Chính quyền Berlin phải chịu ít nhiều trách nhiệm về cái chết thảm thương của một sinh viên gốc Việt Nam

Đài truyền hình RBB tường thuật về phiên tòa hôm khai mạc (bấm vào đây để xem: Video Clip)
Mahmut A. (20 tuổi) hung thủ người Thổ cắt cổ giết chết một sinh viên Việt Nam

Vào thời điểm 5/11/2017 khi giết người Việt Nam 21 tuổi, đúng ra hung thủ Mahmut A. không thể ở nước Đức được, vì tên tội phạm người Thổ này đã bị lệnh bị trục xuất từ lâu. Lẽ ra, hung thủ nguy hiểm này phải bị cưỡng chế trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu trước vụ cướp của, giết chết thanh niên người Việt Nam.

Hôm thứ Hai ngày 09/07/2018 Tòa án bang Berlin đã khai mạc phiên tòa xét xử 3 trong số 5 bị can người T hổ Nhĩ Kỳ (gọi tắt là người Thổ) được cho là tham gia vụ cướp một cửa hàng bán muộn của người Việt tại quận Wilmersdorf, phía Tây Berlin và cắt cổ giết chết người con trai 21 tuổi của chủ cửa hàng. Nhưng 2 hung thủ chính yếu đã trốn thoát ra nước ngoài.

Vụ cướp của giết người dã man và bi thảm này xảy ra cách đây hơn 8 tháng. Vào tối chủ nhật ngày 5/11/2017 khoảng 22:45 giờ, 3 người đàn ông Thổ và 2 phụ nữ Thổ đi cùng xe Audi Q5 đến cửa hàng bán muộn ở đường Bundesallee. Các hung thủ đã rình lúc nữ chủ nhân Hoan N., 53 tuổi đóng cửa hàng rồi đi về nhà thì chạy ra cướp trước cửa nhà. Khi đứa con trai út nghe tiếng mẹ cầu cứu, từ trên nhà chạy xuống để cứu mẹ thì bị cắt cổ giết chết một cách dã man.

Ba bị cáo có mặt trong phiên tòa chỉ là tòng phạm và hỗ trợ mà thôi. Bị cáo thứ nhất là Hussein R. (23 tuổi), một người Thổ đã có tiền án, chủ mưu vụ cướp của này. Tuy nhiên bị cáo này chỉ có phần hành lái xe mà thôi, trong khi vụ cướp của giết người xảy ra, bị cáo này ngồi chờ ở tay lái chiếc xe. Hai bị cáo còn lại là 2 phụ nữ trẻ nguời Thổ: Irem E. (19 tuổi) và Asya Y. (18 tuổi) có nhiệm vụ tìm kiếm chung quanh những máy thu hình an ninh.

Gần hai tuần sau vụ án mạng, bị cáo Hussein R. đã ra trình diện cảnh sát có luật sư đi cùng. Y thừa nhận đã lái chiếc xe Audi Q5 và đưa ra ý kiến tiến hành vụ cướp. Nhưng y nói rằng y không hề có ý định hay dự định giết người. Bị cáo này đã bị tống giam vào tù kể từ đó.

Năm tuần lễ sau án mạng, 2 nữ bị cáo Irem E. và Asya Y. cũng ra trình diện cảnh sát. Họ cũng nói rằng theo kế hoạch thì chỉ giựt bọc tiền của người bán hàng Việt Nam và chạy ra xe. Hai bị cáo này không bị giam vào tù mà được tại ngoại hầu tra.

Hai hung thủ chính yếu thực hiện vụ cướp của và giết người thì đã trốn thoát ra nước ngoài, không có mặt trong phiên tòa. Đó là 2 thanh niên Thổ đang bị truy nã quốc tế: Mahmut A. (hiện nay 21 tuổi) đã trốn về Thổ Nhĩ Kỳ và Moussa E. (22 tuổi) trốn về Libanon.

Hung thủ cầm con dao dài 25 cm đâm nhiều nhát vào người và cắt cổ nạn nhân là Mahmut A. (20 tuổi vào thời điểm gây án) nổi tiếng hung tợn và tàn bạo. Trong hồ sơ tội phạm của y đã có hơn 60 tiền án, tiền sự. Từ khi 10 tuổi, y đã bắt đầu phạm tội trên nước Đức: ăn cắp, ăn trộm, đánh nhau v.v. Đặc biệt nhất là mặc dù mới 16 tuổi, y đã từng bị kết án 4 năm tù về tội ăn cướp và gây thương tích nguy hiểm đến tính mạng.

Ảnh chụp Mahmut A. (20 tuổi) hung thủ người Thổ đang ở trong tù – Cho đến tháng 3 năm 2017 vẫn còn trong tù. Vài tháng sau khi được thả ra, hung thủ tiếp tục gây án giết chết một sinh viên Việt Nam

Trong một vụ cướp quán cà phê ở vùng Wedding thuộc Tây Berlin hồi 15/6/2013 hung thủ Mahmut A. (lúc đó mới 16 tuổi) đã dùng cây xà beng bằng sắt đập nhiều lần vào đầu một người Thổ Hasan D. (59 tuổi) làm nạn nhân bị trọng thương, bị hôn mê trong nhiều tuần và một con mắt bị tàn phế vĩnh viễn. Chính người con trai của nạn nhân đã đưa những hình ảnh này cho báo chí đăng. Sau đó hung thủ đã bị tòa án kết án 4 năm tù. Nếu không có sự quan tâm của báo chí và sự phẩn nộ của công luận, thì có lẽ hung thủ không bị mức án hầu như cao nhất đối với thanh thiếu niên (dưới tuổi vị thành niên).

