‘Chết vì đói’ trước khi ‘chết vì dịch’: cùng cực lao động Việt tại Thái Lan

https://www.youtube.com/watch?v=h9HkRUQFkLg

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán không chỉ phơi bày khoảng cách giàu nghèo, bất bình đẳng trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam mà hé lộ những mảnh đời khốn khổ của những người lao động Việt ở nước ngoài mà điển hình là đất nước xứ chùa vàng Thái Lan nơi có đến hàng chục nghìn người Việt Nam làm việc bất hợp pháp.

Viêm phổi Vũ Hán đã biến Thái Lan, một trong những điểm du lịch thu hút nhất thế giới bước vào cơn hôn mê sâu, kéo theo những người lao động sống nhờ vào du lịch tại đất nước này mất kế sinh nhai mà trong đó có một phần không nhỏ là lao động Việt Nam.
Trong bối cảnh dịch bệnh thì cuộc sống của người lao động Việt bất hợp pháp tại Thái Lan đã cơ cực thì nay lại cùng cực.

Vốn là thành phố náo nhiệt, là điểm đến hàng đầu, là thành phố đáng tham quan nhất, thu hút đông khách du lịch nhất thế giới, nơi dòng người người lúc nào cũng bất tận, chen chúc nhau nhưng từ trung tuần tháng hai, người du lịch đến Bangkok đã thưa đi thấy rõ.
Sang đến đầu tháng ba, mọi sinh hoạt thường ngày của người dân đã trở nên yên ắng rõ rệt. Và khi số ca nhiễm lên đến gần 1.000 người thì Thủ Tướng Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc hôm 24/3 đưa đất nước vào giấc ngủ dài.
Không có khách du lịch, Bangkok uể oải như con nghiện thiếu thuốc. Và không có du khách, người dân lao động kiếm cơm hàng ngày ở đây, cả Việt lẫn Thái, mặt hằn rõ những âu lo  
Chị Phương, nhân vật trong bài phóng sự của BBC, và người em trai mới qua Thái Lan được hơn ba tháng. Nhờ người quen giới thiệu, chị làm việc ở một gia đình người Thái có vựa cá khô nhỏ. Người em trai được vợ chồng người bà con ở đây đã lâu, cho theo học nghề bán trái cây và phụ việc lặt vặt.
Mới đây, người chủ nói vắng khách quá nên phải cho chị nghỉ, điều mà chị đã thấy trước. Đứa em trai chị giờ cũng nằm nhà, vì hai người bà con có xe bán trái cây đã kéo nhau về Việt Nam tránh dịch sau những tuần dài ế ẩm.
Chị thổ lộ : ”Kéo dài kiểu này chắc tụi em chưa chết dịch đã chết đói chị ơi. Xui quá, vừa gửi hết tiền về nhà thì có lịnh đóng cửa. Hai chị em mất việc một lúc mới kẹt cứng đó chớ.”

Một khu ở Bangkok hoàn toàn vắng lặng ko một bóng người  

Trong thời gian Thái Lan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và mọi thành phố gần như bị phong tỏa, người lao động Việt tại đây ở trong tình trạng ‘đi không được ở cũng không xong’.

Nhiều lao động Việt đã bị kẹt lại Thái Lan trong thời gian nước này đóng cửa để đối phó với dịch bệnh do không có tiền để về Việt Nam.
Như trường hợp của chị Phương là vì mới qua, lại mới gửi hơn 700 USD tiền dành dụm sau ba tháng sang đây làm việc, nên không có tiền về.
Nhiều người có hộ chiếu chết tức là Visa đã hết hạn cũng không về được vì tiền bạc không đủ để trả cho người đưa về.
Chi phí mà những người có ”hộ chiếu chết” phải trả cho người đưa về trong thời gian này là một khoản lớn.
Dịch vụ đưa người có ”hộ chiếu chết” về đến cửa khẩu Việt Nam được một số người quảng cáo trong trang Facebook Người Việt ở Thái giá 9.700 Bahts (khoảng 7 triệu đồng), là số tiền lớn trong lúc không có công ăn việc làm.
Sở dĩ giá đắt như vậy là vì thay vì xuất cảnh qua cửa khẩu Thái Lan sẽ bị phạt nặng vì Visa quá hạn, người có ”hộ chiếu chết‘ được đưa đi đường vòng qua sông để tránh bị phạt.

Sân bay quốc tế SUVARNABHUMI ở Thái Lan, Bangkok vắng vẻ vì corona

Những người lao động Việt bị buộc lòng phải ở lại mà không có công ăn việc làm cũng đang rất lo lắng cho ngày mai, nếu tình trạng này kéo dài.

