Viêm phổi Vũ Hán: Đòn đo ván từ Trung quốc nhằm vào Mỹ và Tây âu?

https://www.youtube.com/watch?v=09zfzTS9I6c

Cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có, có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã phơi bày những điểm yếu của phương Tây. Đó là một châu Âu thụ động hay một siêu cường Mỹ đầy lỗ hổng trong hệ thống y tế Mỹ.

Ngày 31/12/2019, Trung Quốc chính thức thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về trường hợp mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán đầu tiên. Là nơi khởi phát dịch bệnh, Trung Quốc trở thành ổ dịch đầu tiên và lớn nhất của thế giới. Nhưng chỉ hơn 2 tháng rưỡi sau, quy mô dịch viêm phổi Vũ Hán ở châu Âu hiện đã vượt qua Trung Quốc cả về số người nhiễm và người chết.

Tính đến ngày 6/3, số ca mắc viêm phổi Vũ Hán được ghi nhận tại các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) là hơn 5.500 người. Đây cũng là thời điểm các Bộ trưởng Y tế EU tổ chức cuộc họp khẩn cấp đầu tiên để bàn cách ứng phó với viêm phổi Vũ Hán.
Trước cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng Y tế EU này, các nhà quan sát cho rằng, EU chưa có những biện pháp mạnh mẽ cụ thể cần thiết để ngăn chặn dịch, chưa chuẩn bị thích đáng để ứng phó với dịch bệnh.
Sau đó, những cột mốc đáng lo cứ lần lượt xuất hiện. Thứ tư 18/3, châu Âu ghi nhận số ca nhiễm và tử vong do viêm phổi Vũ Hán nhiều hơn Trung Quốc.
Thứ năm 19/3, một mình nước Ý vượt qua Trung Quốc về số ca tử vong.
Trong khi Trung Quốc – nơi khởi nguồn của dịch bệnh, đã cơ bản kiểm soát được tình hình, thì các con số ở châu Âu cứ tăng lên từng ngày. Và đỉnh dịch hay thời điểm tồi tệ nhất vẫn còn ở phía trước.

Lý giải về sự bùng phát mạnh mẽ ở châu Âu, các nhà khoa học đưa ra các nguyên nhân khách quan đến từ đặc điểm khí hậu hay cơ cấu dân số và cả những nguyên nhân chủ quan như sự ứng phó chậm chạp với dịch bệnh của châu lục già.

Thứ nhất, châu Âu là nơi có khí hậu lạnh, mà khí hậu lạnh lại rất thích hợp với sự phát triển của viêm phổi Vũ Hán.
Thứ hai, so với các nước ở châu Á, các nước ở phương Tây nhìn chung dân số già hóa, tỷ lệ người già cao, mà qua thống kê số ca nhiễm bệnh và tử vong chiếm tỷ lệ lớn là người già.
Thứ ba, hệ thống y tế công cộng ở một số nước châu Âu như: Italy, Pháp vấp phải sự quá tải, thiếu thốn nhân lực, tài lực và thiết bị.
Thứ tư, tâm lý chủ quan, khinh suất ở châu Âu rất lớn. Lãnh đạo các nước châu Âu cho rằng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán chỉ là cúm mùa thể nặng đã gây tử vong cho nhiều người dân châu Âu trong nhiều năm qua.
Thứ năm, Hiệp ước tự do đi lại (Hiệp ước Schengen) của EU cho phép người dân các nước trong Liên minh châu Âu được tự do đi lại, cư trú, mà viêm phổi Vũ Hán là loại bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan do tiếp xúc thông thường.
Thứ sáu, châu Âu luôn đề cao quyền riêng tư và tự do cá nhân, do vậy, châu Âu sẽ rất khó có những hành động quyết liệt trong việc chống lại sự lây lan của dịch bệnh bởi vì các biện pháp chống dịch được thực hiện sẽ hạn chế sự tự do cá nhân của người dân châu Âu.
Thứ bảy, các nước châu Âu dường như chú trọng vào yếu tố kinh tế và chính trị nhiều hơn, họ lo ngại, nếu mạnh tay chống dịch sẽ làm tổn thương đến kinh tế và động chạm đến các vấn đề chính trị nhạy cảm.

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán nổ ra cho thấy rõ sự thiếu khả năng chuẩn bị đề phòng của châu lục già từ nhân sự, trang thiết bị cho đến cả về mặt chiến lược.

