Đại dịch cúm Vũ hán: Dân khen Vũ Đức Đam, Nguyễn Đức Chung – chê Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc

Các lãnh đạo chính phủ và địa phương tại Hà Nội đã thực hiện đúng phận sự của mình và được người dân ghi nhận tích cực, một nhà hoạt động xã hội dân sự và bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam cho biết.

Hôm thứ Năm, 02/4/2020 từ Hà Nội, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Quang A trước hết bình luận về mật độ xuất hiện của một số chính trị gia Việt Nam từ khi dịch bắt đầu hiện diện ở Việt Nam:
Ở đây có sự phân công hẳn hoi, sở dĩ mà ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thường xuyên xuất hiện là bởi vì ông ấy là Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về chống đại dịch này.
Và ông Thủ tướng thì hiển nhiên là xuất hiện nhiều và tôi nghĩ chuyện xuất hiện như thế là đúng chức năng của họ mà thôi.”
Về sự xuất hiện của giới lãnh đạo cụ thể ở cấp địa phương, đơn cử trường hợp của Hà Nội, hay cao hơn là ở cấp trung ương, liên quan ban lãnh đạo cấp cao của nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam, TS Quang A, người từng là Viện trưởng Viện phản biện chính sách độc lập IDS bình luận: “Cũng như sự xuất hiện của ông Nguyễn Đức Chung ở Hà Nội, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông ấy là người chủ tịch thành phố, ông phải chịu trách nhiệm về chuyện chống dịch ở Hà Nội và ông ấy xuất hiện tôi nghĩ là đúng chức năng của ông ấy thôi.
Còn tôi nghĩ rằng có chuyện ai PR hay là tranh giành ảnh hưởng, dư luận hay không, thì tôi nghĩ rằng người ta có thể suy đoán như vậy, nhưng tôi không tin là có chuyện như thế.

Nó chỉ có một điều là ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách là người Chủ tịch nước, rồi Tổng Bí thư của đảng Cộng sản Việt Nam, thì lẽ ra ông ấy cũng phải có xuất hiện một chút, tuy rằng vai trò của ông không phải là chức năng đó, nhưng mà quá lâu ông không xuất hiện, thì dân chúng có ỳ xèo.

Ảnh: Sáng 27/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, đến ngày 1/4, Việt Nam không lên tới con số 1.000 ca mắc bệnh

Nhận xét về vai trò mờ nhạt của TBT CTN Nguyễn Phú Trọng, TS Nguyễn Quang A cho biết thêm:
Và sau đó thì có một cuộc mà ông xuất hiện, nhưng xuất hiện là họp Bộ Chính trị, lại đi bàn về chuyện nhân sự của Đại hội 13 và dân chúng lại càng ỳ xèo hơn nữa.
Và ngay hôm sau lại có một cuộc họp Bộ Chính trị để bàn về chống dịch này và từ đó tôi nghĩ ông ấy, bởi vì không phải là chức năng kia, cho nên cũng không có xuất hiện, nhưng mà rồi ông có một cái thư.
Thì tôi nghĩ tất cả những cái ấy, rồi cái thư mà cũng không có sự xuất hiện của ông ấy, thì cũng chỉ là một chuyện phải làm cho nó hết chức năng thế thôi. Chứ còn việc phân công cho bên hành pháp làm là chính.”
Bình luận về đánh giá của dư luận đối với một số cá nhân thành viên ban lãnh đạo chống dịch ở ngành y tế, cấp quốc gia và tại thủ đô của Việt Nam, Tiến sỹ Quang A nói:
Dư luận thì bởi vì hai người này, một ông phụ trách ở toàn quốc, còn một ông phụ trách ở Hà Nội và họ khá là năng nổ để làm việc này.

Và riêng việc chống dịch cúm Vũ Hán này, thì dân đánh giá hai ông ấy rất là tốt về việc này,” nhà hoạt động xã hội dân sự đưa ra bình luận lần lượt về Phó Thủ tướng chính phủ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Tướng Nguyễn Đức Chung.

Về các vị trí còn lại trong ban lãnh đạo cấp cao của nhà nước và đảng CSVN trong chống dịch, thường được biết đến là Tam Trụ, hay Tứ Trụ theo cách gọi không chính thức, Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói thêm: “Trong cái gọi là Tam Trụ đấy, thì người dân đã đánh giá như là tôi đã nói, tức là ông Chủ tịch nước và Tổng Bí thư thì ít xuất hiện quá, dân kêu thì tôi đã nói rồi.
Còn vai trò của bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, thì tôi nghĩ rằng cũng không có vai trò gì mấy.
Bởi vì nếu xuất hiện quá nhiều của những vị ấy, tức là ông Trọng và bà Ngân, thì lúc đấy có thể người ta đặt vấn đề tức là tranh giành PR ảnh hưởng hay không,” nhà hoạt động xã hội dân sự Nguyễn Quang A nói.
Hôm 23/3, trong phiên họp thứ 43 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội, bà Ngân khiến cư dân mạng bàn tán khi nói lời cảm ơn Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và khen bài thơ “Ngủ một chút đi anh” ca ngợi ông này là “rất hay.”
Trước đó, báo trong nước đăng tin cho thấy bà Ngân xuất hiện “kêu gọi toàn dân tương thân tương ái, chung tay phòng chống dịch” bằng cách nhắn tin góp tiền qua Cổng Thông Tin Điện Tử Nhân Đạo Quốc Gia do Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam quản lý.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nổi tiếng với bộ sưu tập thời trang áo dài sang trọng.

Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm ở Hà Nội, viết trên trang cá nhân: “Thời điểm này mà chị Ngân cho bán đấu giá 200 trong tổng số ít nhất 300 áo dài trong tủ áo của chị để góp vào ngân sách chống dịch Cúm Tàu và chống hạn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, trong đó có Bến Tre quê chị, thì sẽ rất hiệu quả và gây tiếng vang lớn, khiến nhiều quý bà noi theo.”

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 sáng 29 tháng 3 năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần chống dịch như trong bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7 tháng 4 năm 1975 là phải thần tốc, táo bạo; phải tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam.
Phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về tinh thần phòng chống dịch liên quan đến ký ức 30 tháng 4 khiến người dân phản ứng.
Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng đánh giá cách kêu gọi tinh thần chống dịch của ông Nguyễn Xuân Phúc như giải phóng miền Nam: “Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm rồi. Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ và Mỹ giúp đỡ Việt Nam rất là nhiều. Cứ nhắc lại những chuyện đó như là khơi lại những vết thương.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975 được người cộng sản Bắc Việt gọi là ngày họ giải phóng người dân miền Nam khỏi sự kìm kẹp của Mỹ – ngụy. Bản thân chữ “giải phóng” được hiểu là giúp cho một số người nào đó thoát ra khỏi một tình trạng xấu xa tồi tệ. Với hầu hết người dân miền Nam Việt Nam, tình trạng sống của họ trở nên tồi tệ với hàng triệu người bị đẩy lên vùng kinh tế mới, bị tập trung cải tạo, bị đánh tư sản và hàng triệu người phải vượt biển tìm tự do…cho nên họ không chấp nhận cụm từ “giải phóng miền Nam”. Họ rất nhạy cảm với cụm từ này.

Ông Ngô Trường An hiện sống tại Đà Nẵng từng sống qua hai chế độ, chứng kiến sự thay đổi ở miền Nam sau ngày 30 tháng năm 1975, bộc lộ quan điểm: “Ông ta (tức thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) phản lại chủ trương hòa hợp hòa giải mà đảng cộng sản Việt Nam đang thực hiện. Tôi nghĩ, ông này xưa nay phát biểu lung tung. Ông nói mà không biết mình đang nói gì, và có thể, ông chẳng nghĩ gì trước khi nói trước công chúng.”

Hầu hết những người lãnh đạo đều như vậy. Rập khuôn, giáo điều, tuyên truyền một kiểu như nhau. Và những phát ngôn của họ đầy mâu thuẫn. Đúng ra, họ không nên nhắc lại ngày 30 tháng 4 và càng không nên tổ chức kỷ niệm linh đình hằng năm. Những việc làm đó, càng khoét sâu vết thương người Nam và khó có thể hòa hợp dân tộc 2 miền. Chắc chắn là thế. Tôi nghĩ vậy!” ông Ngô Trường An nói.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong một cuộc họp về các biện pháp chống đại dịch cúm Vũ Hán

Luật sư Phạm Công Út cho hay, ông hoàn toàn ủng hộ cách chống dịch của nhà nước hiện nay để bảo vệ sự tồn vong của người dân. Nhưng gợi lại lịch sử để so sánh một cách khập khiễng như vậy thì ông không đồng ý: “Bản thân tôi là một người dân Sài Gòn sống qua hai chế độ. So sánh cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn với cuộc chiến chống dịch này thì hoàn toàn không phù hợp, làm những người dân đang có niềm tin với cách chống dịch của chính phủ mất đi tình cảm vào chính phủ. Ông Phúc gợi lại sự tan tác, chia lìa của bao nhiêu triệu người Việt khi phải đánh đổi sinh mạng bỏ nước ra đi.
Tại sao lại so sánh việc diệt cúm Vũ Hán với việc giải phóng miền Nam? Chẳng lẽ thắng được con cúm là ‘có triệu người vui và triệu người buồn
?’”

Phát biểu của ông Phúc về tinh thần chống dịch khiến người dân có cảm giác ông rất hân hoan khi tiến về Sài Gòn để ‘giải phóng miền Nam” mà không hiểu lòng dân đang nghĩ gì.

Ảnh: đường Nguyễn Trãi Hà nội sáng 1-4 ngày đầu cách ly toàn quốc vẫn nhiều người đi làm

Nhà thơ Bùi Chí Vinh cho rằng, giờ này mà nỡ tuyên bố trên VTV rằng “phát huy tinh thần giải phóng miền Nam trong việc chống dịch Covid-19” thì tội nghiệp đồng bào miền Nam quá, vết thương cốt nhục “huynh đệ tương tàn” sau 45 năm chưa kịp lành đã có kẻ tự lạnh lùng xé toạc ra..

Hồi Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 30 năm “thống nhất đất nước”, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cuộc trao đổi trên tuần báo Quốc Tế, là cơ quan báo chí của bộ ngọai giao Việt Nam, về những kỷ niệm ngày tiếp quản Sài Gòn và những bức xúc trước thời cuộc.
Lần đầu tiên ông Võ Văn Kiệt nhìn nhận biến cố 30 tháng tư năm 1975 đã gây đau khổ cho hằng triệu người Việt Nam khi ông nói: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy.

Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu.”

Thủ tướng nguyễn Xuân phúc tuyên bố: “phát huy tinh thần giải phóng miền Nam trong việc chống dịch Covid-19”

Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)