Người thì ăn cơm với canh mì tôm, người thì ăn cá hộp để hạn chế tiêu pha, tiết kiệm tối đa trong thời gian này.
Facebooker Li Ma đăng trên một trang Facebook của Người Việt ở Thái Lan hôm 27/3 chia sẻ một thực tế mà nhiều Việt tại đây đang gặp phải : ”Không có tiền về và tình hình tiền thì đã phải trả tiền phòng rồi, không còn mấy nữa. Nhiều người còn có cả con nhỏ nữa mà ai cũng thất nghiệp, khi lãnh lương thì ai cũng gửi về cho gia đình hết, đi cũng không được ở cũng không xong, anh chị em nào về rồi mà chủ còn cần người làm chỉ giúp bọn mình với ,virus không biết đến khi mô, nhưng chắc là chết đói trước.”
Chị Phương cũng tâm sự : « Cùng quá hai chị em tìm chỗ xin ở nhờ, ăn thì đâu bao nhiêu, mua bịch gạo, vài thùng mì gói, mấy vỉ trứng là xong. »
Do ở vùng quê nghèo Nghệ An công việc ”lúc có lúc không, mà có thì lương thấp hơn nhiều”, chị và người em trai sang Thái Lan mới được 3 tháng để kiếm sống. Tất bật mỗi ngày 12 tiếng, Phương kiếm được khoảng 400 Bahts (khoảng 13 USD) một ngày, và được chủ nuôi bữa ăn trưa. Còn người em trai, vì đang phụ việc nên chưa kiếm được bao nhiêu, ngày nhiều lắm là vài trăm Bahts. Hai chị em sống chen chúc trong căn hộ chung với 4 người Việt khác, mỗi tháng phần tiền nhà, điện nước, của họ là 2.500 Bahts (khoảng 83 đôla).
Phương làm một tuần bảy ngày, và như những người ở cùng nhà, chỉ ngày đi làm rồi tối về nhà lăn ra ngủ, chưa biết mặt mũi Thái Lan ra sao ngoài những nơi đi lại hàng ngày. Cơ cực, nhưng sống tại đây chị đã có lúc cảm thấy vừa lòng với số phận. Nhưng đại dịch viêm phổi Vũ Hán đã làm gián đoạn tất cả. Kế hoạch bám trụ để gom tiền đóng một cái xe bán trái cây, rồi kiếm chỗ bán cho đỡ vất vả hơn so với nghề cá hiện nay tưởng như trong tầm tay đã bị đại dịch biến thành giấc mơ xa vời. Bởi kiếm được cái ăn để vượt qua mùa dịch này đã là quá khó khăn với chị rồi.

Những người Việt định cư lâu năm ở Thái Lan cũng không khấm khá hơn trong bối cảnh dịch bệnh.

Anh Bùi Đình Anh, người Hà Tĩnh, cùng vợ là chủ một xưởng may nhỏ, sinh sống và làm việc tại Thái Lan đã hơn 14 năm, chia sẻ:
Thợ của em 7, 8 người về hết rồi, em và vợ phải đóng xưởng may, nhưng vẫn phải trả tiền nhà. Nhà mướn 6 phòng ngủ vừa cho thợ ở vừa làm xưởng, bây giờ để không, nhưng em vẫn phải trả tiền… Đang lo tình hình kéo dài lâu thì sẽ phải ăn hết vào vốn, hay kéo dài lâu hơn nữa thì phải đóng xưởng may, trả nhà lại nhưng em mong không đến nỗi thế.’’
Anh chia sẻ thêm về trường hợp hai nhà bán cá thả, hiện cũng không bán được vì không có người ăn, nhưng chủ cũng phải ở lại để lo trả tiền nhà, họ nói chắc hết tháng này nếu mà cứ như vậy thì cũng phải đi thuê phòng để cất đồ và trả nhà để về Việt Nam chứ ở lại cũng chết.
Anh Nguyễn Quỳnh, có vợ Thái, sau một thời gian sống ở đây, làm dịch vụ đưa người Việt Nam qua đây du lịch, cho biết vợ anh có một cửa tiệm cắt tóc, hiện đã phải đóng cửa từ hôm 18/3. Anh nói : ”Tụi em ở nhà cách ly thôi. Tiệm đóng cửa vẫn phải trả tiền nhà. Tiệm em tiền thuê cả điện nước 20.000 Bahts một tháng nên cũng nặng. May là tụi em ở trên lầu của tiệm nên cũng đỡ.”
Anh nói thêm : “Nhưng đang lo chứ chị, dù tiệm đóng cửa vẫn phải trả tiền sở hụi. Em cũng không có khách du lịch. Một hai tháng thì không sao, chỉ sợ cả hai vợ chồng cùng không kiếm được tiền trong thời gian dài thì rất nguy hiểm.”

