Mỹ: Dự kiến hàng triệu ca nhiễm, hàng trăm nghìn người tử vong

https://www.youtube.com/watch?v=GFW4xJfD2KQ

Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm và dị ứng của Mỹ, vừa đưa ra lời cảnh báo trên kênh CNN rằng dịch viêm phổi Vũ Hán có thể khiến từ 100.000 tới 200.000 người tử vong ở Mỹ và hàng triệu ca nhiễm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết thêm nếu đoàn kết, và làm tốt, Mỹ có thể giữ số tử vong trong khoảng này tức là 100.000 tới 200.000 người thay vì con số 2,2 triệu ca có thể tử vong.

Trong cuộc họp báo về bệnh viêm phổi Vũ Hán ngày 29/3 (giờ Mỹ), ông Trump cho biết sẽ gia hạn hướng dẫn nhằm lại chậm lại sự lây lan của viêm phổi Vũ Hán đến 30/4, thay vì mục tiêu ban đầu là sau lễ phục sinh, tầm 12/4. Ông cũng cho biết đỉnh dịch ở Mỹ có thể trong vòng 2 tuần nữa.
Trước đó, hôm 12/3, Nghị sĩ Rashida Tlaib đưa ra thông tin tổng cộng khoảng 70-150 triệu người có thể nhiễm dịch bệnh này tại Mỹ trong phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ với các thành viên nhóm chuyên trách chống dịch viêm phổi Vũ Hán của tổng thống, xác nhận những gì mà truyền thông Mỹ, bao gồm Axios và NBC News, từng đăng tải.
Khi được nghị sĩ Tlaib hỏi liệu ông có tin dự báo là chính xác, bác sĩ Anthony Fauci nói: “Chúng ta thực sự cần thận trọng với những dự báo như vậy vì nó dựa trên một mô hình“.
Ông Fauci nói “mọi mô hình đều tốt như giả định bạn đưa vào đó” và với các biện pháp khống chế và giảm nhẹ, con số 150 triệu có thể tránh được.
Ông cũng lưu ý rằng một mô hình của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ (CDC) năm 2014 dự đoán dịch Ebola tại châu Phi có thể ảnh hưởng đến hơn một triệu người. Tuy nhiên, điều này không xảy ra và số người nhiễm sau cùng là chưa tới 30.000.
Trình bày trước quốc hội Mỹ hôm 11/3, ông Fauci ước tính khoảng 80% ca bệnh viêm phổi Vũ Hán là nhẹ và tỷ lệ tử vong nói chung vào khoảng 1%. Như vậy, nếu 150 triệu người Mỹ bị nhiễm bệnh thì số người chết tại nước này có thể dao động từ 700.000 đến 1,5 triệu người.

Giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ và là chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, ông Anthony Fauci

Nếu con số dự báo khoảng 200.000 ca tử vong vì dịch bệnh là chính xác thì viêm phổi Vũ Hán chưa phải là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ.

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Mỹ vào năm 2018, với 650.000 người chết.
Cúm và viêm phổi khiến khoảng 60.000 người tử vong.
Theo Reuters, kể từ năm 2010, dịch cúm ở Mỹ làm 12.000 tới 61.000 người tử vong mỗi năm.
Đại dịch cúm năm 1918-1919 đã làm 675.000 người chết.

Tới ngày 29-3, Mỹ đã tiến hành 894.000 xét nghiệm viêm phổi Vũ Hán.
Theo số liệu trường đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận 518 ca tử vong mới trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong ở Mỹ là 2.409 trường hợp, tăng hơn gấp đôi so với hai ngày trước đó.
Số ca nhiễm mới trong một ngày ở Mỹ là 21.333 ca.

Tổng số ca nhiễm của Mỹ hiện nay là 136.880 ca và là nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới, sau đó là Ý, Trung Quốc và Tây Ban Nha.

Đường phố new york vắng vẻ vì viêm phồi Vũ Hán

Ngày 28/3 vừa qua Mỹ cũng ghi nhận tù nhân đầu tiên tử vong vì viêm phổi Vũ Hán.

Cơ quan quản lý nhà tù liên bang (BOP) hôm 28/3 thông báo ông Patrick Jones, 49 tuổi, đã trở thành tù nhân Mỹ đầu tiên tử vong vì viêm phổi Vũ Hán.

Tin cho hay, tù nhân này có các triệu chứng nhiễm bệnh đầu tiên ngày 19/3, và việc ông từng có các vấn đề về sức khỏe khiến ông dễ bị tổn thương hơn.
Ông Jones thiệt mạng tại nhà tù ở Oakdale, Louisiana, khi đang thụ án tù 27 năm liên quan tới ma túy.
Truyền thông quốc tế đưa tin, còn có 5 tù nhân tại Oakdale được xét nghiệm dương tính với viêm phổi Vũ Hán.
Theo BOP, có tổng cộng 14 tù nhân và 13 nhân viên tại các nhà tù liên bang Mỹ bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán.

Những ngày gần đây, các nhà hoạt động và các quan chức liên công đoàn nhà tù kêu gọi Bộ Tư pháp nỗ lực thêm nữa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh trong các trại giam ở Mỹ.
BOP gần đây đã triển khai các chính sách mới, trong đó có việc tạm ngưng việc thăm tù nhân và yêu cầu các tù nhân mới phải bị cách ly trong vòng 14 ngày.

