Bỏ giáo điều, Vương Đình Huệ có dám “trái ý” TBT Nguyễn Phú Trọng?

Ông Vương Đình Huệ vừa được bổ nhiệm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, thay thế ông Hoàng Trung Hải thôi giữ chức vì bị kỷ luật do những sai phạm tại Công ty gang thép Thái Nguyên.
Có ý kiến cho rằng sự thăng tiến của Vương Đình Huệ là tốt, bởi ông này được xem là một trong những nhà kỹ trị nổi trội hàng đầu trong nhóm đảng viên Đảng cộng sản ở Việt Nam, có học hàm giáo sư.

Theo bình luận của giới quan sát, dù việc này chỉ là biện pháp tạm thời (tức bước đệm) để ông Vương Đình Huệ tiến vào Tứ Trụ trong Đại hội 13 (tháng Giêng 2021), hay ông sẽ tiếp tục lãnh đạo Hà Nội thêm một nhiệm kỳ để giải quyết các vấn đề nhức nhối mà Thủ đô đang phải đối mặt, thì đường quan lộ của “cậu học trò nghèo quê gốc Nghệ An trở thành Phó Thủ tướng” rõ ràng là hết sức thuận lợi.
Tác giả David Hutt trên tờ The Diplomat (ngày 16/01) thậm chí còn nêu nhận định: ông Huệ có khả năng sẽ được Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng hậu thuẫn làm Thủ tướng trước khi về nghỉ, trong trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc nắm ghế Tổng bí thư, nhằm duy trì sự cân bằng quyền lực các phe phái.
Ông Huệ cũng có bằng tiến sỹ tài chính tại Slovakia và từng giảng dạy tại Học viện Tài chính.
Phải nói rằng bên trước ông Huệ, nhiều kỳ vọng tương tự cũng được gửi gắm lên vai các công Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Văn Bình, Vũ Đức Đam, Nguyễn Mạnh Hùng…và cả những nhân vật đã không may “ngã ngựa” như Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải (thạc sỹ ĐH Dublin, Ireland)…

Hình ảnh trong Hội nghị bổ nhiệm ông Vương Đình Huệ cho thấy ông Hoàng Trung Hải với nét mặt đau khổ

Nhiều người đã hy vọng rằng, sẽ có một thế hệ lãnh đạo mới, trẻ trung hơn, mang phong cách kỹ trị, dám nghĩ dám làm và ít giáo điều.

Kỹ trị (technocracy) là một cụm từ “thời thượng” ở Việt Nam những năm qua, phù hợp với chủ trương xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state), mô hình đã làm nên kỳ tích kinh tế của các quốc gia Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore).
Tổng thống Singapore Halimah Jacob là tiến sĩ luật, ĐH Quốc gia Singapore, và có kinh nghiệm quản trị trong ngành lao động, nghiệp đoàn, các vấn đề xã hội, phụ nữ và từng làm chủ tịch Quốc hội. Singapore nổi tiếng với mô hình quan chức ‘kỹ trị’
Sở dĩ có chủ trương này bởi kỹ trị thường được định nghĩa như một hệ thống quản trị, trong đó các nhà hoạch định sẽ được tuyển chọn dựa trên chuyên môn của họ, nhất là kiến thức khoa học trong các lĩnh vực, chứ không phải nhờ đảng phái, phe nhóm, quan hệ hay ý thức hệ.
Hệ thống này khá tương phản với quan niệm cho rằng nên để các đại diện do dân bầu nên ra quyết định trong chính phủ (tức mô hình dân chủ).
Đảng Cộng sản Việt Nam thường bám vào khái niệm này cùng với kinh nghiệm của Singapore để khẳng định chỉ duy nhất Đảng mới đủ năng lực lãnh đạo đất nước đi đến thắng lợi cuối cùng, tuy nhiên gần đây hàng loạt các quan chức cấp cao của ĐCS lần lượt bị truy tố và phải lĩnh các bản án với nhiều chục năm tù vì tham nhũng và quản lý yếu kém

Nhà hoạt động Hoàng Dũng đưa ra bình luận bằng cách kể câu chuyện rằng:
Hồi tháng 9/2011, anh Huệ mới lên Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã có những chấn chỉnh hệ thống xăng dầu, làm hàng triệu dân lúc bấy giờ cảm thấy dễ thở hơn.

