Tướng tá quân đội bán đất vàng – thanh tra nói “không tham nhũng”

Bộ Quốc Phòng Việt Nam vừa khẳng định với cử tri Đà Nẵng qua văn bản trả lời ngày 12 tháng 2 rằng trong số những quân nhân cấp tướng bị xử lý kỷ luật, không có người nào bị xử lý vì tham nhũng. Thật sự có phải như lời Bộ Quốc Phòng?

Hôm 13/2, Nhà văn, Đại tá Phạm Đình Trọng, từng công tác nhiều năm trong lực lượng quân đội, nhận xét:“Theo tôi, việc đấy là họ nói tránh đi để họ bảo vệ danh dự của họ thôi, chứ nhân dân ai cũng biết, các tướng tá đó đều tham nhũng đất đai, chứ không phải là không có tham nhũng.”
Trong khi đó, theo Bộ Quốc Phòng Việt Nam thì vi phạm của những quân nhân cấp tướng quân đội Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu là do buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các qui định của Nhà nước, của Quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng. Bộ Quốc Phòng còn nhấn mạnh những sai phạm của các vị tướng quân đội tập trung vào thời điểm các nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010 đến 2015.
Đại úy Võ Minh Đức, người từng phục vụ quân đội hơn 10 năm, nói: “Về việc quản lý đất đai, tưởng mấy ông đó lên tới cấp tướng mà không biết gì… nó tất tần tật là vì tiền… chung chi, đút lót, để nó cho người này được dự án, người kia được dự án, rồi lấy đất quốc phòng đổi chác, bán tùm lum… Không chỉ cấp tướng, cỡ đồng trang lứa như tôi, là cấp thượng tá, không ai mà nhà tranh vách lá, toàn là ít nhất 3 tầng, 4 bánh hay có người là biệt phủ. Toàn nhà cao cửa rộng, tiền ở đâu ra, lương quân đội so với ngành khác là cao ngất ngưỡng rồi đó, nhưng chưa đủ để có cơ ngơi như thế.”

Theo Đại úy Võ Minh Đức, đó là bề nổi, chưa kể bề chìm là đưa con đi học nước ngoài, mua nhà ở nước ngoài thì tiền ở đâu ra? Đó chính là tiền bổng lộc lợi dụng chức quyền, tham nhũng , ăn cắp của công đem lại trong quản lý đất đai và các mảng khác.

Hình ảnh lô ‘đất vàng’ 3.500 m2 tại số 7 – 9 Tôn Đức Thắng Quận 1 TpHCM – của Công ty Hải Thành thuộc Bộ tư lệnh Hải quân nhưng cuối cùng trở thành đất tư nhân

Còn theo Trung tá Vũ Minh Trí, trước khi về hưu công tác tại Cục Kỹ thuật, Tổng cục 2, Bộ Quốc Phòng, có thể nhìn rõ các tướng tá trong quân đội có tham nhũng hay không qua những tài sản mà họ có. Ông nói:
Tôi từng ở trong quân đội, với mức lương được cấp phát, để đủ sống ở thành phố đã khó, chưa nói đến chuyện mua sắm xe cộ nhà cửa. Thế nhưng tôi thấy xung quanh tôi, không đến cấp tướng đâu, mà đến cấp tá thôi, cũng nhiều người giàu có rất là bất thường. Tôi nghĩ rằng với vị trí công tác như vậy, tính chất công việc, thời gian như vậy, không thể có cách kiếm tiền nào khác ngoài tham nhũng.”
Người giữ chức vụ cao nhất trong quân đội Việt Nam bị xử lý kỷ luật tính đến thời điểm hiện nay là cựu Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Quốc Phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Vào ngày 22 tháng 10, Cơ quan Điều tra Hình sự Bộ Quốc Phòng phối hợp với Viện Kiểm Sát Quân sự Trung ương thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Hiến về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 điều 360 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

Biện pháp khởi tố ông Nguyễn Văn Hiến được tiến hành trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Đinh Ngọc Hệ, Bùi Văn Nga và những tòng phạm về tội vi phạm các qui định về quản lý đất đai theo khoản 3 điều 229; và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3 Điều 174 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015.

Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, có rất nhiều sai phạm nhưng chỉ bị cấm đi khỏi nơi cư trú

Trung tá Vũ Minh Trí, nói tiếp:
“Ở Việt Nam có câu thành ngữ ‘Nó lú có Chú nó khôn’, tức là bản thân ông tư lệnh hải quân, ở dưới có rất nhiều cơ quan hay cá nhân tham mưu giúp việc, nếu bản thân ông ta có nhầm lẫn hay sai sót, sẽ có một hệ thống cảnh báo, ngăn chặn… kể cả cấp trên.
Thế nhưng để ra sai phạm lớn như vậy, tôi nghĩ họ không lầm đâu mà họ biết làm vậy là sai phạm… nhưng họ cố tình làm sai, vì liên quan hàng ngàn tỷ đồng thì ai cũng có thể thấy. Ví dụ ra chợ, mớ rau 5 ngàn 3 ngàn còn phải mặc cả, đằng này đây, những khối tài sản cực kỳ lớn, rõ ràng họ phải biết, nếu chênh lệch thì cũng chỉ có thể chút ít thôi chứ không phải như vậy
.”
Thượng tướng Lê Chiêm, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, khi trả lời báo chí trong nước trước đây từng thừa nhận, vẫn có một số đơn vị trong quân đội không quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng, khi cho rằng đơn vị mình không có tham nhũng. Đến khi phát hiện có tham nhũng thì xử lý lúng túng.
Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hàng chục tướng, tá quân đội và công an bị kỷ luật, xử lý vì để xảy ra những vi phạm trong công tác quản lý đất đai. Điển hình như trường hợp của Đô đốc Nguyễn Văn Hiến.

Ngoài ra, trong danh sách tướng, tá quân đội bị kỷ luật vì đất đai còn có Thượng tướng Phương Minh Hòa, Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy, Đại tá Trương Thanh Nam, Đại tá Nguyễn Hải Châu, Đại tá Phạm Ngọc Dũng.v.v…

Dự án CityLand Park Hills tại Gò Vấp 27 ha – 2 mặt đường Phan Văn Trị và Nguyễn Văn Lượng, vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, là một trong những dự án có nguồn gốc đất quân đội

Ngoài tham nhũng trong đất đai, việc mua sắm trang thiết bị, vũ khí cho Bộ quốc phòng cũng được nêu lên nhiều dấu hỏi về những khoảng ‘lại quả’ ‘hoa hồng’…
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất trên thế giới. Cụ thể trong giai đoạn từ 2014 tới 2018, số vũ khí nhập khẩu của Việt Nam chiếm 2,9% tổng số vũ khí bán ra trên toàn cầu. Chỉ trong năm 2016, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam là 5 tỷ đô la và dự kiến sẽ tăng lên hơn 6 tỷ đô la vào năm 2020.
Liên quan vấn đề này, Trung tá Vũ Minh Trí cho biết ý kiến của mình:
Tôi không có thông tin thật cụ thể nhưng nghe nói nhiều, nhưng tôi có thể suy ra từ những việc nhỏ, ví dụ như mua giấy văn phòng, xe công, hay quà cáp… thì đề có tình trạng ăn hoa hồng hay kê giá cao lên. Nên tôi nghĩ việc mua vũ khí thì rất khó tránh khỏi tham ô. Đặc biệt khi không có giám sát của cơ quan chức năng, với lý do bảo mật, an ninh quốc phòng…
Vào năm 2017, trang tin Shephard Media trích dẫn một nguồn tin quốc phòng của Mỹ cho biết, các giới chức quốc phòng Việt Nam thông báo cho phái đoàn của Mỹ biết trong một cuộc họp ở Hà Nội, rằng các thương vụ mua bán vũ khí phải được “lại quả” 1/4 của tổng giá trị. Sau khi phía Việt Nam đưa ra yêu cầu đó, cuộc họp đã “đột ngột dừng lại”.

Nhận xét về việc đòi hoa hồng trong mua sắm thiết bị quốc phòng, ông Phạm Đình Trọng nói: “Cái đó thì gần như là đương nhiên ở cái lệ mua bán ở Việt Nam, không cần phải nói thì ai cũng biết là họ có đi đêm. Ví dụ mua vũ khí của Mỹ thì họ đòi đến 25% chẳng hạn, chính vì thế không mua được vũ khí của Mỹ mà phải mua của những nước tham nhũng như Nga, Ấn Độ… vì Mỹ quy định chặt chẽ, quan chức khó tham nhũng được.”

