Làm từ thiện hay bệnh háo danh

Đại sứ Việt Nam tại Đức, ông Nguyễn Minh Vũ.

Gần đây nghe chuyện trong nước thu tiền của các cụ già về hưu, không nơi nương tựa để hỗ trợ chống dịch, đã tưởng là thông tin của „thế lực thù địch“, nào ngờ, giờ đây điều này lại được đem từ Việt Nam sang Đức để áp dụng lên những doanh nghiệp người Việt đang khốn khó.

Hơn một tháng gồng mình chống đỡ một cách tuyệt vọng trước sự tàn phá do Covid-19 với khởi nguồn từ Trung Quốc gây ra, cộng đồng doanh nghiệp người Việt tại Đức từ hai tuần nay vừa kịp nhận ra, chính phủ Đức không bỏ rơi họ.

Nếu đóng thuế đầy đủ, doanh nghiệp người Việt cũng được hưởng những khoản cứu trợ như các doanh nghiệp Đức. Hỗ trợ lương và tiền bảo hiểm cho người lao động khi doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động. Gói cứu trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp nhỏ sử dụng dưới mười lao động hay nguời kinh doanh cá thể, ít nhất cũng được 14.000 € cứu trợ để vượt qua ba tháng đầu chống đại dịch! Những gói cứu trợ cho những doanh nghiệp vừa và lớn cũng được từng bang đưa ra, khác nhau, nhưng nhìn chung đều hữu hiệu.

Mặc dù thủ tục để tiếp cận các gói cứu trợ khẩn cấp của chính phủ tương đối đơn giản, nhưng đa số doanh nghiệp người Việt vẫn gặp khó khăn do rào cản ngôn ngữ, thông tin. Nhóm Tư vấn Doanh nghiệp ở Berlin cùng nhiều cá nhân và hội đoàn khác đã giúp hàng nghìn doanh nghiệp trong việc viết đơn, khai báo theo đúng quy định của pháp luật… để nhận được những giúp đỡ tài chính mà họ xứng đáng được nhận từ chính phủ Đức. Một thông điệp dễ nhận ra: nhà nước Đức không chỉ giầu về tiền bạc mà còn rất nhân văn trong ứng xử với công dân!

Cũng sau hơn một tháng chờ đợi, cộng đồng nguời Việt vừa kịp thở phào khi, hôm qua, ngày 7 tháng 4, Đại sứ Việt Nam tại CHLB Đức, Tiến sỹ Nguyễn Minh Vũ đã có thư gửi bà con cộng đồng Việt Nam tại Đức. Úy lạo và động viên tinh thần, chia sẻ lo lắng trong sự cảm thông sâu sắc, rồi quyết tâm này nọ … và tóm lại là cũng chung chung như những bức thư khác cùng thể loại thường thấy từ xưa đến nay của chính khách nước ta. Nhưng dù sao có còn hơn không, bà con rất mừng mặc dù không có gì để vui. Hỗ trợ suông bằng lời cũng là hỗ trợ!

Nỗi mừng nhận thư của ngài đại sứ chưa kịp lắng xuống thì hôm nay, 8.4.2020, cộng đồng người Việt lại nháo nhác truyền nhau một cái gọi là „Lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại CHLB Đức“. Toàn văn như sau:

Lời kêu gọi kiều bào Đức góp tiền cho mặt trận Tổ quốc Việt Nam, để mua khẩu trang tặng lại cho Đức

Luận bàn về nội dung, tính chính danh pháp lý của tổ chức kêu gọi và tư cách  pháp nhân của người đứng ra viết kêu gọi cũng như sự lủng củng, tối nghĩa trong câu chữ và văn phạm của văn bản xin dành cho bà con cộng đồng. Người viết bài này chỉ muốn nêu ra mấy điểm bất cập sau đây.