Hình ảnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 5 Phó thủ tướng với 2 Thạc sỹ, 3 Tiến sỹ

Phải khẳng định với bà con rằng những năm ấy, 2010, 2011… còn đầy người chưa nhận ra bộ mặt thật của những người cộng sản. Khi ấy hàng triệu người dân, bị truyền thông 1 chiều của nhà nước che phủ đã phát cuồng với Nguyễn Bá Thanh, Đinh La Thăng rồi Vương Đình Huệ, thậm chí cả Thủ tướng vì những phát ngôn mị dân của họ.
Năm ấy, trong cuộc họp, anh Huệ doạ: “Nếu doanh nghiệp nào thấy lỗ quá không làm được thì rút lui. Kể cả Petrolimex, nếu không làm được chúng tôi sẵn sàng cho giải tán để lập tổng công ty khác. Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi xin tuyên bố sẽ không cho phép doanh nghiệp nào bỏ việc lưu thông xăng dầu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết. Không phải vì 11 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, mà vì cả nền kinh tế và hơn 80 triệu người tiêu dùng xăng dầu trên lãnh thổ này”. Sau lời phát biểu đó biết bao người tin rằng giá xăng dầu sẽ không còn là gánh nặng của người lao động nữa. Nhưng thực chất là cũng sau phát biểu này, thì giá xăng dầu thì cứ tăng liên tục cho đến nay vẫn chưa có điểm dừng.
Đảng cộng sản như một cỗ máy quá cũ, rệu rã. Bí thư Thành phố Hà nội Vương Đình Huệ có thể là một chi tiết máy hiện đại. Liệu có hy vọng là nó sẽ kéo cả cỗ máy lao về phía trước được không?
Hoặc là nó sẽ phải thích nghi hoặc nó sẽ bị cỗ của Đảng đánh bật ra vì không phù hợp như tấm gương của Nguyễn Bá Thanh hay Đinh La Thăng mà thôi.

ông Vương Đình Huệ trả lời chất vấn của Đại biểu quốc hội với cương vị bộ trưởng Tài chính

Khác với các nhà hoạch định chính sách của những nền kỹ trị lừng danh tại châu Á thường trải qua đào tạo bài bản, điển hình như Singapore, Đài Loan, Nhật Bản… phần lớn lãnh đạo Việt Nam đều có bằng cấp cao nhưng ít giá trị, do tiêu chuẩn học thuật trong nước quá thấp, không có hệ thống dám sát độc lập, nên dẫn tới thiếu “thực học”.

Bởi nếu chỉ dựa vào một số tuyên bố hoặc phát ngôn “gây chú ý” để tùy tiện gán cho hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam đương đại hai chữ “kỹ trị” thì e có phần hơi vội vàng, nhất thiết phải nhìn vào quá trình hoạt động và những việc làm cụ thể của họ.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn Từng là giáo sư luật tại các trường Đại học Đông Ngô (Soochow) và Đại học Quốc gia Chính trị (Chengchi), bà Thái Anh Văn còn có bằng tiến sỹ luật từ trường Đại học Kinh tế Chính trị London (LSE) danh tiếng.
Hoặc nếu họ có bằng cấp ‘kỹ trị’ thì bằng đó cũng phải xếp sau các tiêu chí đạo đức Đảng viên, bản lĩnh chính trị, và nhất là không thể thiếu chứng chỉ “lý luận chính trị”, do trường Đảng Nguyễn Ái Quốc cấp, để thăng tiến.
Xin lấy ví dụ, ông Đinh La Thăng vốn học kế toán, nhưng lại đi lên từ phong trào văn nghệ Đoàn tại Tổng công ty Sông Đà, và cũng có tấm bằng tiến sỹ với đề tài: “Tổ chức công tác kế toán ở các doanh nghiệp xây dựng trong điều kiện ứng dụng tin học” (năm 1996).
Đây là một tấm bằng rõ ràng là không có nhiều giá trị ứng dụng, nhưng cuối cùng thì ông vẫn được Đảng cộng sản đưa lên vị trí cao, nắm quyền sinh, quyền sát của Sài Gòn – một trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước.
Điều này càng cho thấy tâm và tầm của các lãnh đạo mang danh kỹ trị ở Việt Nam đến đâu.

