Khủng hoảng Corona: “Bảo vệ sinh mạng không phải là trên hết”, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức cảnh báo

Ông Schäuble cảnh báo rằng sự chịu đựng của người dân có thể sớm tới ngưỡng. “Chúng ta không được để cho các nhà virus học quyết định một mình, mà chúng ta cũng phải cân nhắc các tác động to lớn về kinh tế, xã hội, tâm lý và các tác động khác. Hai năm trời cô lập tất cả mọi thứ sẽ có những hậu quả khủng khiếp“, ông Schäuble nói.

***

Trước những hạn chế nhiều quyền cơ bản của người dân trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh Corona, Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Wolfgang Schäuble đã cảnh báo về việc bắt tất cả mọi thứ phải lệ thuộc vào việc bảo vệ sinh mạng . “Nếu tôi nghe rằng tất cả mọi thứ khác phải lùi lại đằng sau việc bảo vệ sinh mạng, thì tôi phải nói: Điều này không đúng theo nghĩa tuyệt đối“, chính trị gia đảng CDU nói trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo “Tagesspiegel” hôm nay 26/4.

 “Nếu có một giá trị tuyệt đối trong hiến pháp của chúng ta, thì đó là phẩm giá con người. Nó là bất khả xâm phạm. Nhưng nó cũng không loại trừ rằng chúng ta sẽ phải chết“, ông Schäuble nói”. Nhà nước phải đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho mọi người dân. Nhưng con người cũng sẽ tiếp tục chết vì Corona“, ông nói.

Với tất cả những gánh nặng về sức khỏe từ trước và lớn tuổi, tôi thuộc nhóm người có nguy cơ cao”, ông Schäuble ý muốn nói rằng không phải là ông không quý trọng sinh mạng con người vì chính ông hiện 77 tuổi và từ lâu đã bị liệt nửa người phải đi xe lăn, rất dễ nhiễm virus và chết. “Nhưng tôi hạn chế được nỗi sợ hãi. Tất cả chúng ta đều sẽ chết. Và tôi nghĩ rằng những người trẻ tuổi thật sự có rủi ro cho tương lai lớn hơn tôi rất nhiều, vì cuộc đời tôi sắp chấm dứt trong khi tương lai của họ còn dài“.

Chủ tịch Quốc hội Liên bang Đức Wolfgang Schäuble (77 tuổi, bị liệt nửa người, phải ngồi xe lăn)

Ông Schäuble cảnh báo rằng sự chịu đựng của người dân có thể sớm tới ngưỡng. “Càng kéo dài sự cô lập xã hội nó càng trở nên khó khăn hơn“. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn đã đúng khi nói rằng mọi người vẫn còn nhiều điều phải học hỏi lẫn nhau. “Tất cả chúng ta đều không biết hậu quả của hành động của mình ra sao, nhưng các nhà chính trị vẫn phải hành động“, ông Schäuble nói.

Sau khi nới lỏng, con đường quay lại các biện pháp nghiêm ngặt cũ khó khăn hơn nhiều con đường trước đây đưa nó vào thực hiện. “Người ta phải cẩn thận từng bước một và sẵn sàng học hỏi. Một số người nói rằng nếu có quá nhiều ca nhiễm thì phải rút lại sự nới lỏng“. Nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều để rút lại.

Chúng ta không được để cho các nhà virus học quyết định một mình, mà chúng ta cũng phải cân nhắc các tác động to lớn về kinh tế, xã hội, tâm lý và các tác động khác. Hai năm trời cô lập tất cả mọi thứ sẽ có những hậu quả khủng khiếp“.

Ngoài ra về đại dịch corona hiện nay, cựu Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức cảnh báo rằng khả năng hành động của nhà nước bị quá tải và mức nợ mới của nhà nước là quá cao do các gói tài trợ Corona cho nền kinh tế.

Hiện nay có một cảm giác phổ biến rằng “chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề khó khăn với ngân sách nhà nước không bị giới hạn và sau đó chúng ta có thể đưa nền kinh tế tiến triển trở lại bằng một chương trình kích thích kinh tế“, ông nói. “Nhưng trong dài hạn nhà nước không thể trợ giúp bù doanh thu mãi được“.

***

Ông Jonathan Sumption, cựu chánh án tòa án tối cao Anh, cũng nêu quan điểm tương tự như trên về việc chống dịch virus corona. Ông viết:

Sợ là nguy hiểm. Sợ là kẻ thù của lý trí. Sợ làm mất đi sự cân bằng và xét đoán. Và sợ hay lây lan. Ngày trước Roosevelt nghĩ chính quyền làm quá ít. Nhưng ngày nay sợ dễ khiến các chính quyền lại làm quá nhiều, khi các nhà chính trị dân chủ chạy trốn trước sự hoảng hốt của dân chúng.