Theo ước tính, có hơn 500.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài, trong đó khoảng 50.000 người ở Thái Lan sinh sống chủ yếu ở Bangkok và các thành phố du lịch khác. Phần lớn là đến theo diện du lịch rồi ở lại làm việc bất hợp pháp.

Vì Visa du lịch chỉ có hiệu lực trong 30 ngày, họ mỗi tháng phải ”đi tò,” tức là ra khỏi Thái Lan, vào một nước khác như Lào hay Campuchia, rồi lại từ đó trở lại Thái, đóng dấu nhập cảnh lại, tháng nào cũng lặp lại như vậy
Nghề phổ biến nhất của người Việt ở đây là phục vụ quán ăn, quán rượu, giữ xe, trông xe, làm thợ may, rồi có điều kiện thì mở xưởng may, thuê thợ. Nhiều người khác sống bằng nghề bán trái cây bóc, gọt sẵn ; bán nước trái cây ; bán kem ; bán cơm rang ; đồ ăn nhanh cho người địa phương và du khách
Linh mục Anthony Lê Đức, thuộc dòng Truyền giáo Ngôi Lời, sống ở Thái Lan đã hơn 13 năm, hiện giảng dậy tại Đại Chủng Viện Quốc gia Bangkok giải thích lý do nhiều người Việt kéo đến đây:
So với mức lương Việt Nam, thì tiền kiếm được ở Thái hơn nhiều, tuy không nhiều như ở Đài Loan hay Đại Hàn, nhưng ngược lại chi phí qua đây cũng ít tốn kém, chỉ tốn vài ngàn Bahts, để từ Việt Nam qua đây. Qua đây, người Việt mình gặp anh chị em bà con bạn bè họ giới thiệu nâng đỡ cho, không cần phải qua môi giới hay dịch vụ này dịch vụ kia. Rồi nếu có công việc gì ở quê thì đi đi về về. Cho nên không phải đầu tư nhiều cho mỗi chuyến đi. Nếu công việc có thì đời sống lao động ở Thái Lan tương đối là thoải mái so với những nơi khác.”

Tình trạng lao động Việt làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, giờ đây bản thân họ đang rơi vào vòng nguy hiểm.

Đầu năm 2017, Thái Lan bắt đầu áp dụng luật mới quy định lao động nhập cư phải có giấy phép làm việc, nếu không sẽ bị phạt tù. Chính sách này nhằm ngăn chặn nạn buôn người và bạc đãi lao động nhập cư ở Thái Lan, vốn bị phương Tây chỉ trích nhiều năm qua. Tuy nhiên, hệ quả của luật mới là hàng ngàn lao động nước ngoài bỏ việc, về nước, dẫn đến thiếu lao động nghiêm trọng. Trước làn sóng bỏ việc và áp lực từ giới doanh nghiệp, chính phủ buộc phải nhượng bộ, chỉ yêu cầu đăng ký thay vì xin phép. Theo Bộ Lao động, thời điểm năm 2017-2018 có hơn 3,8 triệu lao động nhập cư đang làm việc ở Thái Lan và khoảng một nửa trong số này đã đăng ký với chính quyền địa phương, chủ yếu là người Campuchia, Lào và Myanmar.
Từ cuối tháng 2/2018, chính quyền Thái Lan bắt đầu nhận lao động Việt Nam làm việc trong hai lĩnh vực là xây dựng và ngư nghiệp. Đây là kết quả từ thỏa thuận do hai nước ký kết trước đó. Tuy nhiên, người Việt Nam ở Thái Lan có sức lao động không cao, chủ yếu người sang đây là người già, phụ nữ rất khó để làm các ngành này. Hai nghề được cho phép này không chỉ không phù hợp với thể trạng và kỹ năng của người Việt mà thu nhập cũng không hơn khi làm việc trong nước. Đây là lý do mà người Việt hầu như không đăng ký lao động tại Thái Lan, chấp nhận làm việc bất hợp pháp với thu nhập cao hơn, được ngày nào hay ngày đó.
Sau này, có một vài thông tin là Chính phủ Thái Lan đang xem xét mở rộng cửa hơn cho lao động Việt Nam làm việc hợp pháp trong nhiều lĩnh vực như nghề giúp việc nhà, công nhân…, thay vì chỉ giới hạn trong ngành xây dựng và đánh bắt cá như thỏa thuận trước đây nhưng thời gian cứ trôi đi và dường như mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ. Người lao động Việt vẫn hàng ngày bán sức ở xứ sở chùa vàng trong tình trạng bất hợp pháp để gửi tiền về nước và chính quyền cộng sản vẫn ‘nhắm mắt làm ngơ’, ‘ngậm miệng ăn tiền’, không có những biện pháp cần thiết để hỗ trợ công dân.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023