĩa là nếu có thể ra tay trước thì sẽ chiếm thế mạnh, nếu ra tay sau đối thủ thì sẽ gặp tai họa.

Ông François Godement (Ph-răng-xoa Gô-đơ-măng), chuyên gia châu Á thuộc Viện Montaigne (Mông-te-nhơ), Pháp nhận định: « Nếu các nhà ngoại giao Trung Quốc ‘tiên hạ thủ vi cường’, đấy là vì họ có điều gì đó muốn giấu. Họ muốn tránh trả lời một số vấn đề, nhất là liên quan đến con virus từ Vũ Hán. Cách tự vệ tốt nhất là tấn công ».

Đòn binh pháp ‘Tiên hạ thủ vi cường’ của Tôn Tử sau hơn 2.500 năm vẫn còn nguyên giá trị trong một số lĩnh vực như quân sự hay kinh doanh nhưng khi được Tập Cận Bình áp dụng thì đã không thể phát huy tác dụng để phục vụ một âm mưu che giấu tội ác của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Khoảng cách giữa một Trung Quốc với tư tưởng Tập Cận Bình đang ngày càng bị nới rộng với thế giới phương Tây với những giá trị tự do, dân chủ và pháp quyền phổ quát.

Chủ nghĩa bành trướng bá quyền của TQ trên Biển Đông, khi họ đơn phương ra tuyên bố thôn tính toàn bộ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là minh chứng rõ nhất về sự hung hăng của ông CT Tập Cận Bình và những kẻ cầm quyền ở Bắc Kinh.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=CKNcdCuNo24
Ngoại giao TQ “trơ mặt”
Kasse animation 7.8.2023