Phải chăng virus corona là trường hợp mới nhất và gây tổn thất nhất?

Dịch bệnh không mới. Dịch hạch, dịch đậu mùa, dịch tả, dịch thương hàn, dịch viêm màng não, dịch cúm Tây Ban Nha đều làm cho rất nhiều người chết vào thời dịch xảy ra. Thế hệ ngày xưa có lẽ không hiểu nổi sự sợ hãi quá mức hiện nay về Covid-19 mà các triệu chứng đều là nhẹ và tỷ lệ tử vong ca bệnh thấp hơn bất kỳ các bệnh dịch nào kể trên.

Điều gì đã thay đổi? Một lý do là chúng ta càng ngày càng trở nên không muốn chấp nhận rủi ro. Chúng ta không còn chấp nhận số phận sẽ lặp lại nữa. Chúng ta cho sự bình an là tất nhiên. Chúng ta không chịu đựng được những bi kịch có thể tránh được. Sợ khiến ta không nghĩ đến những bất lợi sau này của những biện pháp mà cần thiết để tránh chúng, những biện pháp có thể khiến ta rơi vào những bất hạnh loại khác, thậm chí còn lớn hơn nhiều.

Chúng ta cũng có nỗi khiếp sợ vô lý về cái chết. Ngày nay chết là điều gì đấy thật ghê tởm, chết tuy tất yếu nhưng sao vẫn dường như không thật. Trong đời mình, tổ tiên ta đã sống với cái chết, một sự thật luôn luôn hiện hữu mà họ hiểu và chấp nhận. Họ trải nghiệm cái chết của bạn bè và gia đình, trẻ lẫn già, thường ở trong nhà. Ngày nay, chết ẩn khuất trong bệnh viện và nhà dưỡng lão: vì không thấy nên không tưởng đến, không thể nhắc đến cho đến lúc cái chết bất ngờ ập đến.

Chúng ta cũng biết rất ít về Covid-19. Chúng ta không biết về tỷ lệ tử vong ca bệnh thật sự vì nhiều sự mơ hồ về tổng số người bị nhiễm. Chúng ta không biết trong số những người đã chết có bao nhiêu người có thể đã chết – có lẽ hơi lâu chết hơn – vì các bệnh kinh niên khác.

Điều hiển nhiên là Covid-19 không phải là Đại Dịch hạch (Black Death). Nó nguy hiểm cho những ai đang có bệnh nặng sẵn, đặc biệt là những người lớn tuổi. Còn với những người khác, các triệu chứng đều nhẹ trong đại đa số các ca bệnh.

Thủ tướng, bộ trưởng y tế và Thái tử Anh – tất cả họ đều đã nhiễm virus và hiện nay đều bình an – là những trường hợp bình thường. Những cái chết gây xôn xao dư luận nhưng cực kỳ hiếm xảy ra của những người trẻ khỏe mạnh là bi kịch nhưng những cái chết này chỉ là ngoại lệ.

Tuy nhiên, với sự ủng hộ của dân chúng các chính quyền đã áp dụng những biện pháp mù quáng và quá đáng nhất.

Chúng ta đã bắt hầu hết dân chúng, trẻ hay già, dễ nhiễm hay lành mạnh, đều phải quản thúc tại gia trong thời hạn vô định.

Chúng ta bắt đầu xóa bỏ giao tiếp xã hội giữa người với người bằng những cách gây ra bao đau khổ không thể nào tưởng tượng nổi.

Chúng ta đã trao cho cảnh sát quyền lực mà, cho dù họ tôn trọng giới hạn quyền lực ấy chăng nữa, thì cũng sẽ tạo ra cuộc sống hà khắc điển hình hoàn toàn ngược lại với truyền thống của chúng ta.

Chúng ta đã dùng đến luật pháp, mà cần phải định nghĩa cho chính xác, và không theo cách nghĩ thông thường, mà cần phải suy xét.

Những điều này là sự can thiệp vào cuộc sống chúng ta và sự độc lập cá nhân chúng ta mà không thể nào chấp nhận được trong xã hội tự do. Nói rằng những điều này là cần thiết cho mục đích xã hội lớn lao hơn, cho dù những mục đich này có thể cao quý chăng nữa, là nói rằng đối xử với con người như vật thể, như chỉ là công cụ của chính sách.