  • Ngay phần mở đầu, sau khi nêu địa chỉ người nhận là các hội đoàn người Việt tại CHLB Đức, lời kêu gọi khẳng định là để „Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương MTTQ Việt Nam…“„dựa theo thư của ngài đại sứ Nguyễn Minh Vũ gửi cộng đồng“. Mặt trận tổ quốc là một tổ chức không có thật ở CHLB Đức, ít nhất là không đăng ký hoạt động tại Đức, nên điểm tựa để viết lời kêu gọi là „theo thư của ngài đại sứ…“. Thì ra gần hai tháng đại sứ quán Việt Nam đã im lặng khi bà con gặp nạn nhưng để ra lời kêu gọi xin tiền này, trước một ngày, ông đại sứ phải có thư tỏ lòng quan tâm, lo lắng, thương mến đến cộng đồng đang gặp nạn!
  • Ý tiếp theo là, được ông đại sứ đồng ý nên „Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam tại CHLB Đức xin kêu gọị cộng đồng…“.  Xin hỏi: có ai biết, ở trên nước Đức này có cái gọi là „Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam“? Mà Ủy ban này lại chịu sự chỉ đạo của ông đại sứ, làm gì phải được ông này „nhất trí“!  Điều này vi phạm luật pháp Đức, khi một tổ chức chính trị của đảng cộng cộng sản Việt Nam hoạt động không đăng ký!
  • Sau một loạt những giới thiệu đao to búa lớn, tưởng gì to tát, hóa ra xin bà con ủng hộ để có 100.000 khẩu trang „tặng Bộ Y tế Đức“, để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của bà con ta tới nước Đức… và điều đó „có tính nhân văn“.

Điều mà cá nhân đại diện cho một tổ chức phi pháp có tên gọi là „Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam tại CHLB Đức“ rằng, mặc dù các vi đã được ông đại sứ Nguyễn Minh Vũ „nhất trí“ thì lời kêu gọi nói trên của các vị cũng hết sức bất nhẫn vì mấy lý do sau:

Trong khi bà con doanh nghiệp Việt Nam ở đây, từ những người có cửa hàng nhỏ, đến các chủ chợ người Việt ở Đức đang phải gồng mình chống chọi với đại dịch, may mắn nhận được mấy đồng hỗ trợ của chính phủ Đức để cố gắng kéo dài sự tồn tại lay lắt của mình, chờ ngày hồi sinh, thì các ông lại mượn danh của một tổ chức chính trị bất hợp pháp tại Đức để lấy tiền của họ nhằm giúp cho người vừa cứu trợ họ.

Đây là hành động xin tiền để ủng hộ người Đức từ những kẻ bất hạnh, mới được người Đức cứu giúp bằng chút tiền nhỏ, thật là một điều trớ trêu mà chỉ có cái thể chế XHCN ở Hà Nội mới có thể nghĩ ra „độc chiêu“ tàn nhẫn này.

Gần đây nghe chuyện trong nước thu tiền của các cụ già về hưu, không nơi nương tựa để hỗ trợ chống dịch, đã tưởng là thông tin của „thế lực thù địch“, nào ngờ giờ đây điều này lại được đem từ Việt Nam sang Đức để áp dụng lên những doanh nghiệp người Việt đang khốn khó.

Hàng năm, chính phủ Việt Nam, mà đặc biệt là Măt trận tổ quốc Việt Nam luôn rất tự hào, hồ hởi khoe với nhân dân rằng, nhờ các vị làm tốt công tác vận động người việt ở nước ngoài, con số kiều hối gửi về xây dựng đất nước là nhiều chục tỷ đô la Mỹ! Thiết nghĩ, khi bà con người Việt ở nước ngoài gặp nạn, các vị phải là người đứng ra vận động chính phủ Việt Nam giúp đỡ, tài trợ ngược lại cho bà con mới đúng với đạo lý „lá lành đùm lá rách“ mà các vị thường rao giảng mỗi khi muốn vận động kiều hối.

