Trung Quốc „gieo gió gặt bão“ – Các nước „quay lưng“

https://www.youtube.com/watch?v=tSmGYLiHhnM

Không cần phải đợi đến khi Trung Quốc chính thức kiểm soát được đại dịch COVID-19 thì nước này đã nhận được những ‘trái đắng’ từ việc để dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu và từ cả chính sách ngoại giao tuyên truyền hung hăng “cả vú lấp miệng em” của Bắc Kinh. Trong nước thì tăng trưởng kinh tế sụt giảm chưa từng thấy, làn sóng thất nghiệp bùng nổ, tiêu thụ nội địa giảm sút, ổn định xã hội bị đe dọa, đầu tư nước ngoài lần lượt rút lui khỏi Hoa lục. Bên ngoài thì từ Đài Loan đến châu Phi, qua châu Âu, châu Mỹ, trào lưu ‘bài Trung Quốc’ trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Trong vỏn vẹn ba tháng đầu năm 2020, một cú sốc mang tên viêm phổi Vũ Hán đã cuốn trôi gần 7 điểm tăng trưởng của Trung Quốc. Đây là mức tuột đốc tệ hại nhất kể từ khi Cách mạng Văn hóa kết thúc năm 1976.

Ngày 20/01/2020 Bắc Kinh chính thức nhìn nhận phải đương đầu với một loại virus corona chủng mới, các nhà máy tại công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới này lần lượt phải đóng cửa. Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc và cả những tỉnh chung quanh, thậm chí là cả thủ đô Bắc Kinh hay lá phổi tài chính Thượng Hải ngừng hoạt động. Dân chúng ở yên trong nhà, lặng lẽ nhìn mùa Tết Nguyên đán trôi qua. Các kế hoạch mua sắm, du lịch, sinh hoạt văn hóa sôi động đón xuân mới đều bị hủy bỏ. Cả hai vế sản xuất và tiêu thụ bị đóng băng. Các chuyến bay quốc tế đến hay xuất phát từ Trung Quốc thưa dần để rồi giảm xuống đến mức tối thiểu.

Tất cả chỉ mới bắt đầu từng bước được khởi động lại trong những ngày đầu tháng 3/2020. Vũ Hán, ổ dịch Covid-19, vừa dỡ bỏ lệnh phong tỏa ngày 08/04/2020 sau hai tháng rưỡi bị « bế quan tỏa cảng ».

GDP trong ba tháng đầu năm sụt giảm 6,8 % được ví như bước đại nhảy lùi của tổng sản phẩm nội địa. Chuyên gia Pháp Jean-François Dufour, Giám đốc cơ quan tư vấn DCA Chine Analyse thận trọng cho rằng đây mới chỉ là « khúc dạo đầu » trong số những đòn COVID-19 tấn vào Bắc Kinh.

Ông phân tích: Nếu như chúng ta dừng lại ở con số này thì chưa bao giờ tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc lại « rơi mạnh » đến như vậy mà đó chỉ mới là kết của quý 1 : âm 6,8 %. Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên trên thế giới thấm đòn virus corona, là quốc gia đầu tiên đã phải áp dụng biện phát triệt để, cách ly toàn bộ cả một tỉnh với trên 60 triệu dân cư. Nhưng quan trọng hơn nữa là trong giai đoạn phong tỏa đó khu vực sản xuất không chỉ của Vũ Hán mà của cả Trung Quốc đã bị đóng băng. Nhưng đó mới chỉ là giai đoạn một, tức là khi guồng máy sản xuất của Trung Quốc bị tê liệt trong nhiều tuần lễ.

Vấn đề đặt ra cho Trung Quốc giờ đây là giai đoạn hai tức là một khi không ít thì nhiều, kinh tế Trung Quốc được khởi động lại, các nhà máy hoạt động trở lại nhưng hàng sản xuất không có người mua trong lúc COVID-19 đang tấn công phần còn lại của thế giới và đến lượt quốc tế bị virus corona làm tê liệt.

Ảnh: Các công nhân xây dựng tại Trung Quốc quay trở lại làm việc sau khi phải ngừng tạm thời vì covid – 19

Trung Quốc mở cửa lại các nhà máy vào lúc đến lượt châu Âu và châu Mỹ rồi cả châu Phi chìm vào vòng xoáy của khủng hoảng y tế. Cả nước Ý, rồi Pháp và cả Anh Quốc hay Hoa Kỳ rơi vào tình trạng phong tỏa trong nhiều tuần lễ. Theo chuyên gia Dufour, đây mới là điều khiến giới lãnh đạo Bắc Kinh đau đầu.