Và điều ấy diễn ra thậm chí trước khi chúng ta bị ảnh hưởng kinh tế. Chúng ta đã làm cho hàng trăm ngàn người mất việc để rồi họ phải sống nhờ vào tiền trợ cấp xã hội.

Cuộc nghiên cứu gần đây chứng tỏ rằng chúng ta đang đẩy một phần năm các doanh nghiệp nhỏ lâm vào cảnh phá sản, trong đó nhiều doanh nghiệp đã phải mất cả một đời lao động trung thực mới tạo dựng nên. Theo dự đoán tỷ lệ ấy sẽ tăng lên đến một phần ba sau ba tháng cách ly xã hội.

Chúng ta đang làm cho những thế hệ mai sau phải gánh lấy bao nợ nần công và tư chồng chất. Nợ nần này cũng gây chết người. Nếu tất cả điều này là cái giá để cứu mạng người thì chúng ta phải hỏi có đáng phải trả giá ấy không.

Sự thật là trong chính sách công không có những giá trị tuyệt đối, lại càng không có chuyện bảo vệ sinh mạng. Chỉ có những thuận lợi hay bất lợi. Chẳng phải chúng ta cho phép sử dụng ô tô, thuộc loại vũ khí giết người nhiều người nhất mà con người từng chế tạo, mặc dù chúng ta biết chắc chắn rằng hàng năm ô tô sẽ giết chết hay gây tàn phế cho hàng ngàn người hay sao? Chúng ta cho phép dùng ô tô vì chúng ta xét thấy rằng đây là cái giá xứng đáng phải trả để đi lại khắp nơi được mau chóng và thoải mái. Mỗi một người chúng ta lái ô tô là đã ngầm mặc cả với quỷ.

Một sự cân nhắc tương tự về virus Corona may ra có thể biện minh cho việc cách ly xã hội và đóng cửa doanh nghiệp trong thời hạn rất ngắn, nếu biện pháp ấy giúp cho khả năng cấp cứu của NHS (Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh) theo kịp. Những biện pháp cách ly xã hội cứng rắn thậm chí cũng có thể được chấp nhận nếu như chỉ áp dụng cho những nhóm dễ bị nhiễm.

Nhưng ngay khi các nhà khoa học bắt đầu nói về một tháng hay thậm chí ba hay sáu tháng, chúng ta đang bước vào lĩnh vực hoang tưởng nguy hiểm nơi cách chữa này đã bắt đầu trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội chúng ta. Cách ly xã hội tốt lắm cũng chỉ là một cách câu giờ. Virus sẽ không đơn thuần biến mất. Cuối cùng, chúng ta sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này khi chúng ta đạt được sự miễn dịch tập thể (hay “cộng đồng”). Đó là cách dịch tự diệt.

Nếu không có vắc xin, miễn dịch tập thể này sẽ xuất hiện, nhưng chỉ khi một tỷ lệ đủ lớn dân chúng đã nhiễm bệnh.

Tôi không phải là nhà khoa học. Đa phần các bạn cũng không phải là các nhà khoa học. Nhưng chúng ta đều có thể đọc tài liệu khoa học, tuy rất rõ ràng nhưng cũng có những hạn chế hiển nhiên. Các nhà khoa học có thể giúp chúng ta đánh giá hậu quả lâm sàng của những cách khác nhau nhằm ngăn chặn virus. Nhưng họ cũng không tài giỏi hơn gì ta để nói liệu những cách ấy có đáng làm cho xã hội đảo lộn và gây ra những tổn hại nghiêm trọng lâu dài chăng. Tất cả chúng ta có trách nhiệm duy trì khả năng phán xét thiệt hơn, đặc biệt khi rất nhiều người đang đánh mất khả năng ấy ở họ.

(Theo bản dịch của Trần Quốc Việt trên Báo Tiếng Dân)

Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hơp)

Nguồn: https://www.deutschlandfunk.de/covid-19-schaeuble-in-coronavirus-krise-nicht-alles-dem.1939.de.html?drn:news_id=1124554

https://www.tagesspiegel.de/politik/bundestagspraesident-zur-corona-krise-schaeuble-will-dem-schutz-des-lebens-nicht-alles-unterordnen/25770466.html

https://www.thetimes.co.uk/article/coronavirus-lockdown-we-are-so-afraid-of-death-no-one-even-asks-whether-this-cure-is-actually-worse-3t97k66vj

https://www.facebook.com/thoibao.de/posts/1316205135244577:0?hc_location=ufi
Kasse animation 7.8.2023