Người Việt ở đây yêu nước, luôn hướng về tổ quốc và không ngần ngại trước bất kỳ đóng góp nào nhằm làm cho quê hương đất nước tốt đẹp hơn. Nhưng họ cũng phân biệt rất rõ những kẻ mang danh đất nước, tổ quốc để làm điều sằng bậy. Họ đủ thông minh để biết mình phải làm gì để tỏ lòng tri ân với nước Đức đã, đang và vẫn cưu mang họ. Bằng cớ là trong mấy tuần gần đây, trên khắp nước Đức đã xuất hiện những nhóm người Việt, hoặc cá nhân, tập hợp nhau lại, tổ chức may khẩu trang, làm đồ ăn… để giúp đỡ cho những lực lượng chuyên môn người Đức trên tuyến đầu chống dịch bệnh như bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên, cảnh sát, nhân viên phòng cháy chữa cháy… Nếu các vị chịu khó đọc trên báo, nghe trên đài hay xem Tivi Đức sẽ bắt gặp những câu chuyện cảm động về người Việt của chúng ta ở đây đang làm, góp sức vào công cuộc chống đại dịch của thế kỷ.

Nhưng có một điều rất khác với lời kêu gọi của các vị, tất cả họ đều hành động tự giác, âm thầm với tất cả tình cảm chân thành, xuất phát từ trái tim… và, một điều quan trọng nữa, họ luôn tin tưởng rằng, tất cả họ cũng như thế hệ con cái họ sẽ được nhận lại sự đền đáp xứng đáng của xã hội mà họ đang xây đắp. Nếu phải cho ai hoặc giúp ai điều gì thì người Việt ở Đức sẽ tự kêu gọi nhau, hoặc thông qua các hội đoàn và cũng sẽ làm bằng chính tên của mình chứ không cần phải nhờ vào một „Ủy ban trung ương…“ hay tổ chức chính trị nào. Các tổ chức Xã hội dân sự biết kiếm tiền và cũng biết dùng tiền vào việc có ích cho xã hội và cho họ.

Câu cuối của lời kêu gọi: „Tôi thiết nghĩ bằng việc làm có tính nhân văn trên chắc chắn chúng ta sẽ tạo ra hiệu ứng tốt trong cách đánh giá của người Đức về người Việt chúng ta.“, đọc đến đây, thật sự đã hiểu ra động thái vứt bỏ nốt chiếc lá nho cuối cùng để phơi ra trần trụi mục đích của hành động tài trợ. Như một sự đổi chác, tặng quà để đổi lấy sự „đánh giá“ tốt về mình! Không hiểu nếu những người bạn Đức đọc được những dòng này họ sẽ nghĩ gì, đánh giá như thế nào về „lòng tốt“ của chúng ta? Sao những ý đồ tầm thường, nhỏ nhen, vụ lợi đội lốt nhân văn như thế lại có thể xuất hiện bằng câu bằng chữ trong một văn bản kêu gọi làm từ thiện của một tổ chức „cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản“ do ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên TƯ Đảng CS, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đứng đầu.

Trong trường hợp này, nếu Đại sứ Nguyễn Minh Vũ và các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức tiếp tục thực hiện các âm mưu đen tối, can thiệp vào các hội đoàn có đăng ký pháp nhân tại Đức, tức là can thiệt vào công việc nội bộ của nước Đức thông qua các bàn tay nối dài trong cộng đồng người Việt ở đây, thì hậu quả về mặt ngoại giao sẽ không hề nhỏ.

Đừng bao giờ mua danh bằng tiền của người khác, nhất là thông qua từ thiện, nếu không muốn thành kẻ háo danh.

Ông Trần Thanh Mẫn ( ngồi giữa) – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯMTTQ) Việt Nam trong lần tới Đức vào năm 2017 .
Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX gồm 385 người.

Lê Trung Khoa – Thoibao.de

Tòa án tối cao Đức ra phán quyết về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin – đưa vào ĐSQ Việt Nam hôm 23.7.2017.
Kasse animation 7.8.2023