Một nạn nhân người Thổ Hasan D. (59 tuổi) bị hung thủ Mahmut A. (khi đó mới 16 tuổi) dùng cây xà beng bằng sắt đánh trọng thương, bị hôn mê trong nhiều tuần và một con mắt bị tàn phế

Sau khi ngồi tù 4 năm, hung thủ Mahmut A. được thả ra vào cuối tháng 3 năm 2017 và lẽ ra phải bị bị cưỡng chế trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức, vì y đã bị lệnh bị trục xuất. Nhưng không hiểu tại sao Sở ngoại kiều và cảnh sát Berlin không thực hiện lệnh trục xuất mà vẫn để một tên tội phạm cực kỳ nguy hiểm này hoành hành trên nước Đức.

Vào thời điểm 5/11/2017 khi giết người Việt Nam 21 tuổi, đúng ra hung thủ Mahmut A. không thể ở nước Đức được, vì đơn xin tị nạn của y đã bị bác từ nhiều năm trước, và giấy tạm dung (Duldung) của y đã bị hủy bỏ từ lâu. Mới một tuần trước vụ án mạng ở Wilmersdorf, hung thủ Mahmut A. đã đánh nhau với một người bà con, nên trong ngày gây án, y vẫn còn bị tím mặt.

Chính quyền Berlin đã im lặng trước nỗi hoang mang của gia đình nạn nhân Việt Nam và về sự thiếu sót của các cơ quan hữu trách. „Vì luật bảo vệ dữ kiện cá nhân cho nên trên nguyên tắc chúng tôi không được phép phát biểu về những trường hợp riêng biệt, cụ thể“, phát ngôn viên của Bộ trưởng Nội vụ bang Berlin (ông Anfreas Geisel) nói.

Hậu quả để lại cho gia đình Việt Nam này thật là khủng khiếp. Không phải chỉ có đứa con trai bị hung thủ giết chết một cách dã man. Người mẹ Hoan T. (53 tuổi) trước đây đã từng bị tai biến mạch máu não, nay khi phải chứng kiến cái chết kinh hoàng của con trai út, nên bà lại bị tai biến mạch máu não. Cho tới nay, bà vẫn còn trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê và phải được chăm sóc. Cô con gái Hải, 31 tuổi cho biết: „Bên phải của mẹ bị liệt. Mẹ được nuôi dưỡng nhân tạo và không tự mình ngồi được vào xe lăn, vì mẹ không giữ cổ được“. Hải, người chị H. 33 tuổi, em trai là Trung 25 tuổi và chồng bà Hoan T. phải chăm sóc nạn nhân trong một cơ sở dành cho bệnh nhân nặng, sau khi bà được cho ra viện và trung tâm phục hồi chức năng cách đây hai tháng. Bên cạnh nỗi đau buồn và hậu quả tâm lý nặng nề, gia đình còn phải tự mình gánh chịu một phần chi phí tài chính là hậu quả của vụ cướp.

Gia đình họ Trương đã hội nhập tốt ở Đức. Người cha và mẹ làm việc trong cửa hàng bán muộn, nay đã phải bỏ cửa hàng này, 4 đứa con thì sau khi học xong trung học thì học đại học. Một người con gái là trợ lý lãnh đạo của một doanh nghiệp ở Berlin. Cậu Đức 21 tuổi bị sát hại thì vừa bắt đầu làm việc cho một luật sư về bằng phát minh sáng chế.

Vụ cướp đã tàn phá phần lớn gia đình, gia đình đã rời bỏ căn hộ với những ký ức đau buồn, người cha T. thì giờ đây sống với con trai là Trung và được con hỗ trợ. Luật sư Alexander A. Wendt, người đại diện cho gia đình trong vụ án cho biết: „Hiện tại không thể dự báo tình hình sức khỏe của người mẹ có thể được cải thiện tới mức nào. Có thể sau mười năm nữa thì bà ta có thể tự mình đi lại và ăn uống. Những điều đó cũng chưa chắc chắn“.

Một trong những nghĩa vụ chính yếu của Nhà nước Đức là bảo vệ an toàn cho người dân, do đó chính quyền Berlin phải chịu ít nhiều trách nhiệm về cái chết thảm thương của nạn nhân và hậu quả nặng nề để lại cho cả gia đình.

Thiết nghĩ các Hội đoàn người Việt tại Berlin, nhất là Hội Đồng hương Bắc Giang, hãy giúp gia đình Việt Nam này kiện chính quyền Berlin ra tòa án về những thiếu sót, không làm tròn trách nhiệm bảo vệ an toàn cho người dân.

Các bị cáo người Thổ Nhĩ Kỳ bị xét xử tại tòa án Berlin vì vụ giết sinh viên Việt Nam (Foto: RBB) 

Hiếu Berlin – Thoibao (Tổng hợp)