Hình ảnh ông Đinh La Thăng, tiến sĩ kinh tế, từng làm Bộ trưởng Bộ GTVT rồi Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (2016-2017)

Cố Thủ tướng Nhật Hayato Ikeda (1899-1965) là một nhà kỹ trị từng thiết kế ra ‘tầm nhìn Nhật Bản’ với tham vọng đưa GDP đầu người tăng gấp đôi sau 10 năm và ông đã hoàn thành mục tiêu sớm hơn cả kỳ vọng (chỉ mất 7 năm)

Để so sánh, cố Thủ tướng Nhật Bản Ikeda Hayato (1899 – 1965) từ khi còn làm Bộ trưởng Tài chính đã dày công nghiên cứu và cộng tác với các trí thức để đề xuất chiến lược bội tăng thu nhập quốc dân – nhằm đưa GDP đầu người tăng gấp đôi sau 10 năm – cho cương lĩnh tranh cử năm 1960.
Nhờ tầm nhìn cùng sự lèo lái tài tình của ông, nước Nhật trên thực tế đã hoàn thành mục tiêu sớm hơn cả kỳ vọng (chỉ mất 7 năm), trong khi Ikeda còn không được may mắn để chứng kiến thành quả đó của mình vì qua đời năm 1965.
Hay cựu Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy (sinh năm 1923), nhờ vào nền tảng tri thức uyên thâm – được cả Nhật và Mỹ đào tạo, đã tốt nghiệp tiến sỹ tại Cornell và nhận giải thưởng cho luận văn xuất sắc nhất của Hiệp hội Kinh tế Nông nghiệp Mỹ (năm 1968).
Ông Lý Đăng Huy đã góp công rất lớn vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp Đài Loan trong giai đoạn làm Bộ trưởng và sau dẫn dắt Đài Loan chuyển đổi sang dân chủ.
Dù chỉ là một hòn đảo nhỏ, ít tài nguyên, lại hay bị thiên tai và có xuất phát điểm thấp với hàng triệu người sống trong cảnh nghèo đói trong thập niên 1950, nhưng chỉ sau 30 năm, Đài Loan đã cất cánh, hóa rồng và dân chủ hóa thành công.
Ông lãnh đạo Đài Loan và xây dựng được một chính phủ kiến tạo, giúp huy động hiệu quả các nguồn lực vào việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ.

19 nhân vật trong Bộ chính trị khóa 12 đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng

Đối với trường hợp tân bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ, mặc dù hay được gọi là chuyên gia kinh tế nhưng ông hay dừng lại ở việc không làm mếch lòng ai và những câu nói thoạt nghe tưởng rằng thâm thúy nhưng nghĩ lại chỉ là “vô thưởng vô phạt”.