Ông nói : Cú sốc tấn mạnh vào nhu cầu tiêu thụ này đối với Trung Quốc thể hiện dưới hai góc độ  : một là tác động trực tiếp vào ngành xuất khẩu. Cho dù nhân công có trở lại nhà máy như những gì chúng ta đang trông thấy hiện nay và hãy tạm gác sang một bên hiểm họa Trung Quốc lại bị một đợt lây nhiễm thứ nhì, nhưng hàng của Trung Quốc sản xuất ra không ai mua. Đó là điều khiến Bắc Kinh  rất lo ngại. Vấn đề thứ hai là làm thế nào khắc phục được đợt sóng thứ nhì này. 

Làn sóng thứ hai như ông Dufour vừa nói, nguy hiểm ở chỗ đe dọa đến hứa hẹn của chính quyền đưa hàng triệu người dân Trung Quốc thoát khỏi cảnh bần cùng như chính ông Tập Cận Bình từng cam kết. Cũng cầm chắc là với tỷ lệ tăng trưởng cho cả năm được IMF dự phóng là ở mức 1,2 % Bắc Kinh khó đạt được mục tiêu « đến cuối 2020 nhân lên gấp đôi GDP của Trung Quốc so với thời điểm 2010 » như đảng Cộng Sản nước này từng rầm rộ tuyên bố tại Đại Hội Đảng năm 2012.

Thống kê chính thức của Bắc Kinh cho thấy trong hai tháng đầu năm nay virus corona hủy hoại 3 triệu việc làm tại nước đông dân nhất địa cầu. Nhưng đây mới chỉ là thông tin một phía từ chính quyền Trung Quốc, con số thực tế có lẽ phải gấp nhiều lần con số mà Bắc Kinh đưa ra.

Ngoài những ẩn số là tiêu thụ nội địa, xuất khẩu, thất nghiệp dẫn đến bất ổn trong xã hội, Bắc Kinh đang bị mất sức hấp dẫn nặng nề với các nhà đầu tư nước ngoài do hậu quả từ chiến tranh thương mại với Mỹ và giá nhân công nước này có chiếu hướng tăng cao. Đại dịch COVID-19 lại càng làm trầm trọng thêm vấn đề này.

Ba năm trước virus corona, Donald Trump khi đắc cử tổng thống Hoa Kỳ đã dứt khoát giảm mức độ lệ thuộc vào bạn hàng Trung Quốc.

Liên Âu cũng đã đòi Bắc Kinh cân bằng lại quan hệ song phương và một số thành viên châu Âu đã bắt đầu gắn liền vế chiến lược  và thương mại trong quan hệ phức tạp với đối tác thương mại châu Á này.

Đại dịch COVID-19 lại càng củng cố thêm lập trường đó. Gần đây nhất là Nhật Bản : không ồn ào như Donald Trump, nhưng thủ tướng Shinzo Abe từ tháng 03/2020 đã liên tục « khuyến khích các doanh nhân Nhật suy nghĩ về kế hoạch bố trí lại các khoản đầu tư ra nước ngoài, mà điểm đến có thể là các nước trong vùng Đông Nam Á ».

Tập đoàn xe hơi Hyundai của Hàn Quốc có hẳn kế hoạch « chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc sang Ấn Độ ».

Giáo sư Stéphane Corcuff của Trường Khoa học Chính trị Lyon cho rằng COVID-19 là cơ hội để phương Tây xét lại chuỗi cung ứng và dây chuyền sản xuất toàn cầu, tái tạo lại một trật tự thương mại thế giới mà trong đó Trung Quốc không còn là « cái rốn » của mạng lưới mậu dịch trên thế giới.

Về ngoại giao, chiến dịch tán dương tính hiệu quả của « mô hình Trung Quốc » trong chống dịch bằng cách nhấn vào nỗi đau của các nước phương Tây đang ngập chìm trong COVID-19 đã thất bại nghiêm trọng khi phải nhận lại sự phản đối từ một loạt các nước.