Ảnh : quang cảnh vắng lặng tại Ý – một trong những quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh

Trong bối cảnh Trung Quốc dường như đang khống chế và tiến tới dập tắt được dịch bệnh trong nước nhờ vào những biện pháp nghiêm ngặt mà chỉ có một chế độ toàn trị mới làm được. Sau đó, nước này mở một chiến dịch ‘mạnh thường quân’ giúp đỡ cả thế giới, từ siêu cường của thế giới là Mỹ đến những nước nghèo nhất ở châu Phi, từ nước có chế độ độc tài giống Trung Quốc đến chế độ dân chủ phương Tây. Châu Âu cho đó chỉ là sự tuyên truyền cho hình ảnh của Trung Quốc, thực chất Trung Quốc làm vậy là để giúp chính mình chứ không phải giúp thế giới.
Ông Pascal Boniface, chuyên gia địa chính trị, Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), có quan điểm cho rằng châu Âu trước hết phải tự trách mình. Ông cho rằng :
« Đương nhiên là Trung Quốc bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Ai có thể phê phán Trung Quốc ? Nước nào cũng làm điều đó, châu Âu cũng vậy. Còn nếu châu Âu không làm, thì chỉ nên tự trách lấy mình và đừng chỉ trích Trung Quốc đã làm như thế. Quả thật khi Trung Quốc đến hỗ trợ các nước khác, cũng là lúc nước này tự giúp mình, bởi vì Trung Quốc cần các nước khác tái khởi động nền kinh tế của họ do Trung Quốc cũng phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Thế nên, thay vì chỉ tập trung vào chỉ trích những điều mà tôi cho là vô bổ hay là về hệ tư tưởng của Trung Quốc, phương Tây nên nhìn thẳng vào sự việc. »
Ông cho rằng đã đến lúc châu Âu nên xắn lấy tay áo, gánh lấy trách nhiệm và bảo vệ lấy lợi ích của chính mình. Cần phải bảo vệ và vạch ra một chính sách chung mà hiện nay chưa hề có. Bất luận thế nào, châu Âu chớ nên trách Trung Quốc là đang bảo vệ lợi ích của họ, nếu như chính bản thân châu Âu không có khả năng bảo vệ lấy chính mình.

Cuối tháng 3, tâm dịch đã chuyển từ châu Âu sang bên kia Đại Tây Dương là Mỹ.  

Ngày 26/3 đánh dấu một cột mốc không vui vẻ gì cho người Mỹ khi chính thức trở thành nước có nhiều ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán nhất thế giới.  
Hồi nửa cuối tháng 2, dịch bệnh ở Trung Quốc chạm mốc 80.000 ca và mới bắt đầu bùng phát tại các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran và Italy.
Thời điểm đó, nước Mỹ trên bề mặt có vẻ vẫn yên ắng.
Tính đến ngày 20/2, Mỹ chỉ ghi nhận 15 ca dương tính và toàn bộ đều liên quan đến đi lại ở nước ngoài.
Rồi giới chức Mỹ bắt đầu tiến hành xét nghiệm một cách nghiêm túc, số ca nhiễm cứ thế tăng lên mỗi ngày.
Vào ngày 1/3, Mỹ ghi nhận 75 ca nhiễm. Khoảng 6 ngày sau, con số này tăng lên 435. Ngày 14/3 là 2.770 ca. Ngày 21/3, đã có đến 24.192 bệnh nhân được xác nhận.
Ngày 26/3, nước này vượt Italy trở thành nước có nhiều ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán nhất thế giới và duy trì vị trí số một này từ đó đến nay.
Các quan chức y tế công cộng báo cáo rằng đỉnh điểm của sự bùng phát ở Mỹ vẫn chưa hiện hữu.
Siêu cường thế giới vẫn chưa trải qua cơn ác mộng thực sự.

Khủng hoảng dịch tễ hiện nay cho thấy rõ những khiếm khuyết của hệ thống y tế của Mỹ.