Cũng theo cách tư duy đó, đáng ra ông phải không ủng hộ chủ trương thành lập siêu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do chính ông theo dõi, chỉ đạo.
Đây là một biện pháp “dấu bụi dưới thảm”, chứ chẳng thể nào giải quyết triệt để khối nợ xấu và tình trạng thua lỗ bởi “đàn khủng long của nền kinh tế vị thành niên”, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước mà lẽ ra cần được cổ phần hóa hoặc cho giải thể, phá sản từ lâu.
Có lần ông còn nêu tiêu chí tuyển dụng cán bộ của siêu Ủy ban này là phải trong sáng, tự trọng (tiêu chuẩn này khá mơ hồ) thay vì yêu cầu người giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm.
Vì thế mà ông Nguyễn Hoàng Anh, cựu Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng, tỉnh chưa thoát nghèo và thường xuyên nhận cứu trợ ngân sách từ Trung ương, lại được chọn ngồi vào ghế chủ tịch của cái Ủy ban đang nắm giữ khối tài sản khổng lồ lên đến hơn 5 triệu tỷ VND.
Trong một hệ thống coi trọng hồng hơn chuyên, tư duy nhiệm kỳ và căn bệnh thành tích lây lan quá nặng, sẽ rất khó có chỗ cho những nhà kỹ trị tài giỏi.
Hay như bình luận của nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp từ Singapore, dư âm của biến cố Đồng Tâm ngay trước Tết có lẽ sẽ là một phép thử đầy khó khăn cho ông Tân bí thư Vương Đình Huệ .

Nếu là một nhà kỹ trị đúng nghĩa, thì ông Huệ hẳn phải hiểu rõ nguyên nhân khiến khối Xã hội chủ nghĩa tại Đông Âu sụp đổ là do sai lầm từ mô hình kinh tế chỉ huy, tập trung thay vì vận hành theo nguyên tắc của thị trường tự do.

Hình ảnh Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông uốn lượn mấp mô như một biểu tượng kém cỏi của việc quản trị đất nước, có dấu hiệu tham nhũng giữa thủ đô Hà nội

Trong trường hợp chưa kịp vào Tứ Trụ và ở lại Hà Nội hết một nhiệm kỳ, liệu ông Vương Đình Huệ sẽ giải quyết những bức xúc ngay trước mắt của Thủ đô như thế nào?
Cần làm gì với công trình đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông liên tục chậm tiến độ, khiến người dân Việt Nam lâm vào bẫy nợ nần của Trung Quốc?
Làm sao cải thiện tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, sông hồ, thiếu khoảng không xanh, quy hoạch “hổ lốn” tại Hà Nội?
Tiếp theo, với chính sách điều động và luân chuyển nhân sự cấp cao như hiện nay của Việt Nam, các lãnh đạo nguồn trong diện được quy hoạch thường ít có thời gian để gắn bó với cơ sở và chuyên tâm làm những việc cụ thể, “ích nước lợi dân”, bởi họ còn bận “đấu đá” để tiếp tục leo cao hơn nữa.
Vì thế, vấn đề của đất nước có lẽ nằm ở lỗi hệ thống nhiều hơn khi người dân chưa được quyền tự do lựa chọn người thực sự tài giỏi ra lãnh đạo mình.
Ở trong một mô hình “không giống ai” và lạc hậu như vậy, bên cạnh tham nhũng, sai phạm là tất yếu, nhân tài sẽ rất khó xuất hiện, hoặc nếu có thì cũng chẳng làm được gì, chưa kể nguy cơ bị cho vào “lò đốt” nếu muốn làm khác.

Bản thân ông Bí thư thành ủy Vương Đình Huệ, từ những năm 1990 đã từng du học tại Tiệp Khắc, nay là Slovakia, ông cũng chứng kiến hệ thống các nước tại Đông Âu theo Chủ nghĩa cộng sản với chế độ Xã hội chủ nghĩa đã bị sụp đổ hoàn toàn, nên con đường ngắn nhất để đưa đất nước phát triển, đó là vứt bỏ kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa mà ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang cố ép buộc người dân và doanh nghiệp trong nước phải đi theo.

Chỉ có nền kinh tế thị trường đầy đủ với nhà nước pháp quyền, thực hiện công bằng xã hội mới là điều mà gần 100 triệu người dân Việt Nam đang cần, và họ có quyền được hưởng điều tốt đẹp đó.

Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

Kasse animation 7.8.2023