Ngoại trưởng Pháp cho triệu mời đại sứ tại Paris để phản đối về những phát ngôn, nhận xét không đúng mực về cách xử lý dịch của Pháp. Đồng nhiệm Kazakhstan cũng lên tiếng cảnh cáo Bắc Kinh về thái độ ngạo mạn tương tự. Hàng loạt nước châu Phi cũng lên án Trung Quốc « kỳ thị chủng tộc » đối với kiều dân của họ ở Quảng Đông dưới cớ kiểm soát dịch COVID-19…

Thái độ kẻ cả tự cho mình phản ứng nhanh, quản lý giỏi, không che giấu thông tin, đã ‘gậy ông đập lưng ông’, làm cho thế giới càng nghi ngờ về sự minh bạch và độ tin cậy của các số liệu và thông tin mà Trung Quốc chia sẻ.

Theo chuyên gia Mathieu Duchâtel của Viện nghiên cứu Montaigne, chỉ cần nhìn qua một vài dấu hiệu là có thể thấy rõ thống kê không chính xác: Chính quyền Vũ Hán trì hoãn báo cáo dịch: từ lúc nhìn nhận có ca đầu tiên cho đến lúc ban hành lệnh cách ly phải mất 46 ngày. Thứ hai là quân đội, lên tuyến đầu chống dịch, mà không có một người lính nào bị lây. Thứ ba là theo nhiều nhân chứng, người dân Vũ Hán không tin vào số liệu chính thức.

Nếu so sánh các đường biểu diễn số liệu thống kê nạn nhân tử vong và bệnh nhân bị lây nhiễm tại Trung Quốc với biểu đồ ở các nước Tây phương thì rõ ràng thống kê của Trung Quốc bất bình thường. Dân Vũ Hán là những người đầu tiên không tin vào chính quyền của mình thì nói chi Mỹ, Anh, Pháp. Tất cả đều nghi ngờ Trung Quốc thiếu minh bạch trong việc đối phó với siêu vi corona, ít nhất là trong những tuần lễ đầu.

Ngay cả ở cửa ngõ phía Nam của mình là Đông Nam Á, Trung Quốc cũng đã đánh mất sự ảnh hưởng mà nước này mất bao nhiêu năm để gây dựng. Sebastian Strangio, một chuyên gia thuộc Đại học Báo chí Yale, Hoa Kỳ, nhận xét: « Dịch bệnh làm bùng phát tâm lý bài Trung Quốc đã tiềm ẩn trong dân chúng ASEAN ».

Một cuộc chiến trên mạng xã hội ở Đông Nam Á, được khởi phát từ sau khi các cư dân mạng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc ồ ạt « ném đá » vào một ngôi sao người mẫu Thái, cô Weeraya Sukaram, vì đã tung lên mạng xã hội giả thuyết cho rằng virus corona có xuất xứ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Ngay lập tức, từ Bangkok đến Đài Loan qua Hồng Kông, giới trẻ ủng hộ dân chủ liên kết với nhau qua mạng xã hội lao vào « ứng cứu » cô người mẫu Thái nổi tiếng đang bị người Trung Quốc tấn công.

Họ lập thành một mặt trận lấy tên gọi « Liên minh trà sữa », lấy cảm hứng từ thức uống đang rất thịnh hành trong giới trẻ đô thị châu Á. « Liên minh trà sữa » chủ trương chống Trung Quốc quyết liệt và lôi cuốn rất đông giới trẻ Thái Lan cũng như các nước khác trong vùng hưởng ứng.

Le Figaro nhận định « thái độ dè chừng của giới trẻ Thái là dấu hiệu cho thấy giới hạn của « quyền lực mềm » Trung Hoa đối với các nước láng giềng Đông Nam Á, khu vực chiến lược trong « Con đường tơ lụa mới » của Tập Cận Bình » và cũng là một mắt xích trong cuộc chiến giành ảnh hưởng với nước Mỹ của tổng thống Donald Trump.

Báo Financial Times nhận định chính sách “ngoại giao corona” của Trung Quốc đã phản tác dụng, mang lại nhiều đối thủ hơn bạn bè cho Trung Quốc.

Ảnh: Chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ Roger Roth từ tiểu bang Wisconsin, người nhận được email ‘nhờ vả’ từ cơ quan đại diện Bắc Kinh

Khi thượng nghị sĩ Roger Roth, chủ tịch thượng viện Cơ quan Lập pháp bang Wisconsin (Mỹ), nhận được 2 email từ chính phủ Trung Quốc “nhờ vả” ông bảo trợ một nghị quyết ca ngợi phản ứng của Bắc Kinh trước dịch COVID-19, ông cứ nghĩ đó là trò lừa của tay nào đó.

Tác giả email còn cẩn thận đính kèm một bản dự thảo nghị quyết được viết sẵn, trong đó đầy những luận điểm và tuyên bố của nhà cầm quyền Trung Quốc để ông Roth đưa ra biểu quyết.