Hình ảnh Hải quân Việt Nam với tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga

Tài liệu công bố chính thức của Bộ Tư pháp Mỹ có phần nói về cáo buộc tại Việt Nam. Đây là liên quan việc Airbus bán máy bay quân sự C-295 cho Ghana, Indonesia và Việt Nam.
Phần về Việt Nam không đề cập có hay không việc Airbus hối lộ quan chức Việt Nam. Thay vào đó, cáo buộc của Mỹ là Airbus đã sử dụng môi giới để giúp xúc tiến bán máy bay quân sự C-295.
Liên quan vụ mua bán, Airbus sẽ trả “đóng góp chính trị, chi phí, hay tiền hoa hồng” (political contributions, fees, commissions) cho các bên thứ ba.
Mỹ nói rằng từ khoảng 2009 tới 2014, Airbus tìm cách bán máy bay quân sự cho Việt Nam, với kết quả là bán được ba chiếc C-295.
Hợp đồng bán ba chiếc C-295 giữa Airbus và Bộ Quốc phòng Việt Nam ký ngày 17/12/2013.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt nam giai đoạn này là Đại tướng Phùng Quang Thanh.

Hồi đầu tháng 2/2020, truyền thông quốc tế cho biết Airbus đồng ý trả 4 tỷ đô la tiền phạt cho Tòa án ở Pháp, Anh và Hoa kỳ để giải quyết một cuộc điều tra tham nhũng toàn cầu kéo dài 4 năm kể từ 2016 đến nay. Vụ việc có liên quan đến phi vụ Việt nam mua máy bay quân sự C-295 của Airbus.

Bộ trưởng Quốc phòng Đại tướng Phùng Quang Thanh

Các nhà điều tra Mỹ nói Airbus, hoặc người liên quan Airbus, đã hứa hẹn trả “đóng góp chính trị, chi phí, hoặc tiền hoa hồng” (political contributions, fees, commissions) là 6.150.226 Euro.
Hồ sơ của Mỹ mô tả tiếp rằng, một Tổ chức 4 (Organization 4), là một công ty Hong Kong làm ăn ở Việt Nam. Có ba Nhà tư vấn 6, 7, 8, đều là công dân nước ngoài, là đối tác kiểm soát Tổ chức 4.
Nhà tư vấn 7 được Mỹ mô tả là có quan hệ cá nhân lâu dài với các quan chức chính phủ và lãnh đạo hàng không Việt Nam.
Tổ chức 4 bắt đầu làm việc cho Airbus từ khoảng năm 2002.
Ngày 20/12/2013, sau khi bán xong C-295 cho Việt Nam, Airbus có thỏa thuận sẽ trả cho Tổ chức 4 khoản phí thành công, là 6.150.226 Euro.
Và rốt cuộc, theo phía Mỹ, Airbus đã thực trả ít nhất 2.935.541 Euro, theo thỏa thuận.

Thủ đoạn của Airbus là chi trả tiền cho một công ty môi giới Hongkong và 3 nhà tư vấn khác do công ty Hongkong này giới thiệu, rồi thông qua công ty môi giới ấy sẽ chi tiền cho các quan chức lãnh đạo Quốc gia đã mua máy bay.

Hình ảnh máy bay quân sự C-295 mà Việt Nam đã mua của Airbus

Quân đội là lực lượng trụ cột, với chức năng bảo vệ đất nước, nhưng tại Việt nam thì họ lại lao vào làm ăn kinh tế, kinh doanh đa ngành để thu lợi nhiều nhất, cũng từ đây phát sinh nạn tham nhũng, ăn cắp của công lan tràn.
Mỗi năm, hàng tỷ đô la tiền thuế của người dân, dùng để nuôi lực lượng này, cũng như mua vũ khí trang bị cho họ đã trở nên vô nghĩa vì sự thiếu chuyên nghiệp của quân đội và khi xảy ra chiến tranh thì hàng triệu người dân sẽ gặp hiểm nguy vì chính sách sai lầm của Đảng cộng sản Việt nam.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
Nguồn: RFA

Kasse animation 7.8.2023