Ảnh : Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trả lời các câu hỏi của RFI, cô Sarah Rozenblum, chuyên nghiên cứu về Y tế công và Khoa học chính trị tại đại học Michigan nói rằng : Khiếm khuyết của hệ thống y tế của Mỹ có liên quan đến đặc tính rất phân cấp của hệ thống y tế tại đây. Ở nước này, các quyết định y tế được đưa ra ở cấp độ bang hay địa phương. Bởi vì, mục đích chính là làm sao các quyết định đưa ra phải gần với nhu cầu của dân chúng.
« Khi không có các cuộc khủng hoảng có quy mô lớn, điều này có ý nghĩa. Nhưng trong cuộc đại dịch toàn cầu này, cần phải hợp nhất, phối hợp hài hòa đối phó ở cấp độ từng bang mà cả ở quy mô liên bang. Đó chính là những gì tài liệu hướng dẫn chuẩn bị nguy cơ đại dịch đề ra, do chính quyền Obama soạn thảo.
Thế nhưng cách nay vài ngày, chúng tôi được biết là chính quyền Donald Trump đã quyết định cố tình lờ đi tập sách, vốn khuyến nghị chính phủ liên bang nắm giữ một vai trò thống nhất, một vai trò tuyến đầu…
Trong khi chính quyền Donald Trump quyết định chọn thoái lui ra khỏi việc quản lý của khủng hoảng trên bình diện y tế khi ưu tiên cho mảng kinh tế nhiều hơn, ông ấy đã ủy thác việc xử lý dịch bệnh cho các thống đốc và chính quyền địa phương, vốn dĩ có những phản ứng ít nhiều gì cũng hung hăng hơn, duy ý chí và nhiều khiếm khuyết
. »

Chính phủ Hoa Kỳ đã thất bại trong việc duy trì đầy đủ kho dự trữ vật tư cần thiết để đối phó với đại dịch như thế này – và sau đó lại chuyển động quá chậm khi bản chất của cuộc khủng hoảng hiện nay trở nên rõ ràng.

Các bác sĩ và bệnh viện trên cả nước, nhưng đặc biệt là ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, đang tranh giành các vật dụng thiết yếu như mặt nạ, găng tay, áo choàng và quạt thông gió để giúp những người bị virus tấn công và bảo vệ các chuyên gia y tế.
Việc thiếu nguồn cung cấp đầy đủ buộc nhân viên y tế phải sử dụng lại thiết bị vệ sinh hiện có hoặc tự tạo ra thiết bị tạm thời. Việc thiếu máy thở khiến các quan chức nhà nước lo ngại rằng họ sẽ sớm bị buộc phải thực hiện các biện pháp y tế, quyết định tại chỗ bệnh nhân nào nhận được sự hỗ trợ duy trì sự sống – và bệnh nhân nào không.
Jeffrey Levi, giáo sư chính sách và quản lý y tế tại Đại học George Washington nói : “Chúng ta đã mất nhiều tuần trong việc tăng cường năng lực sản xuất những thiết bị bảo vệ cá nhân và không bao giờ sử dụng đầy đủ thẩm quyền của chính phủ để đảm bảo rằng việc sản xuất đã diễn ra.
Sự bất lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc không đẩy nhanh được việc xét nghiệm hàng loạt là một thất bại nghiêm trọng từ đó các biến chứng tiếp theo đã xảy ra.
Levi nói rằng trách nhiệm cho thất bại này thuộc về chính quyền Trump, vốn coi thường các kế hoạch ứng phó với đại dịch đã được thiết lập từ hơn một thập kỷ trước, trong nhiệm kỳ của tổng thống của George W Bush, mà cũng không mướn đủ người để vận hành bộ máy y tế công cộng.
Đại dịch Vũ Hán đã cho thế giới thấy được nhiều vấn đề. Trên bình diện thông tin có vẻ như nền độc tài đang giành được ưu thế hơn trong cuộc chiến chống đại dịch so với nên dân chủ phương Tây. Nhưng, chế độ độc tài Trung Quốc luôn che đậy nhiều sự thật. Trung Quốc chỉ cho thế giới biết những gì có lợi cho hình ảnh của nước này. Phần chìm của tảng băng vẫn còn chưa được hé mở.

Cũng trong lúc này, Phương Tây đang phải cùng lúc vật lộn giữa việc ngăn chặn dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán và duy trì những giá trị của của một nền dân chủ, tự do.
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán cho thấy, những lợi nhuận thu được khi đầu tư từ phương Tây vào một nhà nước Cộng sản độc tài tại Trung Quốc, bỏ qua các Công ước căn bản của quyền con người cùng nhiều điều khoản an toàn và môi trường sống, thì giờ đây, chính các nước phương tây lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề mọi mặt do đánh giá sai lầm chiến lược, chưa biết đến khi nào mới hồi phục.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023