Thượng nghị sĩ Roth kể với báo Financial Times: “Tôi chưa từng nghe nói có chính phủ nước ngoài nào tiếp cận một cơ quan lập pháp nhờ họ thông qua một nghị quyết. Tôi nghĩ lá thư không thể là thật.”

Nhưng sau đó ông Roth phát hiện email đó quả thật được gửi từ Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Chicago. Vì vậy, ông đã phản hồi email của Lãnh sự quán Trung Quốc chỉ bằng một từ: “Nuts” (“Đồ dở hơi”).

 “Sau đó, tôi đã ký tên và gửi đi”, ông nói. Viên chức lãnh sự quán đã trả lời lại bằng biểu tượng “sốc”. Ông Roth đã không tiếp tục hồi đáp.

Ngày 26/3/2020, chủ tịch Thượng viện Hoa Kỳ Roger Roth từ tiểu bang Wisconsin đã đưa ra một nghị quyết lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã cố tình dối lừa thế giới về sự bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán, khiến “dịch bệnh lây lan toàn cầu tạo thành đại dịch, một điều đã từ bao đời nay chưa xảy ra”, nghị quyết viết.

Ông Roth nói với The Epoch Times rằng nghị quyết này là để đáp trả hành động của lãnh sự quán Trung Quốc.

Nhà báo Jamil Anderlini của Financial Times nhận xét câu chuyện trên có lẽ là tập mới nhất của chiến dịch tô vẽ hình ảnh toàn cầu Bắc Kinh đang đẩy mạnh giữa đại dịch COVID-19.

Thành công bao nhiêu chưa biết nhưng “ngoại giao corona” của Trung Quốc đã năm lần bảy lượt phản tác dụng. Từ việc xuất khẩu thiết bị y tế lỗi đi các nước, cho đến ủng hộ thuyết âm mưu quân đội Mỹ thả virus ở Vũ Hán, rồi vụ xì căng đan ngược đãi người châu Phi ở miền nam Trung Quốc theo kiểu tống khứ về quê nhà…

Nhìn qua cách Bắc Kinh lợi dụng tình hình, Trung Quốc có khả năng chỉ càng bị cô lập và mất uy tín hơn trên trường quốc tế sau khi cuộc khủng hoảng trôi qua.

Ông Wasng Jisi, học giả nổi tiếng của Đại học Bắc Kinh, nhận xét dịch bệnh này đã đẩy quan hệ Trung – Mỹ xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi mới bang giao hồi thập niên 1970. Ở Anh, sự thay đổi cũng rất lớn. Các chính khách bảo thủ quyền lực bắt đầu kêu gọi Thủ tướng Boris Johnson cứng rắn hơn với Trung Quốc, truyền thông Anh chỉ trích nhiều hơn, còn cộng đồng tình báo tuyên bố sẽ theo dõi sát mối đe doạ từ Bắc Kinh…

Ở châu Âu và Úc, các chính phủ hối hả chặn doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm tài sản giá rẻ giữa lúc kinh tế lao dốc vì dịch bệnh.

Bắc Kinh có thể đã tìm thấy sự đồng cảm nhiều hơn nếu họ chọn chiến lược minh bạch và hợp tác của một quốc gia ‘tử tế’ trong cộng đồng quốc tế nếu họ không bịt miệng những người dám lên tiếng (điển hình là bác sĩ Lý Văn Lượng), nếu họ không chạy chiến dịch truyền thông đánh lạc hướng nguồn gốc con virus, tự ca ngợi mình và hạ thấp nước khác…

Cũng qua đây, nhà cầm quyền ở Hà Nội đã nhìn rõ hơn bộ mặt thật của Trung Quốc, khi họ nhân cơ hội Việt Nam cùng các nước đang rối bời vì phải đối phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán, thì Bắc Kinh đã lấn tới, tìm mọi cách thôn tính chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông.

Đã đến lúc cần sự dứt khoát, các lãnh đạo tại Ba Đình hãy dũng cảm chia tay với thứ chủ nghĩa cộng sản đầy đau khổ và người “đồng chí” đầy xảo trá ở phương Bắc để đưa đất nước gia nhập thế giới Dân chủ, Tự do và Văn minh của nhân loại. 

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=bchsrIlDNXI
Trump sẽ „đáp trả“ nếu Tập Cận Bình thành “chú cuội”

 

Kasse animation 7.8.2023