Trước đó, nhiều nhà tù ở Mỹ đã phải thả tù nhân nhất là khi một giám thị và một tù nhân ở nhà tù Rikers Island có kết quả dương tính với viêm phổi Vũ Hán vào ngày 18/3.

Ông Bill de Blasio, thị trưởng New York cho biết thành phố này quyết định thả những tù nhân “dễ bị tổn thương“. Các tù nhân được trả lại tự do gồm những trường hợp phạm tội vặt và những người có bệnh lý nền.

Trước đó, Los Angeles cũng đã phóng thích 600 tù nhân trong vòng 2 tuần đầu tháng 3 để hạn chế nguy cơ lây bệnh cho tù nhân.
Hạt Cuyahoga của bang Ohio cũng phóng thích hàng trăm tù nhân do lo ngại về dịch bệnh.

Mỹ có khoảng 2,3 triệu tù nhân ở các nhà tù cấp liên bang, tiểu bang và địa phương.

Theo các nhà vận động về cảm hóa tội phạm, tù nhân đang đối diện với nguy cơ đặc biệt liên quan đến dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán do tình trạng vệ sinh, quá tải trong các phòng giam và khu sinh hoạt chung.
Người bị còng tay không thể che miệng mình khi ho hay hắt xì, bồn rửa tay không có xà phòng và nước rửa tay sát khuẩn bị cấm vì các loại dung dịch có cồn bị cấm trong tù.

Cũng trong ngày 28/3, Sở y tế công cộng bang Illinois xác nhận trường hợp trẻ sơ sinh đầu tiên tử vong tại Mỹ do mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Tại buổi họp báo ngày 28/3, Thống đốc bang Illinois, ông JB Pritzker cho biết “một trẻ sơ sinh” nằm trong số những trường hợp tử vong vì viêm phổi Vũ Hán trong vòng 24 giờ trước ở Mỹ.

Trong một thông báo, Giám đốc Sở y tế công cộng bang Illinois, Tiến sĩ Ngozi Ezike cho biết: “Trước đây chưa bao giờ có ca tử vong là trẻ sơ sinh do dịch viêm phổi Vũ Hán. Một cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm xác định nguyên nhân tử vong”, đồng thời ông khẳng định sẽ làm mọi thứ nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh chết người này.

Cơ quan Y tế bang Illinois xác nhận đứa trẻ tử vong ở thành phố Chicago là nhỏ hơn 1 tuổi và đã xét nghiệm dương tính với viêm phổi Vũ Hán.

Trước đó, một ca tử vong là trẻ em dưới 1 tuổi được xác nhận ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trường hợp này có tiền sử bệnh trước đó.

Đứa bé sơ sinh ở Chicago là một trong số 13 trường hợp tử vong vì viêm phổi Vũ Hán ở Illinois cho đến thời điểm trên.

Trên thế giới cũng đã từng ghi nhận một số trường hợp trẻ sơ sinh vừa chào đời đã dương tính với viêm phổi Vũ Hán.

Tại Trung Quốc, theo tờ Nhân dân Nhật báo, bé gái tên Xiaoxiao được sinh non ngày 5/2 và ngay lập tức đến bệnh viện vài giờ sau khi chào đời. Người mẹ được chẩn đoán dương tính với viêm phổi Vũ Hán ngay trước khi sinh và bị sưng phổi nặng.
Sau khi chào đời 4 ngày, em bé cũng được chẩn đoán dương tính với dịch bệnh. Xiaoxiao không có triệu chứng như khó thở, sốt hay ho nhưng bị tổn thương cơ tim nhẹ.
Các bác sĩ cho biết chỉ số nhiễm bệnh của bé gái không quá cao nên không cần dùng thuốc kháng sinh. Sau khi cân nhắc các nguy cơ, các bác sĩ quyết định không cho dùng thuốc và để em bé tự hồi phục do chưa hiểu hết về loại cúm mới. Xiaoxiao chỉ được điều trị triệu chứng ở cơ tim.
Sau 17 ngày được theo dõi đặc biệt trong khu cách ly, tình hình sức khỏe của em bé đã tiến triển và được xét nghiệm 2 lần đều cho kết quả âm tính với bệnh dịch.
Bé gái xuất viện vào ngày 21/2 và là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất phục hồi sau khi bị nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Giữa tháng 3, một bé sơ sinh vừa chào đời ở London (Anh) đã được xác nhận mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán. Theo The Sun, trước khi sinh vài ngày, một sản phụ ở London đã nhập viện với những triệu chứng nghi là bệnh viêm phổi. Sản phụ được xét nghiệm tại bệnh viện Bắc Middlesex, nhưng đã sinh con trước khi nhận được kết quả dương tính.
Đúng như Thủ tướng Anh, người cũng đã được phát hiện dương tính với dịch bệnh ngày 27/3, khẳng định trong bài phát biểu ngày 12/3 rằng : « Chúng ta cần nói thật với nhau. Đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất. » Tuân thủ quy định của chính quyền, tăng cường sức khỏe, đề cao cảnh giác phòng chống lây nhiễm là những gì mà mọi người nên làm vào thời điểm này.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)